Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ ngồi trong căn phòng toàn đàn ông

Katharine Graham là nhà xuất bản tiên phong trong lĩnh vực nam giới từng thống trị. Trong lịch sử, bà không đơn độc khi được xem là “người phụ nữ duy nhất”.

Trong căn phòng trang trọng, những người đàn ông mặc vest ngồi quanh chiếc bàn rộng trông giống nhau một cách kỳ lạ, như thể được nhân bản.

Bức ảnh về cuộc họp cấp cao của công ty này có điểm khác biệt: một người phụ nữ với mái tóc ngắn uốn xoăn ngồi ở ngoài cùng bên trái. Bà thêm vào sự đối xứng hoàn hảo của đội hình nhưng nổi bật trong chiếc váy màu xanh ngọc với đôi chân lộ ra dưới bàn.

Được chụp tại thành phố New York (Mỹ) năm 1975, chân dung cựu nhà xuất bản của Washington Post và sau này là CEO, Katharine Graham, chỉ là một trong số nhiều hình ảnh tuân theo công thức tương tự: người phụ nữ duy nhất trong khung cảnh toàn đàn ông.

Binh dang gioi anh 1

Katharine Graham trong cuộc họp ban lãnh đạo cấp cao của hãng thông tấn Associated Press (AP) tại New York năm 1975. Ảnh: AP/Shutterstock.

Bức ảnh được giới thiệu trong bộ sưu tập từ cuốn sách “The Only Woman” (tạm dịch: Người phụ nữ duy nhất) của nhà làm phim tài liệu và tác giả Immy Humes.

Đây là kết quả của dự án nghiên cứu kéo dài nhiều năm mà Humes thực hiện sau khi tạo ra liên kết trực quan giữa 2 tấm hình. Bức ảnh đầu tiên chụp năm 1962 cho thấy nhà làm phim người Mỹ Shirley Clarke, thường được cho là nhà làm phim nữ duy nhất trong thời đại của bà, nổi bật giữa những đồng nghiệp nam.

Bức thứ 2 là ảnh chụp tập thể năm 1951 gồm 15 nghệ sĩ theo trường phái biểu hiện trừu tượng nổi tiếng với một phụ nữ duy nhất, nghệ sĩ Hedda Sterne, ở phía sau, đứng trên bàn.

Humes giải thích rằng bà bị “ám ảnh” bởi hình ảnh của Clarke.

“Bà ấy là người như thế nào? Có gì khác biệt trong cuộc đời của bà khi là ‘người phụ nữ duy nhất?’”.

Binh dang gioi anh 2

Hình ảnh về nhà làm phim Shirley Clarke đã thôi thúc Immy Humes thực hiện cuốn sách “The Only Woman”. Ảnh: Wisconsin Center for Film and Theater Research/Shirley Clarke Papers.

Sau đó, Humes thu thập hình ảnh của các nhà khoa học, nhà văn, vận động viên và chính trị gia, được xem là “người phụ nữ duy nhất”, từ giữa thế kỷ 19, khi nhiếp ảnh trở nên phổ biến, cho đến hiện tại.

Bức ảnh của Katharine Graham thu hút Humes vì lịch sử đằng sau đó.

Nhà xuất bản này đã tiếp quản Washington Post sau khi cha và chồng đều qua đời. Bà chưa bao giờ nghĩ rằng vị trí này sẽ rơi vào tay mình nhưng đã dẫn dắt tờ báo trong thời kỳ quan trọng, xuất bản cả Hồ sơ Lầu Năm Góc và các cuộc điều tra về chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Nixon dẫn đến việc ông từ chức.

Graham trở thành nhà xuất bản nữ đầu tiên của tờ báo và sau đó là CEO. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào ban giám đốc tại của hãng thông tấn Associated Press - nơi bà xuất hiện trong bức ảnh đặc biệt.

“Graham rõ ràng được coi trọng khi xuất hiện ở hàng đầu. Trong trường hợp này, người phụ nữ có vị trí danh dự nhờ sự đặc biệt khi là người duy nhất”, Humes nói.

Khi làm việc trong dự án, bà nhận thấy có nhiều cách khác nhau để trở thành “người phụ nữ duy nhất”, hoặc là nữ hoàng, hoặc là nhà tiên phong lỗi lạc.

Trong một số trường hợp, phụ nữ được tiếp cận những không gian dành riêng cho nam giới nhờ công việc của họ như người giúp việc, thư ký hoặc người bán dâm.

Humes lưu ý rằng khi xã hội phát triển và không còn những công việc phân biệt giới tính nghiêm ngặt, những hình ảnh này trở nên nổi bật hơn. Điều đó càng làm cho sự kỳ quặc của mỗi hình ảnh trở nên rõ ràng.

“Trong mắt chúng ta, những hình ảnh thoạt nhìn trông vô lý hoặc hài hước. Càng rời xa thời đại đó, chúng ta có thể nhìn nó theo một cách khác”, bà nói.

Sự độc hại khi phụ nữ coi mình là phái yếu

Khi phải tuân theo những tiêu chuẩn mơ hồ, trừu tượng được tạo ra bởi kỳ vọng của xã hội, phụ nữ vô thức phóng chiếu định kiến lên chính mình và người khác.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm