Violet Jessop sống sót qua 3 thảm họa đắm tàu, lần lượt vào năm 1911, 1912 và 1916. Ảnh: Alamy. |
Sáng 21/11/1916, tàu viễn dương Britannic của Anh - lúc đó được trang bị để làm tàu bệnh viện trong Thế chiến I - đang trên hành trình đến chiến trường đẫm máu Gallipoli ở Thổ Nhĩ Kỳ. Y tá Violet Constance Jessop (sinh ra ở Argentina) khi đó đang ngồi ăn sáng, một tiếng nổ nhỏ bất ngờ vang lên, làm rung chuyển cả con tàu.
Hóa ra, Britannic đã va phải một quả thủy lôi của Đức và nhanh chóng chìm xuống.
Được lệnh lên thuyền cứu hộ, Jessop nhanh chóng trở lại cabin để thu thập một số vật dụng cá nhân, bao gồm sách cầu nguyện và bàn chải đánh răng.
Trong cuốn hồi ký của mình, Jessop nói rằng bà được một người bạn nhắc phải mang theo bàn chải đánh răng mỗi khi thảm họa ập đến. Lời khuyên này được Jessop áp dụng nhiều lần vì vụ chìm Britannic không phải thảm họa chìm tàu duy nhất bà trải qua.
Britannic là tàu bệnh viện được dùng trong Thế chiến I. Ảnh: Wiki. |
Ký ức về những lần gặp nạn trên biển
Vụ chìm tàu Britannic là lần thứ 3 Violet Jessop gặp nạn trên biển. Hai lần gặp nạn trước đó lần lượt vào năm 1911 và 1912.
Năm 1911, Jessop (khi đó mới 21 tuổi) ký hợp đồng làm việc với R.M.S. Olympic - con tàu lớn nhất thời bấy giờ do White Star Line (hãng vận tải của Anh) vận hành.
Công việc của Jessop vẫn suôn sẻ cho đến ngày 20/9/1911, khi Olympic va chạm với tàu tuần dương H.M.S. Hawke. Olympic bị nứt một vết lớn nhưng rất may, tàu vẫn cố để trở về Anh an toàn.
Khi Olympic cập bến để sửa chữa, Jessop chuyển sang làm việc cho con tàu "chị em" là R.M.S. Titanic. Chưa đầy 7 tháng sau, ngày 14/4/1912, khi đang thực hiện hành trình đầu tiên, Titanic bất ngờ va phải một tảng băng trôi và bị chìm. Vụ chìm tàu đó khiến hơn 1.500 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Nhớ lại đêm chìm tàu kinh hoàng, Jessop nói rằng khi đó là 23h40, lúc vừa cầu nguyện xong, bà bất ngờ nghe thấy một âm thanh như "xé toạc tất cả". Ban đầu, bà chỉ nghĩ đó là một cuộc diễn tập vì luôn cho rằng Titanic không thể chìm.
Chưa đầy 3 giờ sau, Jessop lênh đênh trên thuyền cứu sinh và hoảng sợ nhìn Titanic chìm dần dưới vùng Bắc Đại Tây Dương tối tăm, lạnh giá.
"Chắc chắn tất cả chỉ là một giấc mơ thôi", Jessop từng nghĩ như vậy khi thấy tàu chìm.
Jessop làm việc trên tàu Titanic được 7 tháng thì gặp nạn. Ảnh: PA Images. |
Vẫn tiếp tục làm việc trên biển dù gặp nạn nhiều lần
Violet Jessop sinh ra ở Argentina vào năm 1887, là con gái của người nhập cư Công giáo Ireland - những người chuyển đến vùng Nam Mỹ và trở thành nông dân nuôi cừu.
Trước khi làm việc trên tàu biển, Jessop từng trải qua tuổi thơ đầy bệnh tật. Bà từng bị thương hàn và lao - những căn bệnh nặng đến mức khiến bà suýt chết. Nhưng sau đó bà vẫn bình phục một cách kỳ diệu.
Lý do Jessop làm việc trên tàu biển là mẹ bà cũng từng làm công việc tương tự. Sau khi cha đẻ qua đời vào năm 1903, Jessop (khi đó mới 16 tuổi) cùng gia đình chuyển đến Anh. Để nuôi sống các con, mẹ của Jessop làm phục vụ trên những con tàu hơi nước của Royal Mail Line.
Sau 5 năm lênh đênh trên biển, bà Katherine - mẹ của Jessop - đổ bệnh và Jessop quyết định làm việc thay mẹ. Lợi thế của cô gái 21 tuổi khi đó là có khả năng nói nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp.
Khi Thế chiến I nổ ra, Jessop tình nguyện trở thành y tá. Bà làm việc cho các bệnh viện trên đất liền một thời gian, sau đó được chuyển đến làm việc cho tàu Britannic.
Lần Britannic gặp nạn vì trúng mìn hải quân, Jessop được đưa lên thuyền cứu hộ nhưng không may bị cuốn vào chân vịt của Britannic. Bà bị nứt hộp sọ và rách một mảng lớn ở chân. May mắn, bà được hai bác sĩ cứu chữa kịp thời nên không mất mạng.
Jessop dành 3 năm để phục hồi vết thương. Trong thời gian đó, Thế chiến I kết thúc và các chuyến tàu biển tiếp tục vượt Đại Tây Dương.
Sau ba lần thoát chết khi gặp nạn trên biển, khi người khác lo rằng không ai còn đủ may mắn để thoát chết như vậy nữa, Jessop lại không nghĩ như vậy. Bà vẫn chọn làm việc trên tàu biển và không nghĩ bản thân sẽ gặp nạn thêm lần nữa.
Đến năm 1920, Jessop tiếp tục ký hợp đồng với Olympic sau khi tàu được sửa xong và làm việc trên con tàu này cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1950. Đến năm 1971, nữ y tá mệnh lớn qua đời ở Anh, hưởng thọ 83 tuổi.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.