Kể từ ngày 22/10, khi cơ quan điều tra bắt bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường và bảo vệ Đào Quang Khánh do có liên quan đến vụ ném xác nạn nhân thẩm mỹ để phi tang, đến nay dư luận vẫn luôn quan tâm đến vật chứng vụ án là chiếc điện thoại iPhone 5 của nạn nhân bị mất.
- Theo Luật sư chiếc điện thoại iPhone 5 của chị Huyền có ý nghĩa như thế nào tới việc giải quyết vụ án?
- Chiếc điện thoại này là một vật chứng quan trọng chứng minh chị Huyền là người chủ sở hữu có mang theo người vào ngày xảy ra vụ án 19/10 tại Thẩm mỹ Cát Tường và sau đó cũng đã bị mất tích cùng chiếc điện thoại. Chiếc điện thoại này nếu xác minh được do ai đó chiếm giữ sẽ củng cố chứng cứ chứng minh chị Huyền đã bị tử vong và bị phi tang.
Ngoài ra còn có thể xác định được một số nội dung bên trong về các thông tin cá nhân với bác sĩ Tường (nếu chưa bị xóa) để góp phần vào việc sáng tỏ thêm sự việc. Vì thông thường trước khi đi làm thẩm mỹ, chị Huyền sẽ phải liên lạc, tin nhắn trao đổi, tư vấn trước với bác sĩ Tường và nhân viên của thẩm mỹ viện qua điện thoại về thời gian, phương pháp làm,...
- Với vật chứng quan trọng này, luật sư nghĩ cơ quan điều tra sẽ hướng vào những ai để điều tra?
- Chúng ta có thể dùng phương pháp loại trừ những nghi vấn ai có thể "nẫng" chiếc điện thoại iPhone 5 của chị Huyền.
Trước hết loại trừ anh Vũ Văn Tuấn là người phát hiện chiếc xe Honda Lead màu đen cùng tài sản của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền là manh mối quan trọng giúp phá án. Xe có đủ chìa khóa, giấy tờ tùy thân của chị Huyền cùng điện thoại, anh Tuấn không "tham" nên liên lạc theo cuộc gọi nhỡ gần nhất để báo tin. Nếu anh Tuấn là người tham lam thì đã lấy hết tài sản còn có giá trị hơn chiếc Iphone 5 như chiếc xe máy, túi, thẻ ATM. Cơ quan điều tra cũng xác định hành động của anh Tuấn là rất đáng biểu dương.
Với bác sĩ Tường, Giám đốc trung tâm thẩm mỹ, là người có điều kiện về kinh tế. Trong điều kiện làm nạn nhân tử vong, sau đó nghĩ tới việc che giấu tội phạm phi tang ném xác nạn nhân thì không dại gì giữ lại chiếc điện thoại đó. Còn với nhân viên thẩm mỹ trực tiếp giúp bác sĩ Tường ca phẫu thuật khi thấy chị Huyền biến chứng thì đã hoảng sợ gọi điện báo và làm theo hướng dẫn của giám đốc trung tâm để truyền dịch, tiêm thuốc thì càng lo sợ hơn nên không đủ suy nghĩ để mở túi xách nạn nhân lấy điện thoại.
Các nhân viên khác chủ yếu là nữ giới thì cuối giờ chiều đi làm về hoặc một số người ở lại giúp bác sĩ Tường che giấu, tẩu tán chứng cứ, tài liệu như lau dọn, cất thuốc, vật tư… nên không thể lấy điện thoại trong túi xách của chị Huyền được vì sẽ có nhiều người phát hiện.
Người duy nhất mà cơ quan điều tra cần tập trung khai thác tìm kiếm chiếc điện thoại là Đào Quang Khánh - bảo vệ mới vào làm việc. Khánh đã nhận lời giúp Tường ném xác nạn nhân vì được hứa tăng lương. Khánh cũng là người trực tiếp điều khiển chiếc xe máy của chị Huyền đi sang bên Thạch Bàn, Long Biên vứt xe cùng các tài sản của nạn nhân.
- Trường hợp cơ quan điều tra phát hiện được người có hành vi "nẫng" chiếc điện thoại iPhone 5 của chị Huyền thì sẽ bị xử lý về tội gì?
- Nếu người của trung tâm thẩm mỹ có hành vi tranh thủ "nẫng" chiếc iPhone 5 của chị Huyền khi biết nạn nhân đang hôn mê hoặc biết đã chết thì hành vi đó sẽ có dấu hiệu phạm tội Cướp tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định theo Khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự với hình phạt từ 3 - 10 năm.
Như vậy, người có hành vi chiếm đoạt chiếc điện thoại trên sẽ bị tội nặng nhất trong vụ án này. Vì đến thời điểm này cơ quan điều tra chỉ khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường theo điều 242 và 246 Bộ luật hình sự; bị can Đào Quang Khánh về Điều 246 Bộ luật hình sự.
Bị can Nguyễn Mạnh Tường chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 242 Bộ luật hình sự với khung hình phạt chỉ từ 1- 5 năm (hậu quả của vụ án chỉ làm chết một người). Khoản 2, khoản 3 đến 15 năm thì phải là hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong khi đó không có văn bản nào của TAND Tối cao hướng dẫn trong trường hợp này. Do đó chỉ có thể truy tố bị can Nguyễn Mạnh Tường theo Khoản 1 Điều 242 Bộ luật hình sự là có căn cứ.
Chúng ta không thể suy diễn hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng ở trong trường hợp này là gây hoang mang trong dư luận xã hội, gây chấn động trong nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến công tác khám chữa bệnh, mất niềm tin của người dân vào ngành y tế,…và cũng không thể lấy hành vi bị can Tường ném xác phi tang nạn nhân xuống sông Hồng để làm căn cứ tăng nặng khung, khoản của hình phạt vì hành vi này đã cấu thành một tội độc lập là điều 246 Bộ luật hình sự.
Đối với tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị can Nguyến Mạnh Tường và Đào Quang Khánh chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 246 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm.
Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.