Phương pháp phẫu thuật mới giúp bệnh nhân ung thư dạ dày hồi phục nhanh chóng. Ảnh: Rawpixel. |
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận bệnh nhân H.T.K. (nữ, 91 tuổi) bị ung thư dạ dày. Đáng nói, sức khỏe của bà vốn không tốt. Các con của bà đã dự định chọn giải pháp chăm sóc giảm nhẹ để mẹ ra đi nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và chủ động đề xuất với con, bà được gia đình đưa tới Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật khám.
Sau khi nội soi, chụp chiếu và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bà được chuyển sang khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy. Tại đây, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân K. thuật nội soi cắt đoạn dạ dày, nạo vét hạch.
Ca mổ nhanh chóng diễn ra với sự hỗ trợ của Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa. Qua 5 lỗ nhỏ trên thành bụng, kích thước từ 0,5 đến 1 cm, các phẫu thuật viên đã đưa được camera và dụng cụ nội soi tiếp cận, phẫu tích, bóc tách dạ dày, mạch máu, hạch liên quan.
Sau khi đoạn dạ dày bị ung thư cùng mạc nối, hạch được cắt đi cả khối, mỏm dạ dày cũng được nối với hỗng tràng qua nội soi.
Ca mổ kéo dài khoảng 3 tiếng và thành công như dự kiến. Hai ngày sau ca phẫu thuật, bà K. đã có thể ăn cháo và đi lại nhẹ nhàng. Sau 5 ngày, sức khỏe của bà K. khôi phục gần như bình thường.
TS Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, cho biết phẫu thuật nội soi ngày nay được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh lành tính và ác tính.
Phẫu thuật nội soi hoàn toàn (nghĩa là toàn bộ thao tác, kể cả miệng nối cũng được thực hiện qua nội soi) để điều trị ung thư dạ dày và đại tràng là kỹ thuật khó, phức tạp nhưng có thể đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân so với mổ mở.
Cùng với các chương trình giảm đau, tăng cường hồi phục sớm sau mổ (ERAS), phẫu thuật nội soi hoàn toàn đang góp phần làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống lại ung thư tiêu hóa - một trong những căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất hiện nay.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.