Tháng 4/1977, phóng viên tờ Washington Post tìm đến Edith Stern, người phụ nữ được đánh giá là một trong những người thông minh nhất trong kỷ nguyên máy tính với IQ lên đến 200.
Ban đầu, Edith từ chối phỏng vấn vì vừa trải qua một ca phẫu thuật nhỏ, nhưng lý do thực sự là cô gái 24 tuổi ấy đã quá mệt mỏi trước sự chú ý của truyền thông cùng những lời chỉ trích từ dư luận.
Cuối cùng, phóng viên Washington Post thuyết phục thành công. Một thời gian dài sau đó, Edith Stern gần như không xuất hiện trên báo chí.
Sản phẩm từ dự án đào tạo thiên tài
Edith Stern sinh năm 1952 trong một gia đình nghèo ở Brooklyn, New York, Mỹ. Chỉ trong vòng một ngày sau khi bà chào đời, bố bà, ông Aaron Stern - một người Do Thái sống sót từ Thế chiến II - mở họp báo và chỉ hai phóng viên xuất hiện.
Ông Aaron Stern dành toàn bộ thời gian để thực hiện kế hoạch biến con gái thành thiên tài. |
Dù vậy, trước ánh mắt ngờ vực của phóng viên, ông vẫn tự tin tuyên bố “sẽ đào tạo con gái thành người hoàn hảo”.
Để thực hiện điều đó, ông ngay lập tức khởi động “Dự án Edith”. Ông bố thất nghiệp ấy dành tất cả thời gian để nuôi dạy con gái theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Ông chuyển radio sang kênh âm nhạc cổ điển, đảm bảo âm thanh lớn nhất trong nhà là giai điều từ các tác phẩm kinh điển.
Ông Aaron thường xuyên giao tiếp với Edith, cho bà làm quen với thẻ từ vựng và số cùng hình ảnh các loài động vật, tranh thủ từng giây phút để rèn luyện trí thông minh cho con.
Về mặt trí tuệ, phương pháp giáo dục này có hiệu quả. Edith Stern có thể trò chuyện, thực hiện các phép tính đơn giản khi chưa tròn một tuổi. Bà đọc hết cuốn bách khoa toàn thư trước năm lên 5.
12 tuổi, Edith theo học ĐH Florida Atlantic. Ba năm sau, bà tốt nghiệp và bắt đầu giảng dạy chương trình Toán trình độ đại học.
Edith Stern nhận bằng cử nhân ngành Toán khi mới 15 tuổi. |
Với IQ 200, bà nhận bằng thạc sĩ Toán từ ĐH Michigan và hoàn thành chương trình tiến sĩ năm 18 tuổi. Tiếp đó, nữ thiên tài gia nhập IBM, hoạt động trong lĩnh vực Toán ứng dụng. Bà là nhà phát minh, nghiên cứu chủ chốt ở lĩnh vực công nghệ điện thoại di động tại tập đoàn này.
Trong hơn 40 năm qua, bà đóng góp tích cực cho sự tiến bố công nghệ, sở hữu 128 bằng sáng chế do Mỹ cấp.
Cuộc đời Edith Stern ghi dấu những phát minh có tầm ảnh hưởng lớn như việc tích hợp Internet với điện thoại, cho phép điện thoại quay số trực tiếp hay điều khiển xe tải 18 bánh thông qua máy tính bảng.
Bà cùng đồng sự từng giành giải thưởng Emmy nhờ đóng góp quan trọng vào lĩnh vực thương mại điện tử. Với các thành tựu nổi bật trong ứng dụng công nghệ mới, năm 2012, Edith được Cộng đồng Kỹ sư Cơ khí Mỹ trao giải Kate Gleason.
Thiên tài không hoàn hảo
Trong cuộc phỏng vấn 40 năm trước, phóng viên Washington Post muốn hỏi bà có hạnh phúc khi sống cuộc đời do bố lập trình sẵn nhưng cuối cùng ông bỏ qua vì nghĩ câu hỏi đó quá tệ với người chưa từng hưởng thụ tuổi thơ một cách trọn vẹn.
Nữ thiên tài dành phần lớn cuộc đời cho các phát minh công nghệ. |
Xét một cách tổng thể, dự án Edith không hoàn toàn thành công. Aaron quả thực biến con gái thành thiên tài với phương pháp giáo dục của ông. Nhưng Edith không hoàn hảo như lời bố bà tuyên bố vào năm 1952.
Trên thực tế, trong cuộc phỏng vấn với báo chí, nhà phát minh của IBM tiết lộ mối quan hệ của mẹ con cô không mấy thân thiết vì hồi nhỏ, bố cô chiếm dụng mọi thời gian để dạy con. Nữ thiên tài cho rằng mẹ không hiểu mình và với bà, dường như Edith là “một thứ gì đó gây khó chịu”.
Một tờ báo khác ở South Florida cũng đưa tin về quan hệ căng thẳng giữa ông Aaron và con gái. Hai người không hề nói chuyện với nhau cho đến tận khi ông qua đời.
Edith không cảm thấy bất hạnh. Ngược lại, Toán và khoa học luôn khiến bà hứng thú. Trong cuộc phỏng vấn do MIB Mediaworks thực hiện năm 2013, bà chia sẻ về thời đi học trước đây và công việc hiện tại sau khi giành giải Kate Gleason.
“Hồi nhỏ, tôi không đi học. Bố không muốn việc giáo dục tại trường kìm hãm sự tiến bộ của tôi. Ông ấy thúc đẩy quá trình đó. Vì thế, tôi học đại học năm 12 tuổi”, bà chia sẻ.
Edith Stern cảm thấy ổn với việc này. Bà yêu Toán, thích giải quyết các vấn đề học thuật. Kể cả khi thiếu bố thúc ép, bà vẫn tiến về phía trước trên con đường nghiên cứu Toán vì bà tìm thấy niềm vui từ những con số.
Sau khi hoàn thành việc học, Edith đặt trọng tâm cuộc sống vào những phát minh, nghiên cứu cải tiến công nghệ.
“Khi tôi cùng đồng nghiệp tìm ra phương pháp để ôtô có thể tự động tránh va chạm với xe khác, chúng tôi thấy thực sự hạnh phúc, vui vẻ. IBM là nơi đáng để tôi dành cả cuộc đời vào đó”, nữ thiên tài khẳng định.