![]() |
Bệnh nhân cho biết hầu như tháng nào cũng bị viêm tiết niệu tái phát nhưng vẫn cố chịu đựng và tự điều trị. Ảnh: Freepik. |
Chị B.A. (42 tuổi, trú tại Hà Nội) được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện E trong tình trạng tiểu buốt, tiểu ra máu, đau tức bụng dưới, cơ thể mệt mỏi. Đáng chú ý, chị cho biết hầu như tháng nào cũng bị viêm tiết niệu tái phát nhưng vẫn cố chịu đựng và tự điều trị.
Kết quả thăm khám cho thấy chị A. bị viêm toàn bộ đường tiết niệu kèm viêm bàng quang nặng, nếu không được xử lý kịp thời, vi khuẩn có thể lan ngược lên thận, gây viêm thận - bể thận, thậm chí nhiễm trùng huyết.
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BSCKI Mai Văn Lực, khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, cho biết: "Bệnh nhân này là một trường hợp điển hình bị viêm đường tiết niệu tái diễn nhiều lần do những sai lầm phổ biến mà nhiều phụ nữ gặp phải".
Theo bác sĩ Lực, bệnh nhân có thói quen thường xuyên mặc quần bó sát. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng nhiệt độ vùng kín, giữ ẩm tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
![]() |
Kết quả siêu âm của bệnh nhân. Ảnh: BSCC. |
Bên cạnh đó, nữ bệnh nhân lười uống nước. Không chỉ vậy, chị A. còn có thói quen tự mua thuốc điều trị. Những lần đầu có biểu hiện tiểu buốt nhẹ, chị tự ra hiệu thuốc để mua kháng sinh uống. Sau vài ngày thấy đỡ, chị dừng thuốc.
"Việc dùng thuốc không đúng, không đủ liều khiến bệnh không khỏi hẳn, vi khuẩn nhờn thuốc, tái phát nhanh và nặng hơn ở những lần sau", BS Lực nói.
Sau thăm khám, bệnh nhân này được điều trị đồng thời cả viêm bàng quang và viêm âm đạo, kết hợp dùng kháng sinh theo kết quả cấy khuẩn nước tiểu. Bệnh nhân cũng được hướng dẫn chế độ uống nước sinh hoạt; chế độ tập tiểu và cách dự phòng tái phát.
Sau một tuần, chị đã tiểu tiện bình thường, hết tiểu buốt và tâm lý ổn định hơn.
Bác sĩ Lực khuyến cáo viêm đường tiết niệu là bệnh phổ biến, đặc biệt trong mùa hè. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh dễ tái phát, kéo dài, gây biến chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống”.
Để phòng ngừa, người dân cần:
- Uống đủ nước mỗi ngày: Khoảng 0,4l/10 kg thể trọng, chia đều trong ngày. Không uống vặt từng ngụm, nên uống mỗi lần 100-200 ml, cách nhau 2 giờ.
- Không tự ý chẩn đoán hay mua thuốc: Nhiều triệu chứng giống nhau nhưng nguyên nhân khác nhau. Tự điều trị có thể khiến bệnh tái phát hoặc dẫn đến tình trạng kháng thuốc.
- Tìm đến bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu ngay khi có triệu chứng bất thường. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm, chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
- Tuân thủ 100% hướng dẫn của bác sĩ. Kể cả khi thấy đỡ rồi, cũng phải uống hết thuốc, tái khám đúng hẹn để đảm bảo vi khuẩn bị tiêu diệt hoàn toàn, đảm bảo tình trạng bệnh đã hết hẳn.
- Vệ sinh cá nhân đúng cách: Sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, tránh xà phòng hoặc chất gây kích ứng.
- Lựa chọn trang phục thoáng mát, không quá chật, bí.
Bác sĩ là một công việc bận rộn, nhiều áp lực song không ít "thiên thần áo trắng" làm việc tại bệnh viện vẫn dành tình yêu cho sách, cho việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình.
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.