Stephanie Joyner, 54 tuổi, ở Dubai, từng là giáo viên trung học vốn rất khỏe mạnh trước khi mắc Covid-19. Bà nhận thức rất rõ về cách nCoV lây lan và biện pháp phòng tránh. Vì vậy, trước khi trường học bị đóng cửa vào tháng 3/2020, Joyner đã dành 10 phút cuối cùng tại mỗi lớp học để dạy về loại virus mới cho học sinh và khuyến khích trẻ đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người.
Nhưng bất chấp các biện pháp phòng ngừa, ngay chính bản thân người phụ nữ này vẫn mắc Covid-19 vào tháng 4/2020. Sau thời gian phải nhập viện, bà có hàng tháng trời đối mặt di chứng kéo dài.
Hàng chục triệu chứng cùng xuất hiện
Dấu hiệu mắc bệnh đầu tiên mà nữ giáo viên này cảm nhận được đó là cơn đau đầu cực độ kéo dài vài ngày. Sau đó, các triệu chứng lần lượt xuất hiện khiến sức khỏe của Joyner thêm tồi tệ. Bà bị ho khan, sốt, mất vị giác và khứu giác.
Trong vài tuần tiếp theo, nữ bệnh nhân bắt đầu đau khớp, xuất huyết dưới da dù không bị thương, sốt, mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn, mất ngủ, đổ mồ hôi ban đêm, khát nước liên tục, sương mù não, tim đập nhanh và đau các hạch bạch huyết.
“Tôi có cảm giác như sắp nổ tung”, bà nói. Virus cũng ảnh hưởng chu kỳ kinh nguyệt, khiến bà có kinh hai tuần liên tục như đang sinh non. Joyner cho rằng hiện tượng này có thể do các mạch máu bị vỡ.
Stephanie Joyner đi bộ đường dài Appalachian Trail ở New York, Mỹ, hai tuần trước khi mắc Covid-19. Ảnh: Stephanie Joyner. |
Nữ bệnh nhân và bác sĩ đếm được tổng cộng 23 triệu chứng Covid-19 xảy ra cùng lúc. Ngay cả khi nhiều tuần trôi qua, hàng chục triệu chứng vẫn kéo dài. Bốn tháng sau khi khỏi Covid-19, các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm nhưng chưa biến mất hoàn toàn.
“Mỗi ngày trôi qua, tôi đều sợ hãi mình sẽ không thể thức dậy được nữa”, Joyner vẫn không thôi hoảng sợ. Bà ví các biến chứng mà mình gặp phải tương tự hội chứng sau khi mắc các bệnh như Lyme, lao, Ebola…
Joyner đã tham gia một số nhóm hồi phục sau khi mắc Covid-19. Tại đây, bà nhận thấy hầu hết người gặp di chứng hậu Covid-19 đều ở độ tuổi rất trẻ như 20, 30, 40. Họ lắng nghe vấn đề của nhau, trao đổi lời khuyên, chia sẻ tin tức, hỗ trợ và hướng dẫn trong khi chờ đợi các nhà nghiên cứu tìm nguyên nhân, cách điều trị.
Vượt qua nỗi sợ
Khi mắc Covid-19, phổi của Joyner bị mất đi 50% dung tích. Sau 6 tháng, bà đã lấy lại được 10% dung tích phổi. Nhịp tim khi nghỉ ngơi vẫn cao hơn bình thường, hiếm khi nào xuống dưới mức 80. Tuy nhiên, với bà, đây cũng là sự cải thiện đáng kể.
Hậu Covid-19, Joyner đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ nóng hoặc lạnh, không thể ra ngoài mà không đội mũ vành rộng, đeo kính râm do mắt bị phản quang mạnh với ánh sáng. Đường tiêu hóa của bà cũng có những thay đổi, khiến Joyner không thể ăn sữa, đường hoặc gluten.
Ngoài ra, bà còn gặp những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là lo lắng và sợ hãi có thể mắc Covid-19 lần nữa khi cơ thể vẫn còn khá yếu ớt, thể lực kém.
“Tôi hiếm khi ra ngoài. Tôi rất sợ mình sẽ tái nhiễm. Tôi chưa bao giờ lo lắng nhiều đến như vậy bởi chẳng biết điều tồi tệ nào nữa sẽ xảy ra. Tôi cũng nghĩ mình quá cẩn thận, nhưng quá sợ hãi. Tôi luôn cảm giác mình sẽ lại mắc bệnh lần nữa”, Joyner tâm sự vào đầu năm 2021.
Stephanie Joyner đi leo núi và khám phá một số nơi ở Dubai sau khi chuyển tới đây. Ảnh: Stephanie Joyner. |
Sau hai năm chiến đấu với hội chứng Covid-19 kéo dài, giờ đây bà Joyner đã học được cách bước qua nỗi sợ và mở lòng mình hơn. Chia sẻ với Huff Post, sau khi mất việc ở Maryland, Mỹ, bà chuyển tới Dubai và bắt đầu ra ngoài nhiều hơn, sống chung với hậu Covid-19.
Joyner chia sẻ có thể "món quà" mà Covid-19 để lại sẽ theo bà suốt phần đời còn lại. Nhưng dẫu có là như vậy, bà vẫn lạc quan.
“Tất cả chúng ta đều có những khoảng thời gian cận kề cái chết mà tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng bạn biết không, với tất cả vấn đề tồi tệ mà tôi đang đối phó, tôi vẫn đang sống sót và tận hưởng", người phụ nữ này chia sẻ.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.