Tấm rào chắn được dựng lên trước cửa hàng tiện lợi Lawson nhằm hạn chế khách chụp ảnh với núi Phú Sĩ. Ảnh: Kyodo. |
Khách du lịch đổ xô đến Nhật Bản ngày một đông đúc kể từ khi nước này nới lỏng các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19 vào năm 2022. Bên cạnh đó, đồng yen suy yếu cũng khiến điểm đến này trở thành lựa chọn "hời" đối với du khách nước ngoài, theo New York Times.
Đón nhiều khách quốc tế là mục tiêu của nhiều quốc gia, song rõ ràng trở thành vấn đề khi số lượng khách trở nên quá tải. Một số quan chức Nhật Bản, bao gồm thủ tướng Kishida Fumio, bày tỏ quan ngại về vấn đề du lịch quá mức.
Vào tháng 3, đất nước Mặt Trời mọc đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, gần 2/3 du khách quốc tế đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 2023, chi tiêu từ khách du lịch nước ngoài chiếm khoảng 9% tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản.
Du khách "tràn lan" ở mọi nơi
Các địa điểm nổi tiếng tại Nhật Bản như thành phố Kyoto đang ngày càng gặp khó trong việc quản lý khách du lịch. Những nơi trước đây không có mấy người tìm đến du lịch, giờ chật kín du khách. Điển hình trong số đó là thị trấn Fujikawaguchiko gần núi Phú Sĩ hay khu thương mại ở Kyoto.
“Du khách tràn lan ở bất cứ đâu, thậm chí cả những nơi không ngờ tới”, ông Shoji Matsumoto, 75 tuổi, chủ một tiệm cắt tóc ở Kyoto, nói.
Không chỉ ở Kyoto, nhiều thành phố khác đang dần bị quá tải. Một số người dân phàn nàn về tình trạng giá phòng khách sạn tăng cao và cảnh chen chúc khi ra khỏi xe bus, các nhà hàng nhà hàng.
Nhiều khách du lịch thậm chí còn đuổi theo các geisha - những nghệ sĩ biết nhiều loại nghệ thuật truyền thống và phục vụ khách hàng quý tộc - để xin chụp hình. Đây được coi là một hành động thô lỗ ở Nhật Bản.
Vào tháng trước, ông Hiroshi Ban (65 tuổi) phải mất 6 tiếng - lâu gấp đôi bình thường - để đến đền Heian Jingu ở Kyoto. Ông cho rằng sự chậm trễ một phần là do khách du lịch loay hoay đếm tiền xu, làm chậm chuyến xe bus.
Ông cho biết: “Mỗi ngày ở đây giống như một lễ hội vậy. Chúng tôi không thể tận hưởng cuộc sống hàng ngày trong yên bình”.
Xe bus chở đầy khách du lịch đang đến những điểm tham quan. Ảnh: New York Times. |
Ngay cả những người được hưởng lợi trực tiếp từ doanh thu du lịch cũng lo lắng về tình trạng đông đúc như hiện nay.
Hisashi Kobayashi, một tài xế taxi ở Kyoto, cho biết công việc của anh tốt đến mức dù nghỉ một ngày, việc tiêu tiền cũng không làm anh quá bận tâm. Tuy nhiên, nhiều ngành liên quan đến du lịch đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu khi lực lượng lao động vẫn còn thiếu hụt.
Thành phố Fuji, cách Kyoto khoảng 322 km về phía Đông ở tỉnh Shizuoka, cũng gặp tình trạng tương tự. Sau khi cây cầu Fuji Dream nhìn thẳng ra núi Phú Sĩ bắt đầu trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội vào cuối năm 2023, sở du lịch của Shizuoka cho biết đây là địa điểm lý tưởng để có “những bức ảnh đẹp như mơ”.
Đáng nói, cây cầu nằm trong khu dân cư không có chỗ đậu xe cho khách, nhà vệ sinh công cộng hoặc thùng rác. Nhiều du khách thậm chí xả rác, đậu xe trên đường và đứng né tránh dòng xe cộ để chụp ảnh từ dải phân cách của cây cầu.
Ông Mitsuo Kato, 86 tuổi, sống bên cầu, cho biết trong kỳ nghỉ lễ Lao động 1/5 vừa qua, khoảng 300 khách du lịch đã đến đây mỗi ngày, xếp hàng dài để chụp ảnh dọc đường phố.
Đối phó với du lịch quá tải
Ông Motohiro Sano, một quan chức du lịch tại thành phố Fuji, cho biết chính quyền đã xây dựng một bãi đậu xe tạm thời dành cho 6 ôtô gần cây cầu Fuji Dream. Khu vực này cũng bắt đầu xây dựng một bãi đậu xe lớn hơn có thể chứa 15 ôtô và có một phòng tắm.
Gần đây thị trấn Fujikawaguchiko, tỉnh Yamanashi, đã dựng một hàng rào chắn lưới đen đối diện cửa hàng tiện lợi Lawson nhằm hạn chế du khách check-in với núi Phú Sĩ. Tuy nhiên, truyền thông gần đây phát hiện rằng có nhiều lỗ bị chọc thủng để vừa với ống kính camera của điện thoại.
Hướng dẫn viên du lịch dẫn mọi người tới một ngôi chùa ở Kyoto. Ảnh: New York Times. |
Tại Shibuya, khu vực có nhiều du khách đến thăm ở Tokyo, các quan chức lên kế hoạch cấm uống rượu ngoài trời vào ban đêm nhằm hạn chế hành vi bạo lực, xả rác của giới trẻ và khách du lịch.
Trong tháng này, thành phố Kyoto cũng treo các biển báo ở ga tàu với yêu cầu du khách “hãy chú ý đến cách cư xử của mình”. Chính phủ bắt đầu chạy những chuyến xe bus đặc biệt chỉ phục vụ dành riêng cho khách du lịch.
Tại chợ Nishiki của thành phố, sau khi nhận một số phàn nàn về các vết dầu mỡ trên quần áo lúc chen lấn giữa đám đông khách du lịch ăn vặt, Yoshino Yamaoka đã đặt hai tấm biển treo bên ngoài nhà hàng lươn nướng của mình.
Cả hai đều được viết bằng tiếng Anh: “Không vừa đi vừa ăn”. Trong đó, một cái có phông chữ lớn hơn và dòng chữ được gạch chân màu đỏ.
Vào các ngày cuối tuần, một số khách du lịch đến thăm các địa điểm nổi tiếng ở Kyoto vào lúc sáng sớm hay thậm chí hy sinh đợi 40 phút để ăn tại một quán mì ramen nổi tiếng lúc 23h.
Là người không thể nói tiếng nước ngoài, ông Shoji Matsumoto lo ngại về việc cung cấp dịch vụ chất lượng tốt cho những khách hàng không nói được tiếng Nhật. Mặc dù du lịch mang lại lợi ích cho đất nước, ông Matsumoto nói thêm với truyền thông: “Có một phần trong tôi không hoàn toàn hài lòng”.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.