Theo tạp chí Time, Nina Martinez, 35 tuổi, không may bị nhiễm HIV do truyền máu lúc 6 tuần tuổi vào năm 1983, thời điểm ngân hàng máu chưa sàng lọc căn bệnh này. Nina may mắn sống sót đến năm 13 tuổi khi thuốc ức chế virus HIV được phát minh vào năm 1996.
Nina bắt đầu tìm hiểu về hiến tạng khi cô có một người bạn nhiễm HIV cần được hiến thận. Tuy nhiên, bạn của cô đã chết trước khi các xét nghiệm được phê duyệt. Nina không từ bỏ quyết định hiến thận. Cô đã tặng nó cho một người lạ, cũng bị nhiễm HIV.
Ca phẫu thuật được thực hiện vào ngày 28/3 tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ. Sau phẫu thuật, cả Nina và người được ghép thận (giấu tên) đều hồi phục tốt.
Tinh thần của Nina rất thoải mái trước khi bước vào ca phẫu thuật hiến thận. Ảnh: Healthytopics. |
"Nhiều người nghĩ rằng những ai bị HIV đều ốm yếu. Tôi muốn chống lại sự kỳ thị về người nhiễm HIV khi bản thân đủ khỏe mạnh để trở thành người hiến tạng sống", Nina khẳng định.
TS Dorry Segev, bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Johns Hopkins, cho biết đây là căn bệnh mà trước đó luôn được cho là án tử hình với người mắc. Hiện tại, nó đã được kiểm soát tốt, bệnh nhân có cơ hội cứu người khác.
Trước khi tiến hành cuộc phẫu thuật, các bác sĩ cho rằng quá rủi ro khi bệnh nhân nhiễm HIV chỉ còn một quả thận. Khả năng quả thận còn lại có nguy cơ cao bị tổn thương do virus. Tuy nhiên, TS Dorry khẳng định các loại thuốc chống HIV mới giúp kháng virus an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều. Vì vậy, cuộc phẫu thuật vẫn được tiến hành.
Nhóm nghiên cứu của TS Dorry đã nghiên cứu thận của 40.000 người dương tính với HIV và kết luận rằng những người có H được kiểm soát tốt, không mắc các bệnh gây hại cho thận như huyết áp cao. Đồng thời, họ cũng gặp những rủi ro tương tự từ việc hiến tạng như những người không nhiễm HIV.
Trước đó, các ca phẫu thuật ghép tạng mới chỉ được thực hiện giữa bệnh nhân nhiễm virus HIV và người hiến tạng là bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong hoặc người có sức khỏe bình thường. Vì vậy, ca hiến tạng từ người nhiễm HIV còn sống này được cho là đánh dấu sự đột phá của ngành y học hiện nay.