Sách giáo khoa vẫn thường mô tả nam giới chơi thể thao, nữ giới làm việc nhà. Ảnh: Pexels. |
Trong số 7.000 học sinh thực hiện khảo sát với Saigon Children’s Charity (saigonchildren) và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD), phần lớn học sinh nhận thấy các nhân vật nam trong sách giáo khoa thường gắn với công việc đòi hỏi sức mạnh hoặc kỹ năng, kỹ thuật cao, ví dụ như bác sĩ, cảnh sát, kỹ sư...
Trái lại, nhân vật nữ thường gắn với những công việc về giáo dục hoặc chăm sóc như giáo viên, nội trợ hoặc y tá.
"Những địa vị được miêu tả dành riêng cho hai giới trong sách giáo khoa cũng hàm chứa định kiến. Phần lớn nghề nghiệp do nam giới đảm nhận là những việc có địa vị cao như bác sĩ và kỹ sư. Trong khi các nghề nghiệp được khắc họa dành cho nữ giới như y tá và giảng dạy, có địa vị thấp hơn hoặc nữ giới chỉ đảm nhận vai trò là phụ tá cho ngành nghề của nam giới", báo cáo công bố ngày 27/4 của hai tổ chức nêu.
Ghi nhận của học sinh về việc làm của các nhân vật trong sách giáo khoa. Ảnh: BTC. |
Những tác động của chuẩn mực xã hội trong sách giáo khoa
Trong một nghiên cứu được công bố trên trang Umeå University vào năm 2022, các nhà nghiên cứu Việt Nam chỉ ra rằng việc thể hiện các nghề nghiệp khác nhau trong sách giáo khoa dựa trên giới tính có thể ảnh hưởng đáng kể đến lựa chọn nghề nghiệp và vai trò trong xã hội của học sinh.
Sự ảnh hưởng này được thể hiện rõ nét ở Việt Nam - nơi vai trò giới và thứ bậc xã hội truyền thống vẫn đang còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỳ vọng của xã hội.
Việc này còn có thể tác động đến nguyện vọng và lựa chọn nghề nghiệp của học sinh nữ. Lý do là học sinh nữ có thể tiếp nhận một cách vô thức những kỳ vọng về giới tính, dẫn đến việc các em tự cho rằng khả năng của bản thân bị giới hạn trong một số ngành nghề “phù hợp” với giới tính.
Trong một nghiên cứu được đăng trên Society for Research in Child Development vào năm 2021, nhóm nghiên cứu của Đại học Houston (Mỹ) cũng nêu rằng việc sách giáo khoa không cung cấp đủ ví dụ đa dạng và tích cực về phụ nữ trong các lĩnh vực khác nhau, ví dụ khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), có thể dẫn đến việc các nữ sinh không có hứng thú để tìm hiểu về các lĩnh vực này. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp của các em.
Ngoài vấn đề nghề nghiệp, sách giáo khoa vẫn tồn tại một số khuôn mẫu liên quan hoạt động hàng ngày của nam giới và nữ giới. Cụ thể, trong số 7.000 học sinh làm khảo sát, 61% học sinh nhận thấy nhân vật nữ được miêu tả là đang làm việc nhà. Không riêng nữ sinh, nam sinh cũng thấy rõ vấn đề đó.
Trong khi nữ giới được mô tả là làm việc nhà, nam giới lại được gắn liền với các hoạt động thể thao.
Các nhà nghiên cứu lo lắng kiểu khuôn mẫu này sẽ củng cố định kiến rằng hoạt động thể chất phù hợp hơn với nam giới. Trong khi đó, các nhân vật nữ sẽ bị cho là thụ động và bị giới hạn trong các công việc chăm sóc gia đình. Điều này có thể khiến cho các học sinh nữ nghĩ rằng phụ nữ không phù hợp với những công việc đòi hỏi thể chất hoặc các hoạt động ngoại khóa.
Giáo viên có xu hướng thiên vị nam sinh ở các môn khoa học tự nhiên và thiên vị nữ sinh ở các môn khoa học xã hội. Ảnh minh họa: Pexels. |
Giáo viên cũng còn định kiến
Sách giáo khoa nói nam giới thường làm bác sĩ, kỹ sư - những công việc gắn với kỹ năng, kỹ thuật cao, giáo viên cũng cho rằng học sinh nam thường giỏi hơn ở các môn thiên về tư duy, tính toán.
Khi phỏng vấn một số giáo viên, hai đơn vị thực hiện khảo sát nhận thấy nam sinh thường được giáo viên đánh giá xuất sắc ở các môn tư duy, tính toán như khoa học tự nhiên. Trong khi đó, nữ sinh được kỳ vọng giỏi ở các môn đòi hỏi sự siêng năng và khả năng ghi nhớ như khoa học xã hội.
“Tôi thấy các bạn nam thường học giỏi các môn như Toán hoặc những môn cần tư duy nhanh. Các bạn nữ thường học thuộc lòng tốt hơn. Như vậy, với các môn Toán, Lý, Hóa, các bạn nam sẽ giỏi hơn”, một cô giáo chia sẻ.
Hai đơn vị này cũng phỏng vấn 12 học sinh và 10 em đồng ý rằng giáo viên ở trường có xu hướng thiên vị học sinh nam ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học và thiên vị học sinh nữ ở các môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Lịch sử, Địa lý.
Các học sinh cũng chỉ ra rằng giáo viên, một cách vô thức, thường ngụ ý học sinh nam bẩm sinh đã giỏi Toán và Khoa học hơn. Do đó, giáo viên thường dành cho học sinh nam nhiều sự chú ý và nguồn lực hơn.
Điều này có thể khiến các học sinh nữ cảm thấy chán nản và kém tự tin hơn trong các môn học này. Đây là những thông tin được nhà nghiên cứu người Việt công bố trên trang Liverpool John Moores University Research Online.
Một nghiên cứu khác được công bố trên trang Umeå University vào năm 2020 cũng nêu rằng giáo viên thường nghĩ học sinh nam học giỏi là do tư duy tốt. Còn việc nữ sinh học giỏi là do chăm chỉ hoặc may mắn.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh chính điều này góp phần củng cố định kiến rằng nam sinh thông minh và tài năng hơn nữ sinh.
"Quan niệm cho rằng nam giới thường giỏi hơn trong các môn học cần 'tư duy' và 'tính toán', trong khi nữ giới giỏi các môn học đòi hỏi 'sự siêng năng' và khả năng 'ghi nhớ' có thể có tác động tiêu cực đáng kể đến quá trình học tập của các em gái. Các định kiến giới có thể ảnh hưởng đến niềm tin của giáo viên về khả năng của học sinh và góp phần vào việc nữ sinh thường ít tham gia học tập và làm việc trong các lĩnh vực STEM", nhóm nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) nêu quan điểm trong một nghiên cứu công bố trên Frontiers Media SA vào năm 2017.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.