Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ bới thùng rác tìm đồ ăn, tiết kiệm tiền mua nhà ở Mỹ

Dù có công việc ổn định với mức lương cao, Kate Hashimoto vẫn bới thùng rác tìm đồ ăn, suốt 8 năm không mua quần áo mới.

Kate Hashimoto, cô nàng người Mỹ gốc Nhật hiện sinh sống ở New York, là nhân vật trong chương trình "Extreme Cheapskates" của đài TLC, show ghi lại cuộc sống của những người sống tiết kiệm đến mức cực đoan.

Theo Numbeo, để sống ở New York, trung bình cần 1.340 USD phí sinh hoạt mỗi tháng, chưa kể tiền thuê nhà. Song suốt nhiều năm, dù là kế toán trong một công ty lớn, mỗi tháng Kate chỉ tiêu khoảng 200 USD.

"Tôi đã sống ở New York trong 3 năm, dù đây là thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới, tôi vẫn cố gắng tìm cách để thích nghi. Tôi tránh những thứ cần phải chi tiền, và cố gắng trả ít nhất cho những thứ cần thiết", Kate nói.

thanh tiet kiem nhat ban anh 1

Kate là nhân viên của một công ty kiểm toán lớn tại Mỹ.

Kate chưa bao giờ chi tiền cho nội thất trong nhà, cô sẵn sàng lục tung thùng rác và các bãi phế liệu để tìm những món đồ phù hợp với mình.

Giường của cô được ghép từ những tấm nệm tập yoga cũ, và bàn ăn là một chồng tạp chí. Nhà cô bừa bộn, chất đầy những món đồ cô nhặt được trên đường phố. Bằng cách này, cô đã tiết kiệm được hàng nghìn USD cho nội thất.

Căn nhà cô đang ở vốn có một máy rửa bát, song để tiết kiệm điện nước, cô không sử dụng nó mà biến chiếc máy thành nơi cất đồ. Cô tránh nấu ăn để đỡ tốn tiền gas. Sau khi tắm, cô dùng luôn nước tắm trong bồn để giặt quần áo.

Suốt nhiều năm, Kate cũng chưa từng mua giấy vệ sinh. Cô dùng xà phòng cục để rửa sau khi đi vệ sinh. Mỗi khi dùng giấy lau tay ở nhà vệ sinh công cộng, cô không vứt đi mà cầm về nhà, phơi khô rồi tái sử dụng.

Kate tự hào khi suốt 8 năm qua chưa từng mua quần áo mới, chiếc quần mặc ở nhà đã giãn hết chun khiến cô phải dùng kẹp để cố định. "Lần cuối cùng tôi mua đồ lót là vào năm 1998, từ năm 2012 đến nay tôi không mua đồ vệ sinh cá nhân".

Những đồ vệ sinh cá nhân cơ bản như kem đánh răng, bàn chải, xà phòng, băng vệ sinh... đều được cô "săn" từ các chương trình khuyến mại, những dịp phát quà miễn phí của nhãn hàng.

Mỗi tuần, sau giờ làm, cô đi bộ đến khu vực nhà hàng sang trọng để bới thùng rác tìm đồ ăn. Để tránh bị các nhân viên nhà hàng đuổi đi, Kate mặc chiếc áo rách nát để giả làm người vô gia cư nghèo khổ.

Cô giải thích, ở đây người ta thường vứt những đồ ăn còn tốt, các đồ hữu cơ và đồ hộp chất lượng cao. Cô cũng chỉ nhặt những thứ đã được đóng gói cẩn thận, còn nguyên vẹn.

"Nhờ bới thùng rác, tôi được ăn những món cao cấp mà không mất tiền".

Cô cũng không bao giờ đi ăn ở nhà hàng, trừ khi được mời.

Kate nói rằng nhờ chi tiêu tằn tiện, cô đã mua được căn hộ studio vào năm 2010 và chỉ mất 9 tháng để trả xong tiền nhà.

Kate hiện có công việc trong một công ty kiểm toán lớn với mức lương cao, bởi vậy nhiều người cảm thấy sự tiết kiệm của cô là quá cực đoan, tự hành hạ chính mình. Tuy nhiên, cô nàng gốc Nhật không bận tâm đến những lời dị nghị.

Chia sẻ với New York Post, Kate cho hay cô vốn là người sống tiết kiệm, song sau khi bị sa thải bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến sự tằn tiện của cô lên mức đỉnh điểm.

"Tôi nhận ra không công việc nào được đảm bảo mãi mãi, nên tôi luôn sống như thể mình sẽ thất nghiệp bất cứ lúc nào".

Lý do người trẻ thích thú yêu đương nhưng ngại kết hôn

Những người trẻ tuổi tích cực hẹn hò, yêu đương song từ chối việc kết hôn hay có con vì áp lực kinh tế, quan niệm sống vì chính mình.

Đinh Phạm

Ảnh: TLC

Bạn có thể quan tâm