Bệnh nhân được chẩn đoán sót rau sau phá thai bằng thuốc trên nền thiếu máu nặng. Ảnh: Jeshoots. |
Bệnh nhân P.T.T, 39 tuổi, trú tại Hải Dương, phá thai bằng thuốc tại phòng khám tư khi phát hiện mang thai ở tuần thứ 6.
Tuy nhiên, đến ngày thứ 4 sau khi uống thuốc, người phụ nữ ra máu nhiều kèm hoa mắt, chóng mặt, người mệt mỏi, sốt cao, dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ.
Bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cấp cứu. Bác sĩ xác định bà T. bị huyết áp tụt, mạch nhanh, mệt mỏi, thiếu máu nặng, chỉ số HGB (huyết sắc tố trong hồng cầu) là 51g/l, mức thông thường là 125-160 g/l.
Với chẩn đoán sót nhau thai do phá thai bằng thuốc trên nền thiếu máu nặng, người bệnh được chỉ định truyền máu và xử trí các tổn thương. Tới ngày 4/7, sức khỏe người phụ nữ ổn định và đang được theo dõi tại bệnh viện.
Phá thai bằng thuốc hay phá thai nội khoa được thực hiện với thai dưới 7 tuần (tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng), thai đã vào bên trong tử cung. Ngoài ra, sức khỏe của người mẹ cần đảm bảo, không bị mắc các bệnh lý về nội khoa, phụ khoa như tim mạch, huyết áp.
Các bác sĩ khuyến cáo quá trình bệnh nhân dùng thuốc phá thai cần được thực hiện cơ sở y tế uy tín, được cấp phép, phải có sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của bác sĩ sản phụ khoa.
Nhiều người tự mua thuốc về dùng hoặc phá thai tại cơ sở y tế không đủ tiêu chuẩn có thể dẫn đến sót thai, sót nhau thai, gây băng huyết, mất máu dài ngày, nguy cơ nhiễm khuẩn tử cung cao, nguy hiểm đến tính mạng.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.