ThS.BS Hoàng Văn Tâm - Phó trưởng Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội - vừa chia sẻ câu chuyện rất đáng tiếc về nữ bệnh nhân này.
Chị có tình trạng da tổn thương, bóng và sạm màu đã kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, khi đi khám da liễu nhiều lần trước đó, chị được chẩn đoán viêm da cơ địa.
Nhiều năm điều trị không thuyên giảm, nữ bệnh nhân quyết định không đi khám và tự điều trị ở nhà khi có các triệu chứng. Bởi chị cho rằng đây chỉ là bệnh viêm da thông thường.
Các tổn thương trên da của bệnh nhân bị hiểu nhầm là viêm da cơ địa. Ảnh: BSCC. |
Khi thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Tâm phát hiện tổn thương là các dát, một số có xu hướng tạo mảng, tổn thương bóng. Theo kinh nghiệm bản thân, bác sĩ Tâm nghĩ ngay đến ung thư tế bào lympho T biểu hiện ở da.
“Tôi hỏi bệnh nhân xem còn tổn thương nào không thì được biết ở gối có vết loét. Tôi khá lo lắng và buồn vì với tổn thương loét thế này, bệnh đã xâm lấn sâu”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Kết quả giải phẫu bệnh sau một tuần kết luận chính xác nữ bệnh nhân này mắc ung thư tế bào lympho T như bác sĩ đã dự đoán.
Sau tư vấn và hội chẩn chuyên khoa ung bướu, bác sĩ Tâm dùng phương pháp PUVA tại Bệnh viện Da liễu Trung ương và xạ trị tổn thương ở gối (theo ý kiến hội chẩn bác sĩ ung bướu).
Hiện tại, bệnh nhân đang được tiến hành điều trị song song ở 2 chuyên khoa và đang có tiến triển tốt hơn.
Theo bác sĩ Tâm, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, có thể kiểm soát được 90-100% các trường hợp chỉ bằng ánh sáng trị liệu đơn thuần.
Bệnh lý da liễu rất đa dạng và phong phú. Đôi khi bệnh nhân đến gặp bác sĩ da liễu một vài lần chưa thể chẩn đoán đúng. Vì thế, với những bệnh lý da mạn tính nên tái khám định kỳ để tránh những trường hợp đáng tiếc như nữ bệnh nhân trên.
“Bất kì tổn thương da mạn tính nào giống viêm da cơ địa, nấm da chúng ta cần phải loại trừ MF, tức ung thư tế bào lympho T ở da”, bác sĩ Tâm cảnh báo.