Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Người nổi tiếng quảng cáo lố, người dân 'lãnh đủ' rủi ro sức khỏe

Những người nổi tiếng, TikToker… quảng cáo lố và bị chỉ trích, sau đó họ đưa ra lời xin lỗi. Thế nhưng, nếu có rủi ro sức khỏe vì các sản phẩm này, ai chịu trách nhiệm?

"Bật hẳn 5 tông so với da mộc", "Da trắng phát sáng luôn, ưng quá", "Đảm bảo xinh từ sáng tới đêm chỉ cần dùng đúng một tuýp này"...

Đây là những lời quảng cáo có cánh từ một nữ diễn viên nổi tiếng. Không khó nhận ra những lời khen ngợi này thật sự lố và thổi phồng quá mức.

Nữ diễn viên sau đó lập tức lên tiếng đính chính và gửi lời xin lỗi đến công chúng. Một vòng lặp quá quen thuộc nhưng kéo dài suốt bao lâu nay.

Sau khi xin lỗi, người nổi tiếng vẫn có thể tiếp tục nhận booking, trong khi người mua hàng lại chính là người trải nghiệm trực tiếp sản phẩm được thổi phồng này.

Coi thường sức khỏe người dân

Cách đây không lâu, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành để đưa ra biện pháp, xử lý triệt để các hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng người dân của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Chia sẻ với Znews, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho rằng người nổi tiếng, có uy tín trong xã hội phải chú ý đến hành vi, phát ngôn, tác động của mình đến với khán giả.

Trước khi muốn quảng cáo một sản phẩm phải biết được sản phẩm này đã được thẩm định chưa, nhờ sự tư vấn của nhà chuyên môn để hiểu sản phẩm phù hợp với đối tượng nào, khuyến cáo rõ tác dụng phụ.

“Người dân có miền tin, mua sản phẩm về sử dụng đôi khi có những tác dụng phụ không được thông tin trước. Tính độc hại lâu dài tác động lên sức khỏe của người dân, gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Gây hại rất lớn đến sự phát triển xã hội’, bác sĩ Tiến nói.

quang cao lo anh 1

Bài đăng quảng cáo kem trắng da của một nữ diễn viên.

Bên cạnh đó, bác sĩ Tiến cũng khẳng định không có loại thực phẩm chức năng, hay bất kỳ một sản phẩm y tế nào có thể giúp nâng cao sức khỏe, làm đẹp da chỉ trong một lần sử dụng.

Khi khẳng định hiệu quả tuyệt đối của một sản phẩm, cần có công trình nghiên cứu chứng minh tác dụng đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Còn về trải nghiệm bản thân thì chỉ nên quảng cáo ở mức tương đối, bởi mỗi người sẽ có sự đáp ứng sản phẩm khác nhau.

Còn theo bác sĩ Lê Quốc Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các phụ huynh, người tiêu dùng phải tỉnh táo trước những quảng cáo về các sản phẩm chức năng tăng chiều cao, tăng cân…

“Người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm nhưng chưa chắc đã sử dụng. Ngoài ra, họ cũng không phải là người có chuyên môn về y tế, dinh dưỡng, sức khỏe nên không thể đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng liên quan đến y tế”, bác sĩ Hào nhấn mạnh.

Người mua hàng phải tỉnh táo

Gần đây, một hot mom sở hữu tài khoản 1,2 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội, có bài giới thiệu thực phẩm chức năng tăng chiều cao, phát triển trí não, được rất nhiều mẹ bỉm sữa ở Nhật Bản tin dùng.

Sau khi bị bóc mẽ, sản phẩm này thực chất không có giấy tờ nhập khẩu hay chứng nhận an toàn cho trẻ, cũng không có chuyện nhiều mẹ bỉm ở Nhật tin dùng, hot mom này đã đăng bài xin lỗi.

Nói với Znews, chuyên gia truyền thông mạng xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng hiện nay, nhiều người nổi tiếng bán hàng qua mạng xã hội vì đây là hình thức kiếm được nhiều tiền, nhanh, lại có thể tận dụng được mức độ nổi tiếng tối đa.

Nhiều người tiêu dùng hiện nay chọn tin vào người nổi tiếng, KOLs thay vì tin thương hiệu vì đơn giản “người nổi tiếng là con người”.

“Mọi người luôn có cảm giác thương hiệu đang cố gắng dắt mũi, lùa gà, tìm cách móc tiền mình. Mặt khác, KOLs, những người nổi tiếng trong mắt người tiêu dùng lại là những nhân vật kề cạnh, quen thuộc với cuộc sống nhiều người, thường xuyên chia sẻ nhiều kiến thức và quan điểm sống nên sẽ đáng tin hơn”, ông Long giải thích.

Từ suy nghĩ này, mọi người khi mua hàng từ người nổi tiếng luôn phải có ý thức kiểm tra thông tin về sản phẩm, nhãn hàng trước khi mua. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần chú ý đến các đánh giá một sao, đánh giá yếu kém để biết điểm yếu của sản phẩm cũng như phản hồi từ thương hiệu.

Điều quan trọng, người tiêu dùng luôn phải có tư duy ngược để tìm hiểu sâu cũng như có cái nhìn đúng đối với sản phẩm.

Theo bác sĩ Lê Quốc Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc tự ý dùng bất cứ sản phẩm bổ sung, nhất là những sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, không được kiểm chứng về chất lượng sẽ rất nguy hiểm. Ban đầu có thể người tiêu dùng chỉ bị thiếu chất, về lâu dài có thể gây hại cho cơ thể.

“Nếu uống vitamin D bị thổi phồng chất lượng, người già bị loãng xương, dễ gãy xương, trẻ em chậm mọc răng, chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng”, bác sĩ Hào lấy ví dụ.

Về một số sản phẩm tăng chiều cao được quảng cáo quá lố, bác sĩ Hào khẳng định uống vào sẽ không có tác dụng. Bởi, chiều cao được quyết định bởi nhiều yếu tố: di truyền, dinh dưỡng, vận động. Nếu bố mẹ thấp bé, em bé cũng thấp còi thì uống thuốc tăng chiều cao cũng không cải thiện được.

Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.

Bộ Y tế nhắc các địa phương ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người.

Linh Thùy - Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm