Tối 21/11, sự việc một người đàn ông ném khoảng 15 quả bom xăng sang nhà hàng xóm rồi cố thủ trong nhà tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, thu hút sự chú ý của nhiều người.
Khoảng 3h sáng 22/11, lực lượng chức năng khống chế thành công người này và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng bị bỏng xăng 15%. Qua xác minh, người này là Nguyễn Huy Ngọc (61 tuổi, ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).
Ông Ngọc đứng trên tầng 2 ném bom xăng sang nhà hàng xóm. Ảnh cắt từ clip. |
Theo dõi vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp) cho rằng đây là hành vi nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và đời sống của người dân xung quanh.
Luật sư Cường nhận định trong trường hợp này, cơ quan chức năng cần làm rõ mức độ nhận thức điều khiển hành vi, ý thức chủ quan, động cơ hành động của ông Ngọc cũng như hậu quả mà hành vi này đã và có thể gây ra.
Một cán bộ UBND xã Tân Triều cho biết trong thời gian gần đây, người đàn ông này thường rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy trước và trong khi thực hiện hành vi, ông Ngọc mắc các bệnh làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, ông sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ buộc phải đi chữa bệnh.
Trong trường hợp kết quả giám định cho thấy tại thời điểm hành động, người đàn ông này bị hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi do sử dụng rượu bia còn trước đó vẫn có thể kiểm soát bản thân thì sẽ bị xem xét xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng.
Chung quan điểm, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) nhận định, nếu hành vi ném bom xăng gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thương tích cho người khác mà chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5, Điều 15, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Mức phạt tối đa với hành vi huỷ hoại tài sản người khác và xâm phạm sức khoẻ lần lượt là 5 triệu và 3 triệu đồng.
Nếu hành vi ném bom xăng nhằm mục đích gây thiệt hại về tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 1, Điều 178, Bộ luật hình sự 2015, thì có thể bị xử lý hình sự về tội Huỷ hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản người khác. Mức phạt cao nhất là 20 năm tù.
Trong trường hợp hành vi của ông Ngọc nhằm chủ đích gây thương tích và hậu quả gây thương tích cho người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích. Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này, mức án cao nhất ông có thể đối diện là tù chung thân, theo Điều 134, BLHS 2015.
Thậm chí, nếu chứng minh được mục đích ném bom xăng nhằm tước đoạt tính mạng người khác, dù chưa gây hậu quả chết người, ông Ngọc vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội Giết người theo quy định tại Điều 123, BLHS 2015.
Lực lượng chức năng trước cửa nhà ông Ngọc khuya 21/11. Ảnh: M.L. |
Ngoài ra, luật sư Giáp cho biết theo quy định tại Điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi của người hàng xóm hát karaoke gây tiếng ồn khu dân cư trong khung giờ cấm (từ 22h tới 6h sáng hôm sau) có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tối đa 300.000 đồng.
Trường hợp hát karaoke ngoài khoảng thời gian trên và gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA trở lên sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 17, Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Mức phạt tối đa với hành vi này là 160 triệu đồng, áp dụng trong trường hợp gây tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 35 dBA đến dưới 40dBA.