Phẫu thuật cắt mí chính là món quà mẹ tặng Thanh Hà sau khi biết cô làm bài thi với phong độ tốt.
"Kỳ thi THPT kết thúc cũng là lúc tôi có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hồi phục hậu phẫu thuật. Trong tương lai, tôi muốn thực hiện thêm việc tiêm filler nâng mũi để tổng thể khuôn mặt hài hòa hơn", Thanh Hà (hiện là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ với Zing.
Tại Việt Nam, nhiều người trẻ dưới 20 tuổi cũng từng phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) hoặc có nhu cầu PTTM như Thanh Hà. Nâng ngực, nâng mũi, cắt mí, nhấn mí hoặc tiêm môi là những thủ thuật thường được quan tâm. Trong đó, đối với những bạn trẻ chưa đi làm, hầu hết vẫn cần sự đồng thuận và hỗ trợ tài chính từ gia đình.
Tại hội thảo khoa học "An toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ" diễn ra vào tháng 12/2019, các chuyên gia thống kê chỉ tính riêng ở TP.HCM, mỗi năm số người thực hiện dịch vụ thẩm mỹ các loại vào khoảng 250.000 người.
Độ tuổi trung bình PTTM là 25-35 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay độ tuổi này ngày càng trở nên trẻ hoá vào khoảng 18-19 tuổi.
Độ tuổi trung bình PTTM là 25-35 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay độ tuổi này ngày càng trở nên trẻ hoá vào khoảng 18-19 tuổi. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Không hối hận
Vừa nhận tin chính thức đỗ vào đại học Ngoại thương, món quà mẹ Nguyễn Quỳnh Hương (sinh năm 2003, ngụ quận Tây Hồ) tặng cho cô là 50 triệu đồng để phẫu thuật nâng ngực.
"Mẹ hay bảo tôi 'có tất cả nhưng thiếu vòng một'. Học hết lớp 12, thi đỗ vào ngôi trường mơ ước, tôi đi nâng ngực luôn. Tôi muốn chính thức tạm biệt những ngày trẻ con, khuôn ngực phẳng lì như con trai, bước vào thế giới của những cô gái quyến rũ, trưởng thành hơn", Quỳnh Hương giải thích.
Quá trình nâng ngực, định hình, cắt chỉ, tháo nẹp diễn ra trong khoảng 2 tháng, cũng là mùa hè Quỳnh Hương được nghỉ.
"Chưa bao giờ tôi tiếc nuối vì đã phẫu thuật nâng ngực. Đằng nào cũng phải làm, tôi cố gắng làm đẹp càng sớm càng tốt", cô nói. Đầu năm nay, cô đã tranh thủ thời gian dịch bệnh, học online ở nhà để làm phẫu thuật mở rộng góc mắt và tiêm filler làm đầy thái dương.
Đã 5 năm trôi qua kể từ ca nâng mũi và cắt mí mắt, Nhật Mai (sinh năm 1998, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn nhớ rõ cảm giác đau đớn và mệt mỏi khi phải thực hiện cùng lúc 2 thủ thuật trên khuôn mặt.
Mong muốn PTTM là chủ ý của mẹ Nhật Mai. Theo bà, con gái cần phải cắt mí và nâng mũi để gương mặt thanh thoát hơn, sau này dễ xin việc làm. Cô liên tục bị mẹ chê xấu xí và gây áp lực phải dao kéo khi chưa đầy 20 tuổi.
Không ít lần cô gái trẻ phản đối yêu cầu và quan điểm của mẹ. Theo Nhật Mai, các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá năng lực cá nhân của ứng viên chứ không dựa vào vẻ bề ngoài. Song cuối cùng, cô cũng phải xuôi theo ý mẹ để giữ mối quan hệ hòa thuận.
Những người đẹp Hàn Quốc, Thái Lan là một phần động lực thúc đẩy việc PTTM tại Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Nhật Mai cho biết cô gần như không có thời gian chuẩn bị tâm lý trước. Đến buổi thứ 2 tới thẩm mỹ viện, Nhật Mai đã thấy mình trong phòng phẫu thuật. Mọi thủ tục và trao đổi với bác sĩ đều được mẹ cô chuẩn bị sẵn từ trước.
Nhật Mai rời khỏi phòng phẫu thuật với gương mặt “như búp bê thường thấy trong phim kinh dị”.
“Mắt có chỉ khâu, mũi dán băng gạc kín tận hai bên má và có một ống dịch nối từ trong mũi ra ngoài. Tôi cũng khá tò mò mình sẽ trông như thế nào sau khi được tháo băng gạc”, cô kể lại.
Suốt một tháng tiếp theo, Nhật Mai phải uống thuốc kháng viêm, chống tụ máu, đồng thời thường xuyên đến thẩm mỹ viện để kiểm tra và tiêm thuốc giúp tan bớt vết bầm máu trên mặt. Việc sinh hoạt cũng gặp nhiều bất tiện.
“Tôi không được rửa mặt, di chuyển cũng hạn chế để tránh va đập mũi. Mắt sưng, chỉ có thể mở ti hí. Tôi thậm chí không dám cười. Cảm giác một ngày trôi qua rất chậm”.
Tuy nhiên, nếu được lựa chọn lại, Nhật Mai cho biết cô vẫn sẽ thực hiện cuộc phẫu thuật này.
“Với gương mặt mới, tôi nhận thấy mình được quan tâm nhiều hơn, không còn là người vô hình giữa đám đông. Nó đem lại cho tôi sự tự tin để thể hiện suy nghĩ, năng lực và con người thật của mình”, cô chia sẻ.
“Tôi sợ bị đánh giá, trêu chọc. Nhưng thật may mắn, bạn bè tôi rất cởi mở về vấn đề này. Họ chỉ hỏi thăm rằng tôi có đau không, quá trình nâng mũi diễn ra thế nào với chi phí bao nhiêu. Họ cũng đón tôi đi chơi thường xuyên dù gương mặt tôi chưa hoàn toàn hồi phục”, cô kể thêm.
Cột mốc 18 tuổi
Từ năm ngoái khi còn học lớp 8, H.A. (sinh năm 2007, tỉnh Thái Bình) đã cùng cha mẹ đi khắp các bệnh viện, trung tâm thẩm mỹ tại Hà Nội. Cô nữ sinh không đếm nổi số lần phải chụp chiếu X-quang, đặt cằm lên những thiết bị đo của bác sĩ.
Chị Trần Thị T., mẹ của H.A., cho biết khi vừa sinh ra, con gái mình đã có khuôn mặt không cân xứng với phần cằm bị lệch nhẹ sang trái. Gia đình chị khá lo lắng nhưng tin tưởng rằng trong quá trình trưởng thành, con dần hoàn thiện đường nét và khiếm khuyết nhỏ nói trên sẽ từ từ thay đổi.
Đến khi bước sang tuổi dậy thì, phần cằm của H.A. vẫn lệch dù cô luôn được mẹ nhắc nhở nhai cơm đều bằng cả 2 hàm và tránh nằm ngủ nghiêng một bên. Chị T. nhận ra dường như con trở nên mất tự tin hơn với khuôn mặt của mình.
Năm 2020, lần đầu tiên chị T. và chồng quyết định đưa con lên Hà Nội khám bệnh.
"Chúng tôi đưa con đến Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, bác sĩ nói xương hàm của con bị mất cân đối qua trục sống mũi, khó có thể tự điều chỉnh lại qua thời gian trưởng thành. Phương pháp phẫu thuật chỉnh hình có thể giúp con tôi kéo phần xương hàm về chính giữa, nhưng bác sĩ khuyên gia đình cần suy nghĩ kỹ vì con chưa đủ 18 tuổi", chị nói.
Sau đó vài tháng, được người nhà động viên, chị T. tiếp tục đưa con đi một bệnh viện và 2 trung tâm thẩm mỹ khác. Có nơi cho biết H.A. buộc phải can thiệp dao kéo, đai định hình khuôn mặt không mang tác dụng đáng kể. Nơi lại cho rằng cô có thể điều chỉnh bằng cách xoa bóp, bấm huyệt theo đông y, liệu trình kéo dài trong khoảng 6 tháng.
Có nhiều lý do thôi thúc mọi người lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ như chỉnh sửa dị hình hoặc thay đổi tướng số, nhưng chủ đều yếu hướng đến nhu cầu "được đẹp". Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Tuy nhiên, sau cùng, chị T. vẫn quyết định đưa con về nhà. Chị thương con còn nhỏ tuổi, việc PTTM chỉnh xương hàm sẽ rất nguy hiểm và gây ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, học tập của con.
"Sau này khi con đủ 18 tuổi, vợ chồng tôi sẽ lắng nghe ý kiến của con về việc PTTM. Khi đó, nếu con muốn, cha mẹ đều ủng hộ", chị chia sẻ.
Đừng để "rỗng ruột"
Theo bác sĩ Lưu Tuấn Phong (33 tuổi, Hà Nội), người có kinh nghiệm 8 năm trong chuyên ngành Da liễu thẩm mỹ nội khoa và Làm đẹp công nghệ cao, xu hướng trẻ hóa PTTM là điều tất yếu và dễ nhận thấy.
Ngày càng nhiều người quan tâm đến các phương pháp làm đẹp, bao gồm phẫu thuật thẩm mỹ hoặc làm đẹp không dao kéo, như tiêm filler (chất làm đầy) và botox.
Anh nhận định rằng sự thay đổi này có lẽ một phần do thông tin làm đẹp chính thống trở nên phổ biến hơn, cũng như nhờ ảnh hưởng từ văn hóa làm đẹp của các quốc gia lân cận, như Hàn Quốc hay Thái Lan.
Bác sĩ cho biết có nhiều lý do thôi thúc mọi người lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ như chỉnh sửa dị hình hoặc thay đổi tướng số, nhưng chủ đều yếu hướng đến nhu cầu "được đẹp".
"Họ muốn trở nên tự tin hơn, nhất là khi xã hội hiện chú trọng về cả mặt hình thức bên cạnh yêu cầu năng lực. Quan điểm 'xấu tự nhiên còn hơn đẹp nhân tạo' hiện không còn phù hợp với xu thế", anh nhận định.
Bác sĩ Lưu Tuấn Phong có kinh nghiệm 8 năm trong chuyên ngành Da liễu thẩm mỹ nội khoa và Làm đẹp công nghệ cao. Ảnh: NVCC. |
Theo bác sĩ Phong, một người đã bước qua tuổi 18 đã có thể can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ. Tùy vào vùng hoặc bộ phận trên cơ thể mà bệnh nhân muốn dao kéo, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn phù hợp nhất đối với mỗi người.
Không có nhiều bạn trẻ phẫu thuật thẩm mỹ khi chưa đủ 18 tuổi, nhưng anh từng gặp vài trường hợp. Khi đó, bệnh nhân sẽ cần sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ pháp lý.
Mặt khác, bác sĩ Phong khuyên những người có nhu cầu dao kéo nên cẩn thận lựa chọn cơ sở uy tín, cũng như vị bác sĩ thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho mình, tránh rơi vào trường hợp "tiền mất tật mang".
Ngoài ra, họ nên lựa chọn sản phẩm đưa vào cơ thể mình. Đó phải là sản phẩm chính hãng uy tín, đáp ứng các tiêu chuẩn FDA và có sự kiểm duyệt của Bộ Y tế.
"Mẹo đơn giản nhất là nhìn vào biển tên của cơ sở thẩm mỹ có ghi phòng khám hoặc bệnh viện hay không. Tuyệt đối không thực hiện dao kéo tại các spa bởi những cơ sở này không được cấp phép chức năng phẫu thuật thẩm mỹ", bác sĩ nói.
Cũng theo anh, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của con người, bất kể giới tính hay độ tuổi. Tuy nhiên, bên cạnh vẻ ngoài, chúng ta cũng luôn cần trau dồi kiến thức cùng nhân cách sống. Chính cách cư xử, lời nói, tư duy mới làm một người khác biệt và nổi bật so với người khác.
Như Nhật Mai, cô cho biết mẹ vẫn chê mũi của cô chưa đủ cao và đề xuất con gái làm lại trong thời gian bảo hành. Bà cũng khuyên cô cắt môi "để cười xinh hơn" và thực hiện một số thủ thuật khác nhằm tăng cơ hội xin việc làm.
Nhưng cô không hề có ý định chỉnh sửa gì thêm. Cô khẳng định ngoại hình ưa nhìn vẫn chưa đủ để đem lại một công việc tốt nhưng những gì mẹ muốn. Cô từng thất nghiệp suốt một tháng trời sau khi ra trường.
"Nó là minh chứng cho mẹ tôi thấy trong tuyển dụng, năng lực làm việc được đánh giá cao hơn ngoại hình. Dù tôi dao kéo thế nào, nếu CV chưa đủ năm kinh nghiệm hoặc không phù hợp yêu cầu tuyển dụng, tôi vẫn sẽ thất nghiệp", Nhật Mai bày tỏ.