TS.BS Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Nữ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, cho hay bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Thanh (sinh 1985, sống tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị trầm cảm nặng.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng không giao tiếp, chống đối không ăn uống, nằm bất động một chỗ. Hiện nay, bệnh nhân ăn uống bằng đường xông, mọi hoạt động vệ sinh đều phải có người giúp đỡ. Bệnh nhân vẫn có ý thức nhận biết được người xung quanh.
Người mẹ trẻ mắc trầm cảm sau khi sinh con thứ 2. Ảnh: HQ. |
Theo người nhà bệnh nhân, 5 năm trước, sau khi sinh con thứ 2, người phụ nữ này bắt đầu sống khép kín, không muốn nói chuyện với chồng và thờ ơ chăm sóc con. Thanh tự giam mình trong phòng không ăn uống suốt một tháng.
Sau đó, gia đình đã đưa bệnh nhân tới Viện sức khỏe Tâm thần Bạch Mai điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm. Sau khi điều trị 2 tháng, bệnh nhân được xuất viện, về nhà sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, sau đó căn bệnh trầm cảm tiến triển nặng hơn rất nhiều.
Cha đẻ của bệnh nhân này cho hay: “Sang năm thứ 2, con gái tôi nằm bất động như người liệt, ăn uống bằng đường xông, vệ sinh cá nhân phải có người phục vụ. Cháu thường phát bệnh vào những tháng đầu năm, những tháng cuối năm sẽ tự khỏi ngồi dậy và đòi về nhà. Tôi nhớ có lần cháu dậy được đã bảo tôi viết đơn xin bác sĩ cho về điều trị tại nhà”.
Trước khi phát bệnh, Thanh ở nhà làm nội trợ sinh và chăm con sau khi lấy chồng, ít phải chịu áp lực. Chồng có thu nhập tốt, yêu thương, chăm sóc và chiều vợ.
TS Tô Thanh Phương. Ảnh: V.H. |
TS Phương cho hay bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm sau sinh và đã điều trị được 5 năm. Đây là ca bệnh khá phức tạp do bệnh nhân liên tục chống đối, hoàn toàn không ăn, nói chuyện.
“Bệnh nhân đã nhập viện được vài ngày, hướng ban đầu là điều trị tấn công bằng thuốc. Chúng tôi cũng theo dõi bệnh nhân có vấn đề rối loạn nhân cách hay không. Nếu có, việc điều trị sẽ rất khó khăn”, bác sĩ Phương nói.
Theo chuyên gia này, thống kê cho thấy có 0,15% phụ nữ sau sinh mắc loạn thần - trầm cảm sau sinh.
Thông thường, một tuần sau sinh, phụ nữ hay có cảm giác buồn, rầu, lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, dễ tủi thân. Cảm xúc này thoáng qua và sẽ hết nếu được sự hỗ trợ tích cực của gia đình, đặc biệt là người chồng.
Tuy nhiên, khi các triệu chứng ngày càng nặng (được gọi là hội chứng ngày thứ ba sau đẻ), chị em rất căng thẳng, bi quan, buồn chán, không ngủ được, lo âu nhiều.
“Nếu không điều chỉnh được những biểu hiện này trong một tuần, bệnh sẽ tiến triển nặng gọi là loạn thần sau sinh. Đỉnh cao phát bệnh này là sau khi đẻ 10-15 ngày, có thể kéo dài trong vòng 3 tháng. Nếu phát bệnh lần đầu, đa số trong tình trạng loạn thần, có ảo giác, hoang tưởng. Nhiều mẹ đã giết chết con mình hoặc tự sát khi mắc căn bệnh này”, TS Phương cảnh báo.