Juliet Kaihui Sinclair không có kế hoạch nghỉ hưu ở tuổi 40. Vào những tháng đầu tiên của năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cũng như hàng triệu người lao động Mỹ khác, cô bị cho thôi việc.
Bất ngờ rơi vào tình cảnh thất nghiệp, Sinclair nhận ra mình từ lâu đã kiệt sức với công việc quản lý dự án công nghệ thông tin ở Overland Park, bang Kansas. Vì vậy, cô quyết định nghỉ hưu sớm.
"Tôi chưa bao giờ lên kế hoạch cho việc nghỉ hưu. Nhưng khi tôi lùi lại và nhìn vào bức tranh toàn cảnh, tôi lại nghĩ ra điều gì là đáng quan tâm trong cuộc sống của mình?", cô nói trên WSJ.
Scott Rieckens và vợ quyết định nghỉ hưu ở tuổi 30. |
Khó quay đầu
Theo ước tính của Miguel Faria-e-Castro, nhà kinh tế cấp cao từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang, từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021 (giai đoạn dịch bệnh căng thẳng) có đến 2,6 triệu người Mỹ nghỉ hưu sớm hơn dự kiến.
Một số người, như Sinclair, rời bỏ lực lượng lao động sau khi bị cho thôi việc. Một số khác lại quyết định nghỉ hưu do cảm thấy sự áp lực, kiệt sức khi phải làm việc tại nhà, đồng thời lo ngại về những rủi ro sức khỏe ở nơi làm việc.
Tuy nhiên, cuộc sống nghỉ hưu sớm lại không hề như mơ.
Tiến sĩ, nhà tâm lý học Nancy Schlossberg cho rằng đại dịch Covid-19 kéo dài làm trầm trọng thêm những thách thức mà người nghỉ hưu sớm phải đối mặt. Rời xa công việc, họ trăn trở tìm kiếm mục đích sống hàng ngày nhưng vẫn không hề xóa bỏ được những nỗi lo lắng về tài chính.
Cụ thể, những người nghỉ hưu trong đại dịch, dù chủ động hay bị động, đều có ít cơ hội để theo đuổi đam mê ngoài công việc như đi du lịch hoặc xây dựng các mối quan hệ mới. Về mặt tài chính, họ cảm thấy áp lực khi nguồn tiền hàng tháng bị đứt sau nhiều năm đổ về ổn định.
"Những người nghỉ hưu phải trải qua hội chứng rút lui thu nhập, đối mặt với sự thay đổi danh tính, các mối quan hệ và mục đích sống. Điều này gây khá nhiều căng thẳng", cô nói.
Al Villeta nghỉ hưu vào năm 51 tuổi sau nhiều năm làm tài xế và khuân vác. Anh nuôi một con chó và kết bạn với những người đàn ông hơn mình 30 tuổi. |
Còn theo Bloomberg, khi Covid-19 bước vào giai đoạn thoái trào, nhiều người từng nghỉ hưu sớm lại muốn trở lại làm việc, cảm thấy bị cám dỗ trước cơ hội việc làm rộng mở cùng mức lương tăng. Nhưng lúc này, họ có muốn làm cũng không còn nhiều cơ hội.
Nghiên cứu từ Trung tâm Phân tích Chính sách Kinh tế Schwartz cho thấy làn sóng nghỉ hưu sớm phần lớn bao gồm những người lao động không có trình độ đại học và có mức lương thấp. Họ thường là nhóm đối tượng bị yêu cầu nghỉ việc trong bối cảnh đại dịch.
Khi nền kinh tế dần phục hồi, những người lao động này lần lượt muốn quay lại thị trường nhưng không được nhiều nhà tuyển dụng chào đón.
Trong khi đó, nhóm người lao động chủ động nghỉ hưu sớm lại thường có trình độ đại học, kế hoạch cuộc sống cùng độ tuổi trên 65. Tuổi tác chính là rào cản khiến mong muốn quay trở lại công việc của họ trở nên khó khăn.
Thông thường, kể cả nơi làm việc cũ cũng sẽ không trả cho họ mức lương tương đương thời điểm nghỉ việc.
Ngoài ra, việc nghỉ hưu sớm cũng sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận quyền lợi hưu trí, an sinh xã hội của người lao động.
Theo đó, nếu một người nghỉ hưu sớm và yêu cầu chi trả quyền lợi nhưng sau đó lại muốn đi làm, họ có thể phải trả lại những khoản tiền đã nhận. Ngoài ra, thu nhập từ việc làm mới sau đó cũng sẽ phải chịu thuế nhiều hơn do họ đã đăng ký hưởng quyền lợi hưu trí.
Lợi ích tinh thần
Tuy nhiên, bất chấp nhiều khó khăn cả về khía cạnh tinh thần và tài chính, nhiều người vẫn cho rằng nghỉ hưu sớm còn tốt hơn đi làm.
Theo WSJ, nghiên cứu của Fed vào năm 2021 cho thấy những người về hưu sớm có tỷ lệ lo lắng thấp hơn những người làm việc cùng tuổi với họ.
Ayse Yemiscigil, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Chương trình Phát triển Con người, Đại học Harvard, nhận thấy mọi người thường có ý thức cao hơn về mục đích cuộc sống sau khi nghỉ hưu, theo một nghiên cứu mà cô thực hiện vào năm 2021.
"Những người nghỉ hưu có nhiều thời gian hơn để dành cho các hoạt động ý nghĩa, chẳng hạn như các hoạt động xã hội", tiến sĩ Yemiscigil nói.
Dee Dee Patten (57 tuổi) và chồng phải nghỉ hưu sớm khi đại dịch bùng phát gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. |
Quay trở lại với Sinclair, cô khẳng định việc nghỉ hưu sớm dù mang nhiều bất cập nhưng vẫn khiến sức khỏe tâm thần tổng thể của mình trở nên tốt hơn giai đoạn còn đi làm.
Hay như Sinclair, Frank Niu (Canada) cũng nghỉ hưu năm 30 tuổi, ở nhà chăm sóc con cái và sản xuất nội dung video trên mạng xã hội. Anh chia sẻ với mọi người về hành trình nghỉ hưu sớm từ cuối năm 2021 của mình sau nhiều năm làm việc tại một công ty giải trí lớn.
"Có nhiều người trải qua cảm giác chán nản sau khi nghỉ hưu sớm vì mất đi chức danh nghề nghiệp hoặc thói quen lâu dài. Nhưng tôi đã nhanh chóng có được chức danh mới cho riêng mình. Tôi không là kỹ sư phần mềm nữa, giờ đây tôi là người làm video và người cha toàn thời gian cho các con của mình", anh tâm sự.