Bác sĩ Trần Duy Bách, khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, cho biết đơn vị này đang điều trị cho nữ bệnh nhân 35 tuổi, mắc hội chứng tim mạch hiếm gặp.
Hai tuần trước nhập viện, bệnh nhân bị chướng bụng và phù chân, bụng to căng dần, ăn kém, uống nước bình thường nhưng lượng nước tiểu rất ít. Một tuần sau đó, người bệnh thấy phù 2 chi dưới.
Người phụ nữ này có tiền sử viêm cơ tim biến chứng rối loạn nhịp, trào ngược dạ dày thực quản. Qua thăm khám lâm sàng ban đầu, người bệnh vẫn tỉnh, tri giác tốt, mạch rõ, thở tốt…, các bác sĩ không ghi nhận dấu hiệu bất thường.
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng suy tim hiếm gặp sau thời gian dài chứng bụng, phù chân, mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Ảnh minh họa: Healthline. |
Bệnh nhân sau đó được chỉ định hàng loạt xét nghiệm cận lâm sàng như phết máu, điện tâm đồ, siêu âm tim, X-quang tim phổi, CT-Scan, MRI tim…
“Tra cứu lại y văn, chúng tôi nhận định bệnh nhân mắc hội chứng Loeffler hay viêm nội mạc cơ tim Loefller - một hội chứng tim mạch liên quan tăng bạch cầu ái toan trong máu thường gặp ở các vùng nhiệt đới”, bác sĩ Bách cho biết.
Đến nay, y văn chưa có tiêu chuẩn lâm sàng để chẩn đoán hội chứng này. Các bác sĩ chủ yếu phải dựa vào cận lâm sàng với tiêu chuẩn vàng là sinh thiết nội mạc cơ tim.
Nguyên nhân gây tăng bạch cầu ái toan thường không xác định được. Một số trường hợp do tăng phản ứng như dị ứng, nhiễm ký sinh trùng hoặc bệnh lý bạch cầu.
Trên ca lâm sàng, các bác sĩ làm xét nghiệm tầm soát nguyên nhân tăng bạch cầu ái toan máu bao gồm xét nghiệm tìm ký sinh trùng trong phân, kháng thể kháng ký sinh trùng trong máu. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với Toxocara (giun đũa chó mèo).
Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện và tiếp tục được theo dõi sức khỏe trong 2 tháng.