Đó là một trong số tình huống “dở khóc dở cười” mà Lyn Ling (35 tuổi), người sáng lập một công ty chuyên đòi nợ thuê, gặp phải trong 8 năm làm ở lĩnh vực này, theo The Straits Times.
Ling kể lại sự việc xảy ra gần một tháng trước: “Chúng tôi đến căn hộ của người phụ nữ để gửi thông báo và trao đổi về việc cô ấy ngừng trả nợ. Đột nhiên, cô ấy hét vào mặt chúng tôi rồi mở cửa, lao về phía lan can đòi nhảy xuống”.
Theo Ling, trước khi lao ra khỏi căn hộ, người phụ nữ nói bằng tiếng Quan Thoại: “Tôi cho các người xem hai tài khoản ngân hàng của tôi này. Số dư đều bằng 0. Tôi nhảy xuống ngay cho các người thấy”.
Người phụ nữ đòi nhảy lầu vì không có khả năng thanh toán khoản nợ. |
Gary Tan (39 tuổi), đồng nghiệp đi cùng Ling hôm đó, cho biết: “Cô ấy nhỏ con nhưng rất khỏe và phản kháng dữ dội”.
Khi con nợ la hét và đưa một chân ra ngoài lan can, Tan đã kéo phần vai người này lại, còn Ling nắm chặt chân cô. Trong vài phút tiếp theo, hai người đòi nợ thuê đã giữ chặt được người phụ nữ.
Sau khi con nợ lấy lại bình tĩnh, Ling gọi cảnh sát để được giúp đỡ.
Ling cho biết người phụ nữ đã mất việc, trong khi chồng bị phá sản. Tuy nhiên, những vấn đề của người này không chỉ do đại dịch Covid-19 gây ra.
Hai trong ba công ty đòi nợ thuê mà The Straits Times liên hệ cho biết hoạt động kinh doanh của họ đã tốt lên kể từ tháng 4, khi lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng được áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Nhân viên thu hồi nợ được thuê khi con nợ mất tích hoặc phớt lờ cuộc gọi điện thoại từ các tổ chức tài chính. Dịch vụ này là hợp pháp ở Singapore. Các nhân viên được phép "truy đuổi" con nợ thay cho các chủ nợ, hoàn toàn trái ngược với những kẻ cho vay nặng lãi.
Lyn Ling (phải) và đồng nghiệp phải ngăn con nợ nhảy từ tầng 13 của khu chung cư xuống. |
Yvonne Ho (29 tuổi), Tổng giám đốc của Dịch vụ Thu hồi nợ Singapore (SDCS), cho biết số vụ việc mà công ty cô xử lý đã tăng 30% mỗi tháng kể từ tháng 4. Những trường hợp này bao gồm con nợ không thực hiện nghĩa vụ của họ hoặc thương lượng lại để được thanh toán theo các khoản trả góp nhỏ hơn.
Tương tự, số lượng các con nợ từ chối hoặc không có khả năng trả các khoản vay từ 2.000-300.000 SGD cũng gia tăng.
Ho cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến một số lượng đáng kể người phải nghỉ việc hoặc bị giảm thu nhập do sự bùng phát của dịch Covid-19”.
Trước dịch Covid-19, SDCS đã xử lý 50-100 trường hợp/tháng thay mặt cho các công ty cho thuê xe hơi, xây dựng và cải tạo. Gần đây, con số đã vượt quá mức trung bình hàng tháng.
Tuy nhiên, JMS Rogers, một công ty đòi nợ thuê khác, cho biết số vụ việc mà họ xử lý đã giảm từ khoảng 70 vụ/tháng xuống còn dưới 10 vụ.
Roger Rajan (49 tuổi), chủ sở hữu công ty, cho rằng sự sụt giảm này là do các công ty phá sản từ chối theo đuổi con nợ vì không muốn chịu chi phí.
Lyn Ling nói rằng trong khi đòi nợ là công việc phải làm, cô cố gắng giúp đỡ cả khách hàng lẫn con nợ. Theo đó, một lựa chọn để đôi bên cùng có lợi trong thời điểm dịch bệnh khó khăn là giúp khách hàng thu hồi một khoản thanh toán từ con nợ.
Ling cho biết cô chỉ có thể giúp con nợ nếu người đó chịu hợp tác.
“Chúng tôi quan tâm tới tình hình tài chính của con nợ và muốn biết mình có thể giúp đỡ họ theo cách nào. Trong nhiều trường hợp con nợ có thể xin trợ cấp của chính phủ, chúng tôi có thể tư vấn cho họ về các giấy tờ cần thiết”, cô nói.
Trong trường hợp người phụ nữ đòi nhảy từ tầng 13, cô được trì hoãn đến tháng 1 năm sau mới bắt đầu phải trả tiếp khoản nợ của mình.