Tại khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, các bác sĩ cho biết bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội, đã đổi tên) được con cái đưa vào bệnh viện trong trạng thái lo âu, trầm cảm nặng. Hàng ngày, bà lầm lũi, không nói, chỉ biết khóc và đòi được chết.
Người phụ nữ này vốn làm giáo viên mầm non. Chồng bà 50 tuổi. Ở độ tuổi này, gia đình bà được xem là mẫu mực khi con cháu, dâu rể đầy đủ. Cách đây không lâu, lần đầu tiên ông đã đánh bà và quyết định đi theo người phụ nữ khác.
Bà Hoa trở nên chán nản, lầm lì. Khuyên chồng không được, bà dựng lều cạnh mộ bố mẹ chồng để sống. Con cái ra tìm về bà cũng không về. Công an xã ra đuổi bà cứ ôm cột bia mộ khóc đòi ở đây. Bà dọa chết nếu không cho ở ngoài nghĩa trang.
Các con tìm mọi cách để khuyên nhủ mẹ nhưng không thành công. Cuối cùng, họ đành cưỡng chế, kéo bà lên xe, đưa đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương, mong bác sĩ cứu sống mẹ.
Bệnh nhân nữ tại khoa Cấp tính nữ đa số là bệnh nhân nặng, có ý định và hành vi tự sát phổ biến. Ảnh: Việt Hùng.
|
Tiến sĩ Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Cấp tính nữ, Phó giám đốc bệnh viện, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Hoa, cho biết trầm cảm thường xảy ra khi con người chịu những cú sốc về mặt tình cảm, tâm lý quá ngưỡng chịu đựng. Trong trường hợp của bà Hoa, cú sốc chồng ngoại tình đã biến bà thành người sống dở chết dở. Tại đây, sau khi điều trị, tình hình bà đã có tiến triển. Bà có thể tâm sự, kể về câu chuyện của mình.
Theo tiến sĩ Phương, nhiều bệnh nhân khác cũng phát bệnh khi thất tình, bị phản bội. Những người phụ nữ này thường mắc chứng trầm cảm nặng khiến họ trở nên hoang tưởng. Điều đáng nguy hiểm nhất là bệnh nhân trầm cảm luôn muốn tìm đến cái chết để giải thoát.
"Không cái gì đau đớn bằng bệnh trầm cảm. Người bị trầm cảm chỉ muốn tìm đến cái chết. Thậm chí, đau đớn như bệnh ung thư con người còn chịu đựng được chứ trầm cảm thì khó ai chịu đựng được", tiến sĩ Phương cho biết.
Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân trầm cảm buộc phải được điều trị kịp thời tại chuyên khoa tâm thần để sớm khỏi bệnh. Gia đình cần quan tâm, động viên và cần kiên trì điều trị cho bệnh nhân.