Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết bệnh nhân đã quan hệ tình dục từ năm 18 tuổi. Trong lần tầm soát sức khỏe tại một bệnh viện phụ sản, người phụ nữ này được chẩn đoán nhiễm HPV nhưng không đi khám. Khi thấy vùng âm đạo bị xuất huyết lúc quan hệ tình dục, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện và được chẩn đoán ung thư cổ tử cung.
Bệnh nhân chưa lập gia đình nên xin phẫu thuật bảo tồn tử cung để có thể sinh con. Tuy nhiên, bác sĩ Tiến nhận định bệnh nhân không thể chỉ định mổ bảo tồn vì sang thương cổ tử cung to (>2 cm ). Nếu bảo tồn, khả năng tái phát rất cao, thậm chí bệnh nhân chưa sinh con có thể tái phát và di căn.
Bác sĩ Tiến tư vấn cho người bệnh. Ảnh: B.Huệ. |
Để giúp bệnh nhân có thể lập gia đình và đời sống sinh hoạt vợ chồng không trở ngại, bác sĩ Tiến đã tiến hành nhiều phương pháp mới như phẫu thuật nội soi cắt tử cung tận gốc type C1 và kỹ thuật nối dài âm đạo.
Phương pháp này giúp bảo tồn các dây thần kinh bàng quang trực tràng và cảm giác tình dục của âm đạo. Hai buồng trứng treo vào hố chậu hông thành bụng giúp bảo tồn tuyệt đối chức năng nội tiết và tránh tác động của tia xạ nếu cần xạ trị. Ca mổ thành công sau hơn 4 giờ. Bác sĩ Tiến nhận định đây là ca ung thư cổ tử cung trẻ nhất đã quan hệ tình dục tại khoa Ngoại 1 từ trước tới nay.
Việc quan hệ tình dục sớm, quan hệ với nhiều người của giới trẻ hiện nay có thể là nguồn lây nhiễm HPV rất lớn. Điều này làm tăng nguy cơ gây ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, âm hộ, kể cả ở bệnh nhân trẻ tuổi. Vì vậy, quan hệ tình dục an toàn, tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên là giải pháp tốt nhất để phát hiện bệnh.