Nhiều nhân sự mất việc do không thực hiện yêu cầu đến văn phòng của công ty. Ảnh minh hoạ: Cottonbro Studio/Pexels. |
Thời kỳ làm việc tại nhà có dấu hiệu khép lại khi Amazon yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng từ tháng 1/2025. Một số doanh nghiệp lớn khác như UPS, JPMorgan Chase và Boeing cũng kêu gọi nhân viên đến công ty làm việc trong năm nay.
Starbucks thậm chí còn cảnh báo sa thải nhân sự nếu họ không đến văn phòng 3 ngày/tuần từ tháng tới. Các công ty như Roblox và Grindr lại không ngại chi trả các gói đền bù và đuổi việc người lao động từ chối đến văn phòng thường xuyên.
Nhiều nhân sự cho biết không thể đạt được thỏa thuận làm việc từ xa hoặc kết hợp giữa lên văn phòng và ở nhà như trước, theo Wall Street Journal.
'Cuộc chiến' không khoan nhượng
Theo Dan Kaplan, một đối tác khách hàng cấp cao tại công ty tư vấn Korn Ferry, các giám đốc điều hành đã chán ngấy việc thỏa hiệp với người lao động về hình thức làm việc. “Nếu nhân sự không thể đáp ứng điều kiện tối thiểu, có mặt tại văn phòng, công ty sẽ tiếp tục vận hành mà không có họ”, Kaplan nói.
Kaplan dự đoán rằng bên cạnh những người bị buộc phải chấp nhận yêu cầu trở lại văn phòng, một số có thể cương quyết đối đầu, chấp nhận nghỉ việc trong năm sau. Theo ông, đây là một “cuộc chiến” mà cả người lao động và chủ doanh nghiệp đều không lùi bước.
Làm việc từ xa trở thành thói quen đối với nhiều nhân sự sau đại dịch Covid-19. Ảnh minh hoạ: JESSICA TICOZZELLI/Pexels. |
Trong khi một số vẫn có khoản tiết kiệm từ đại dịch Covid-19, sẵn sàng thất nghiệp trong một thời gian, những người khác lại lạc quan tin tưởng vào sự nóng lại của thị trường lao động, nơi họ có thể đàm phán về quyền làm việc linh hoạt.
Những người mất việc
Stephanie Pittman (51 tuổi) đã bị sa thải khỏi vị trí giám đốc quản lý nhà cung cấp cho một công ty bảo trì tòa nhà hồi tháng trước. Từ khi gia nhập công ty có trụ sở tại bang California (Mỹ) vào năm ngoái, cô luôn làm việc tại nhà ở Wichita (bang Kansas) chưa từng đến văn phòng.
Năm nay, doanh nghiệp này bắt đầu yêu cầu nhân sự đến trụ sở và chỉ tuyển dụng người có thể làm việc tại văn phòng chính. Pittman không thể đáp ứng yêu cầu này, phải ở lại Wichita để chăm sóc chồng, 4 đứa con và cha mẹ già.
Stephanie Pittman mất việc vì không thể thu xếp công việc cá nhân để có mặt tại công ty. |
Từ khi bị cho thôi việc, cô gửi đi hơn 100 đơn ứng tuyển, song không nhận được phản hồi. Pittman sống bằng khoản thu nhập ít ỏi đến từ công việc bán thời gian.
“Tôi cảm thấy nản chí”, cô nói.
Tương tự, Nathan Vance (50 tuổi) mua một ngôi nhà ở Washington (Mỹ), nhưng lại làm việc tại công ty sản xuất ứng dụng hẹn hò Grindr, nơi có các văn phòng cách xa khu vực sinh sống của Vance.
Anh nghĩ rằng có thể làm việc ở nhà vĩnh viễn. Nhưng năm nay, công ty yêu cầu Vance đến văn phòng hoặc chấp nhận thôi việc.
Không muốn rời khỏi ngôi nhà mà mình sở hữu để thuê chỗ ở với giá đắt đỏ tại Bay Area, anh chấp nhận mất việc, nhận 3 tháng đền bù thôi việc và hưởng 6 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Sau một thời gian dài tìm kiếm vị trí mới, Vance dần tuyệt vọng, cuối cùng chấp nhận khả năng chuyển đến nơi khác để làm việc.
Grindr cho biết đã yêu cầu nhân viên đến văn phòng 2 ngày/tuần trong năm qua. Chỉ 8% vị trí trống được đăng tải trên LinkedIn của công ty này cho phép làm từ xa, giảm nhiều so với mức 18% hồi năm 2022.
Cuối cùng, Kendelyn Chilton (32 tuổi) gia nhập Amazon từ năm 2021 khi sống tại Nashville, (bang Tennessee), nơi công ty xây dựng một văn phòng mới vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Chilton đã ly hôn sau đó và chuyển đến sống ở Baton Rouge, gần gia đình hơn. Khi Amazon nỗ lực đưa nhân sự trở lại văn phòng, cô bị sa thải hồi tháng 7/2023.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.