Giống nhiều bạn đồng trang lứa, Bobby (16 tuổi, Long Island, Mỹ) dành nhiều thời gian để có cơ thể săn chắc thông qua tập luyện và chế độ ăn kiêng, theo New York Times.
Nam thiếu niên theo dõi các VĐV thể hình nổi tiếng, đồng thời đến phòng gym 6 ngày/tuần. Các món ăn hàng ngày Bobby tiêu thụ đều nhằm mục đích tăng cơ bắp.
Song, mục tiêu cuối cùng của Bobby không phải là để tham gia thi đấu, mà là để trở nên nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok.
Bigorexia - chứng mặc cảm, tự ti cơ thể bản thân nhỏ bé, không có đủ cơ bắp cần thiết. Ảnh: Insider. |
Đối với thế hệ nam giới trẻ, việc tôn thờ vẻ đẹp cơ bắp ngày càng phổ biến trong nền văn hóa kỹ thuật số. Ví dụ về hình mẫu nam tính có mặt ở khắp mọi nơi, từ những trò chơi điện tử đến các siêu anh hùng trên phim ảnh.
Theo các bác sĩ và nhà nghiên cứu, việc phổ biến không ngừng về hình ảnh cơ thể đàn ông lực lưỡng có thể ảnh hưởng độc hại đến lòng tự trọng của nam thanh niên trẻ tuổi, khiến họ thấy hụt hẫng và lo lắng về ngoại hình bản thân.
Nỗi ám ảnh này được gọi dưới cái tên “Bigorexia”, một dạng rối loạn chuyển hóa cơ thể sinh ra tâm lý mặc cảm ở đàn ông. Những người mắc hội chứng này nghĩ mình có vóc dáng quá nhỏ bé, không đủ vạm vỡ.
Ám ảnh hình thể
Bobby thường xuyên đăng tải các clip tập luyện, với các tiêu đề video như cách có được “ngực khỉ đột”, “cánh tay cuồn cuộn”, “cơ bụng 6 múi”. “Các bạn trẻ coi tôi như thần tượng. Họ muốn có cơ thể cơ bắp ngay ở tuổi teen như tôi”, chàng trai hiện có hơn 400.000 người theo dõi, cho biết.
Khi còn là học sinh, Johnny Edwin (22 tuổi, Canada) dành hàng giờ dán mắt vào kênh YouTube của một chuyên gia thể hình.
"Mạng xã hội và áp lực phải có được vóc dáng nam tính đó đã hoàn toàn chiếm lấy cuộc sống của tôi", anh kể. Ba năm trước, Edwin bắt đầu đăng tải nội dung tập gym của mình lên mạng.
Từ một nghiên cứu phân tích 1.000 bài đăng trên Instagram mô tả cơ thể nam giới, kết quả cho thấy hình ảnh đàn ông cao to, lực lưỡng nhận về nhiều lượt thích, chia sẻ hơn, so với các bức hình đàn ông có kích cỡ bình thường hoặc có nhiều mỡ.
Hình ảnh nam giới mạnh mẽ, nam tính với cơ bắp rắn rỏi phủ sóng khắp các phương tiện truyền thông đại chúng. Ảnh: People. |
Thomas Gültzow, nhà nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Maastricht (Hà Lan), cho biết: “Hầu hết nghiên cứu về chủ đề ám ảnh ngoại hình đều đến từ góc nhìn của phụ nữ. Rất ít thứ phân tích suy nghĩ của nam giới”.
Trên thực tế, các báo cáo gần đây phát hiện rằng nam giới cũng dễ bị ám ảnh về ngoại hình do các áp lực trực tuyến gây ra.
Năm 2019, tạp chí Californian Journal of Health Promotion công bố khảo sát về mức độ hài lòng ngoại hình ở nam thiếu niên. Gần một phần ba trong số 149 người trong độ tuổi 11-18 tham gia trả lời nói họ không hài lòng với hình thể.
Trong đó, những người hay tập luyện, chơi thể thao có xu hướng khắt khe với ngoại hình so với những người không tập. Hầu hết đều có mong muốn tăng cơ, nhất là ở ngực, cánh tay và bụng.
Bryan Phlamm (18 tuổi), sinh viên năm nhất đại học ở Illinois, thường đăng video cởi trần trong phòng thay đồ, với các tư thế tạo dáng khoe gân guốc. Nhưng khi máy ảnh tắt, nam thanh niên mặc áo len trùm kín, che giấu cơ thể.
“Tôi cố gắng không soi gương. Tôi chỉ thấy nản lòng, nhất là khi bạn nhìn vào mạng xã hội và thấy những người chỉnh góc máy, đặt ánh sáng giúp trông họ to gấp 3 lần so với kích thước thực sự”, anh nói.
Nhiều thiếu niên Mỹ có xu hướng tập luyện sớm ngay từ tuổi dậy thì để có vóc dáng vạm vỡ. Ảnh: Science. |
Veya Seekis, giảng viên tại Trường Tâm lý học Ứng dụng thuộc Đại học Griffith ở Queensland (Australia), cho biết: “Đàn ông càng coi cơ thể của họ là vật trưng bày trước công chúng, họ càng sợ bị đánh giá tiêu cực và tự ti, từ đó gia tăng mong muốn trở nên cơ bắp hơn".
"Dù người xem khen tôi đẹp hay bất cứ điều gì, tôi vẫn biết rằng mình sẽ không bao giờ có thân hình hoàn hảo. Nếu tăng, tôi sẽ trông kém hấp dẫn và lượng người follow tụt đi", Edwin nói.
Nam thanh niên cho biết có những cậu bé mới chỉ 10 tuổi đã tìm đến mình để xin lời khuyên.
Sau vài tháng cho phép cậu con trai 13 tuổi sử dụng mạng xã hội, hai phụ huynh ở Vermont (Mỹ) thấy nam sinh bắt đầu phàn nàn về chuyện cảm thấy "yếu đuối", "dáng người nhỏ bé".
"Cơ thể của thằng bé còn chưa qua tuổi dậy thì, nhưng nó đã có tiêu chuẩn cực kỳ cao về ngoại hình", người cha nói.
Mất nhiều công sức để có hình thể hấp dẫn, nhiều chàng trai lại rơi vào cảm giác lạc lõng, thiếu kết nối khi không có bạn bè. Ảnh: NY Times. |
Rối loạn ăn uống, cảm giác cô lập
Trên các nền tảng như YouTube hay TikTok, hình ảnh nam tính với bắp tay phồng và cơ bụng săn chắc càng thống trị. Các sao nam mạng xã hội cho đến streamer hầu như đều theo đuổi hình mẫu này.
Ví dụ, PewDiePie từng khiến người theo dõi “phát cuồng” khi khoe vóc dáng mới sau thời gian ở nhà cách ly. Video nhật ký tập luyện kéo dài 20 phút của nam streamer này thu về hơn 10 triệu lượt xem.
Trên thực tế, những người sở hữu vẻ ngoài được cho là đáng mơ ước của đàn ông cũng không vui vẻ hơn.
"Thật khó để duy trì cơ bắp. Điều đó đồng nghĩa với bạn phải bỏ đói chính mình, gây hại cho chính sức khỏe", nam diễn viên Channing Tatum, người nổi tiếng với thân hình gợi cảm, từng tiết lộ.
Bác sĩ nhi khoa Jason Nagata tại Đại học California, San Francisco, tin rằng đại dịch đã làm trầm trọng thêm hành vi không lành mạnh này.
“Chứng rối loạn ăn uống, kết hợp với sự cô lập xã hội, thói quen bình thường bị gián đoạn và gia tăng thời gian sử dụng mạng xã hội. Rất nhiều nam thanh, thiếu niên không thể hoạt động thể thao và lo lắng chuyện tăng cân", Nagata phân tích.
Trong nghiên cứu về rối loạn ăn uống trong độ tuổi thanh niên được công bố năm ngoái trên tạp chí The Journal of Adolescent Health, 10% trong số gần 4.500 người tham gia nói họ tìm đến các sản phẩm hỗ trợ tạo cơ bắp.
Việc tiêu thụ các chất bổ sung không theo kê đơn trở nên phổ biến đến mức các bác sĩ phải lên tiếng cảnh báo về rủi ro sức khỏe như khó thở, làm hại quá trình trao đổi chất và đường ruột.
Vấn đề tâm lý cũng bị ảnh hưởng. Nhiều nam giới tập thể dục quá mức và chọn bỏ ăn với gia đình, không tụ tập cùng bạn bè.
"Tôi mất đi các kỹ năng giao tiếp xã hội. Tôi sợ việc đi chơi với bạn bè khiến lãng phí thời gian ở phòng tập và cơ bắp bị ảnh hưởng theo. Về cơ bản, tôi không rời khỏi nhà ngoại trừ những lúc đi chợ và tập luyện. Tôi hiếm khi gặp người thân dù chỉ sống cách họ 15 phút lái xe", Edwin bày tỏ.
Với Bobby, tâm trạng đến trường bị phụ thuộc vào việc cảm thấy ngoại hình thế nào vào buổi sáng thức dậy. Ban đầu, nam sinh nghĩ ngoại hình nam tính sẽ giúp thu hút nhiều nữ sinh ở trường, song hầu hết người nhắn tin là các chàng trai khác muốn xin lời khuyên tập luyện.