Theo South China Morning Post, chính quyền địa phương đã bắt giữ Wang, người tiến hành ca phẫu thuật thẩm mỹ cho Li, với cáo buộc hành nghề mà không có giấy phép y tế.
Ngày 28/3, Li tới phòng khám của Wang để thực hiện ca phẫu thuật ghép mỡ. Theo đó, lượng mỡ từ đùi được tiêm vào trán và các nếp nhăn quanh mắt để trẻ hóa da.
Theo lời người bạn đi cùng Li hôm đó, trong quá trình phẫu thuật, sắc mặt cô bỗng trở nên trắng bệch, cơ miệng tê cứng và tay chân bắt đầu run rẩy. Các biến chứng ngày càng nghiêm trọng khiến Li bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu.
Nạn nhân bị ngừng tim, suy hô hấp và được tuyên bố chết não tại bệnh viện sau 3 ngày.
Cái chết của Li dấy lên lo ngại về các cơ sở thẩm mỹ chui. Ảnh: Zhibo Hainan/WeChat. |
Sau vụ việc của Li, cảnh sát địa phương đã đến phòng khám tại tỉnh Hải Nam để điều tra. Nơi này không hề có giấy phép kinh doanh hay được đăng ký là cơ sở y tế. Wang, người điều hành, cũng không có chứng chỉ hành nghề.
Tuy vậy, phòng khám này từng quảng cáo nhiều hình thức phẫu thuật thẩm mỹ, bao gồm tiêm chất tăng cường collagen tế bào, tiêm axit hyaluronic và một số phương pháp điều trị chống lão hóa khác.
Trong bối cảnh nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng tại Trung Quốc, cái chết của Li một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về những người hành nghề không đủ tiêu chuẩn.
Tháng 2 vừa qua, dư luận bàng hoàng với trường hợp nữ diễn viên Gao Liu bị hoại tử mũi vì phẫu thuật thẩm mỹ hỏng.
Liu phải điều trị ở bệnh viện 2 tháng và tiêu tốn 61.800 USD. Trong thời gian tới, cô cần tiến hành thêm các cuộc phẫu thuật để khắc phục hậu quả.
Phần chóp mũi của Gao Liu biến dạng sau “ác mộng” phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Weibo. |
Theo một báo cáo được Hiệp hội Thẩm mỹ Trung Quốc công bố năm 2021, ngành công nghiệp thẩm mỹ ở đất nước tỷ dân có thể tăng trưởng thêm 300 tỷ nhân dân tệ (45,7 tỷ USD) trong vòng 2 năm tới.
Trong hơn 10 triệu người đến các cơ sở thẩm mỹ tại Trung Quốc năm 2019, 20.000 trường hợp bị biến dạng do phẫu thuật thất bại với tình huống xấu nhất là tử vong, theo CCID Consulting.