Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Người ngoại cỡ vẫn bị nhãn hàng thời trang bỏ quên

Sở hữu chỉ số cân nặng lớn hơn mức trung bình, nhiều người dùng thời trang đau đầu tìm kiếm váy áo phù hợp với số đo, tỷ lệ cơ thể.

Tín đồ thời trang ngoại cỡ loay hoay tìm kiếm váy áo vừa với số đo, tỷ lệ cơ thể.

“Body inclusivity” (đa dạng hóa hình thể) là vấn đề nhức nhối, chưa có lời giải trong lĩnh vực thời trang. Theo Guardian, mùa mốt đầu năm 2023 chứng kiến sự vắng mặt của những người mẫu ngoại cỡ.

Mẫu nữ siêu gầy thống trị 4 sự kiện thời trang lớn nhất hành tinh, diễn ra tại Milan, New York, Paris và London. Chỉ có 51 người mẫu ngoại cỡ (tương đương 5,09% tổng số nghệ sĩ trình diễn) xuất hiện tại Tuần lễ thời trang New York, theo Fashion Spot.

Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu đã dừng sản xuất trang phục cho phụ nữ có chỉ số cân nặng lớn. Nhân viên bán hàng của các doanh nghiệp này không được đào tạo để tư vấn cho khách hàng ngoại cỡ.

Tại Việt Nam, những tín đồ thời trang với thân hình đầy đặn cũng gặp tình trạng tương tự. Theo nhà thiết kế Lý Giám Tiền, các cô gái ngoại cỡ thường khó tìm thấy trang phục vừa vặn với số đo do bảng kích cỡ phổ biến hiện nay chỉ dao động từ XS đến XL.

thoi trang ngoai co anh 1

Ashley Graham xuất hiện trên bìa tạp chí Vogue Mỹ với tư cách người mẫu ngoại cỡ đầu tiên. Ảnh: Knix.

Khó mua váy áo cắt xẻ, hở bạo

Sở hữu cân nặng 70 kg, Ngọc Ánh (23 tuổi, Hà Nội) từng dành cả ngày đi dọc các tuyến phố mua sắm, song không tìm thấy trang phục vừa vặn với cơ thể. Trước đây, cô thường xuyên diện áo phông oversize và quần thụng để giấu đi hình thể đầy đặn.

Tuy nhiên, những món đồ này không phù hợp với gu ăn mặc của Ánh. Đó cũng là giai đoạn cô gặp khủng hoảng về fashion identity (tạm dịch: “danh tính trong thời trang”), không nhận ra phong cách cá nhân.

Khi nhận thấy bản thân phù hợp với các thiết kế quyến rũ, cô thường xuyên diện váy 2 dây, áo crop top, đầm cut-out. Tuy vậy, việc tìm kiếm và lựa chọn trang phục hở bạo vừa vặn với cơ thể khiến Ánh trăn trở.

“Váy áo xẻ sâu, hở lưng, hở ngực tại các cửa hàng thời trang thường chỉ có size S và M. Dường như các nhà sản xuất và nhãn hàng cho rằng chỉ phụ nữ gầy mới tự tin khoe da thịt”, Ngọc Ánh chia sẻ với Zing.

Đồng cảm với Ánh, Mei (28 tuổi, Đà Nẵng) cũng gặp khó khi mua sắm áo quần sau khi tăng 9 kg trong vòng 2 tháng. “Cho tôi size lớn nhất” là câu cửa miệng của cô khi trao đổi với nhân viên bán hàng tại các cửa hàng thời trang.

Khi chụp hình đăng tải lên trang cá nhân hoặc tham dự sự kiện quan trọng, Mei theo đuổi hình tượng quyến rũ với váy áo bó sát. Hàng ngày, cô ưa chuộng những món đồ thoải mái, năng động như áo croptop và quần ống rộng.

Dù diện đồ theo phong cách nào, Mei cũng loay hoay với việc tìm áo quần vừa với số đo 3 vòng. Trong khi những món đồ vừa ý không có size phù hợp với cô, váy áo vừa vặn lại sở hữu chất lượng kém hoặc mức giá cao.

“Các tín đồ thời trang gầy có thể mang quần áo tới tiệm để siết eo, bóp ống quần. Trong khi đó, tôi không thể sửa chữa những mẫu váy áo chật, đành phải đặt lại trên giá treo dù rất thích”, Mei cho biết.

Vấn đề về kích cỡ cũng khiến Hữu Vi (25 tuổi, TP.HCM) đau đầu mỗi khi mua sắm trang phục. Hoạt động trong lĩnh vực thời trang, cô thường xuyên phải cập nhật xu hướng, tiên phong dẫn đầu các trào lưu.

Tuy vậy, Vi nhiều lần chán nản khi nhận thấy những kiểu váy áo mới ra mắt không có size lớn, phù hợp với cơ thể mũm mĩm của cô. Theo đuổi phong cách Y2K, Hữu Vi gặp khó khi tìm kiếm áo dây, áo quây vừa vặn.

Chấp nhận không vừa ý để vừa vặn

Hữu Vi khẳng định chưa tìm thấy lời giải cho bài toán kích thước trang phục. Để tạm thời giải quyết khó khăn này, cô thường xuyên diện trang phục chất liệu cotton, nỉ, có khả năng co giãn tốt. Thậm chí, cô chấp nhận mua váy áo nhỏ hơn kích cỡ cơ thể, hy vọng có thể mặc vừa khi giảm cân.

Theo chia sẻ của Vi, phần lớn local brand (nhãn hàng nội địa) có bảng kích thước tương đối giới hạn. Địa chỉ mua sắm quen thuộc của cô là trung tâm thương mại và cửa hàng thời trang quốc tế.

“Đây là nơi mua đồ lý tưởng của các tín đồ thời trang ngoại cỡ như tôi. Bảng kích cỡ của các nhãn hàng nước ngoài thường phong phú, đa dạng hơn. Tỷ lệ cơ thể của người châu Âu, châu Mỹ vốn lớn hơn người châu Á”, Hữu Vi chia sẻ với Zing.

Đối với các nhà mốt quốc tế không có cửa hàng tại Việt Nam, cô thường đặt mua qua website hoặc sàn thương mại điện tử. Vi chấp nhận chờ đợi thời gian vận chuyển dài để sở hữu váy áo phù hợp với cơ thể đầy đặn.

Khác với Hữu Vi, Ngọc Ánh thường đặt may những món đồ cơ bản, có thể tái sử dụng nhiều lần do chi phí thiết kế tương đối cao. Với trang phục theo mốt, chỉ mặc 1-2 mùa, cô chọn mua tại các thương hiệu thời trang ngoại cỡ.

“Chỉ cần tìm kiếm từ khóa ‘big size’, tôi có thể thấy một số nhãn hàng thời trang phục vụ người tiêu dùng có chỉ số cân nặng lớn. Tuy nhiên, số lượng cửa hàng chuyên biệt này còn tương đối ít”, Ánh nói.

Mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc váy áo của các thương hiệu thời trang big size cũng kém đa dạng. Thiếu sự lựa chọn, Ngọc Ánh nhiều lần phải bấm bụng chi trả cho những món đồ không vừa ý nhưng vừa vặn.

Thế khó

Chia sẻ với Zing, nhà thiết kế Lý Giám Tiền khẳng định rằng số lượng thương hiệu thời trang ngoại cỡ tại Việt Nam còn hạn chế. Tại các local brand, bảng kích cỡ thường chỉ dao động từ XS đến XL. Size 2XL hoặc 3XL khá khan hiếm ở thị trường quần áo trong nước.

Không chỉ gặp khó trong việc tìm kiếm trang phục vừa số đo, các tín đồ thời trang sở hữu chỉ số cân nặng lớn cần biết cách lựa chọn váy áo, phối đồ. Theo Lý Giám Tiền, họ cần tuân thủ nguyên tắc gọn gàng.

Về chất liệu, những loại vải cứng cáp sẽ giúp form (hình dáng) trang phục đứng, vừa vặn với hình thể. Các thiết kế này cũng góp phần phân chia tỷ lệ, tạo những đường gấp vuông góc, tránh khiến cơ thể thêm tròn trịa.

Về kiểu dáng, phần cổ váy được đánh giá là quan trọng nhất. Những mẫu trang phục cổ V hoặc cổ thuyền là sự lựa chọn lý tưởng. Kiểu váy áo này tạo khoảng hở vừa đủ, giúp tổng thể outfit trở nên cân đối.

Về màu sắc, màu tối như đen, nâu, xám là sự lựa chọn an toàn đối với các tín đồ thời trang ngoại cỡ. Người mặc cũng có thể ứng dụng những sắc nổi bật, hợp xu hướng như đỏ, hồng, xanh lá.

Trắng, be, vàng là những tông nên tránh vì tạo cảm giác cơ thể đầy đặn hơn. Đặc biệt, các thiết kế sequin, ánh bạc, ánh vàng cũng tương đối phản chủ, để lộ nhiều khuyết điểm hình thể.

Về phương pháp phối đồ, layering (phối nhiều lớp trang phục) là lời khuyên của nhà thiết kế Lý Giám Tiền. Ngoài ra, người mặc cần tránh những chiếc quần skinny. Đây là món đồ thời trang "tố cáo" các khiếm khuyết như đùi to và hông lớn.

Phụ nữ cao cũng khó mua quần áo

Không chỉ phụ nữ thấp bé, khách hàng sở hữu chiều cao vượt trội cũng gặp khó khi mua sắm trang phục. Các thương hiệu thời trang chưa tập trung phục vụ nhóm người dùng này.

Sự bất công với phụ nữ luôn ẩn mình trong xã hội hiện đại

Khi nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống như: Giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội… phần lớn dữ liệu được thu thập từ nam giới, hoặc không phân biệt giới tính khi tiến hành khảo sát. Từ đó các nhu cầu của phụ nữ không được quan tâm đúng mức.

Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về bình đẳng giới. Bình đẳng không nằm ở việc đặt hai giới ngang nhau khi suy xét một vấn đề cụ thể. Sự công bằng đến từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về các hạn chế của phụ nữ từ đó giúp họ thể hiện hết khả năng của mình và không bị tụt lại phía sau.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm