Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên làm giáo sư kép tại Đại học Harvard

Bành Tiểu Uy (sinh năm 1972) được bổ nhiệm làm giáo sư khoa Vật lý và Hóa học tại Đại học Harvard vào năm 2006. Bà là người phụ nữ Trung Quốc đầu tiên đạt được thành tích này.

Bành Tiểu Uy sinh ra ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Cha mẹ đều là nhà khoa học, giảng dạy ở trường Khoa học Kỹ thuật thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Do cha mẹ bận rộn, Bành Tiểu Uy được ông bà nội nuôi dưỡng. Cô bé không đi học mẫu giáo như bạn bè cùng tuổi, cũng không được dạy học đọc, học viết. 5 tuổi, Tiểu Uy mới được cha mẹ đón về nhà dạy dỗ, theo The Paper.

giao su kep tai Dai hoc Harvard anh 1

Bành Tiểu Uy bộc lộ năng khiếu Vật lý khi còn nhỏ. Ảnh: Vilcek Foundation.

Bộc lộ năng khiếu Vật lý từ bé

Dù chưa được dạy chữ, Bành Tiểu Uy vẫn có thể viết và đọc chữ Hán thông thạo. Khi đến tuổi đi học, bà được cha mẹ gửi thẳng lên lớp 2 của trường tiểu học. Học nhảy cóc không vất vả, trái lại Tiểu Uy càng bộc lộ năng khiếu của mình.

Tiểu Uy tự lập từ sớm, cha mẹ không cần nhắc nhở, bà vẫn tự giác học bài, làm bài đầy đủ. Điểm số luôn nằm trong top đầu của lớp.

Khi cha mẹ bận rộn, Tiểu Uy sẽ tự nấu ăn và làm những việc nhà trong khả năng của mình.

Một lần, khi cha dạy Vật lý cho anh trai, Bành Tiểu Uy cũng ở cạnh nghe giảng. Trước đó, bà chưa từng tiếp xúc với môn học này.

Người cha đặt câu hỏi cho con trai về kiến thức ở cấp trung học cơ sở: "Một cốc nước đặt trên bàn, nó chịu bao nhiêu lực tác động". Người con trai chỉ nghĩ đến trọng lực của nước và cốc, cùng lực pháp tuyến của mặt bàn. Cùng lúc đó, Bành Tiểu Uy ở bên chen vào, nói rằng không khí cũng tác dụng một lực lên cốc nước.

Cha của Bành Tiểu Uy bất ngờ trước câu trả lời con gái. Ông nhận định con gái có năng khiếu Vật lý và sau này có thể theo đuổi lĩnh vực này.

Sau này, Bành Tiểu Uy tiết lộ lúc đó bà không hiểu những điều bố dạy anh trai. Nhưng thời điểm đó cha là giáo sư dạy Khí động lực học, bà nghĩ rằng câu hỏi của cha sẽ có liên quan đến không khí.

Không chỉ có năng khiếu Vật lý, Bành Tiểu Uy bộc lộ tài năng hơn người khi có thể chơi cờ vua sau một lần được họ hàng dạy.

Năm 13 tuổi, nhờ đoạt giải nhất trong cuộc thi học sinh giỏi môn Toán, Lý, Hóa cấp quốc gia, Bành Tiểu Uy được giới thiệu vào lớp dự bị để thi tuyển vào Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, ngôi trường này nằm ở thành phố Bắc Kinh.

Tuy nhiên, khi đó nữ sinh còn quá nhỏ tuổi, cha mẹ không đồng ý để con gái đi học xa. Vì thế, Tiểu Uy theo học tại một trường ở gần nhà, cũng là lớp dự bị để thi tuyển vào Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.

Hai năm sau, khi mới 15 tuổi, bà được nhận vào lớp đào tạo thiên tài trẻ của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc với số điểm hơn 600 trong kỳ thi tuyển sinh đại học.

Lớp đào tạo tài năng trẻ là sáng kiến của nhà Vật lý nổi tiếng Trung Quốc Lý Chính Đạo. Trải qua gần 50 năm, dự án này đã "ươm mầm" 1.027 tài năng trẻ thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều gương mặt tên tuổi như Ninh Bạch, Doãn Hy, Trương Á Cần...

Khóa của Bành Tiểu Uy chỉ có 22 học sinh, 5 trong số đó là nữ sinh. Ở trong môi trường toàn thiên tài cạnh tranh, Bành Tiểu Uy vẫn giữ vững vị trí của mình và luôn đạt kết quả cao. Nhiều năm sau, giáo viên vẫn thường nhắc lại kỷ niệm với cô nữ sinh nhỏ bé: "Tiểu Uy rất chăm chỉ, tính tò mò của em ấy rất mạnh. Đối với những vấn đề khó hiểu, em ấy sẽ làm mọi cách để tìm ra câu trả lời".

Hai năm đầu ở lớp đào tạo tài năng trẻ không chia chuyên ngành, học sinh có thể theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích. Thời gian đó, Bành Tiểu Uy chọn học Vật lý. Với bà, đó là môn học logic, mạnh mẽ, khiến bản thân cảm nhận niềm hạnh phúc khi học.

Để nắm vững kiến thức, Bành Tiểu Uy thường đọc thêm sách khi người khác nghỉ ngơi hoặc nghiên cứu những lĩnh vực mới. Chính sự chăm chỉ đã giúp bà tạo nên kỳ tích trong lớp đào tạo tài năng trẻ.

Cụ thể, bà đạt điểm tuyệt đối ở 4 môn quan trọng của ngành Vật lý, bao gồm: Cơ học lý thuyết, Cơ học thống kê, Điện động lực học và Cơ học lượng tử.

Đây là điều chưa từng có trong lịch sử của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Vì thế, Bành Tiểu Uy trở nên nổi tiếng và được gọi là cao thủ học đường", theo 163.

giao su kep tai Dai hoc Harvard anh 2

Bành Tiểu Uy là giáo sư kép của Đại học Harvard và có phòng thí nghiệm mang tên mình. Ảnh: Vilcek Foundation.

Trở thành giáo sư kép tại Đại học Harvard

Năm 1991, Bành Tiểu Uy 19 tuổi và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Vật lý. Giống như hầu hết sinh viên trong lớp, bà chọn con đường du học để phát triển bản thân. Thời điểm đó, Tiểu Uy được nhận vào Đại học California, Berkeley (Mỹ) để tiếp tục học lên tiến sĩ ngành Vật lý.

5 năm sau, tài năng trẻ người Trung Quốc lấy bằng tiến sĩ thành công. Dưới sự khuyến khích của giáo viên, bà quyết định tìm kiếm cơ hội giảng dạy và gửi hồ sơ đến một số trường đại học ở Mỹ.

Ngay sau đó, Đại học Stanford gửi thư mời, bày tỏ rằng nhà trường rất hài lòng với các thành tích của Tiểu Uy và dự định cho bà một vị trí giảng dạy.

Tuy nhiên, điều mà Bành Tiểu Uy không ngờ là nhà trường lại gửi đến một lá thư khác, trong thư nói phía nhà trường nghĩ rằng bà vẫn chưa sẵn sàng nên không thể tuyển cô làm trợ lý giáo sư.

Thay vào đó, Đại học Stanford muốn bà đến học nghiên cứu sinh sau tiến sĩ để có thêm nền tảng cho công việc dạy học sau này.

Kết quả này khiến Bành Tiểu Uy bị tổn thương. Nhưng bà vẫn tin rằng Đại học Stanford có cách tiếp cận đúng. Cuối cùng, bà đến Stanford theo con đường nghiên cứu sinh sau tiến sĩ.

Dưới sự hướng dẫn khắt khe của nhà khoa học người Trung Quốc Chu Đệ Văn, Bành Tiểu Uy trở thành nghiên cứu sinh sau tiến sĩ giỏi nhất tại Đại học Stanford.

Năm 2001, bà được 7 đại học hàng đầu tại Mỹ mời về làm việc, trong đó có Đại học Yale, Đại học harvard, Đại học Princeton và Viện Công nghệ Massachusetts.

Dưới sự tư vấn của mẹ, Tiểu Uy chọn làm trợ lý giáo sư tại Đại học Harvard. Không lâu sau, bà được trao giải Thiên tài MacArthur và trở thành nhà khoa học nữ Trung Quốc đầu tiên làm được điều này.

Năm 2006, nhờ khả năng xuất sắc về Vật lý và Hóa học, Bành Tiểu Uy được Đại học Harvard bổ nhiệm làm giáo sư khoa Vật lý và Hóa học. Thời điểm đó, giáo sư kép như Tiểu Uy rất hiếm nên bà được trường sắp xếp một phòng thí nghiệm riêng mang tên mình.

Trong năm đó, nữ giáo sư phát minh phương pháp mới để phát hiện các phân tử đơn lẻ bằng nguyên lý quang phổ huỳnh quang. Phát hiện này đã thúc đẩy sự phát triển của nghiên cứu y sinh và gây tiếng vang lớn trong cộng đồng khoa học lúc bấy giờ.

Ngoài ra, bà dẫn dắt nhóm nghiên cứu của mình, bao gồm 21 tiến sĩ và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tìm hiểu về virus cúm A, SARS và AIDS.

Không chỉ sản xuất bài báo khoa học trên tạp chí Science, Bành Tiểu Uy còn cải tiến công nghệ ghi hình bằng nguyên lý quang phổ huỳnh quang để ghi lại chính xác toàn bộ quá trình lây nhiễm virus của tế bào.

Nhiều người cho rằng nữ giáo sư sẽ được trao giải Nobel năm 2014. Tuy nhiên, bà lại để vuột mất giải thưởng trong đáng tiếc. Điều này cũng dấy lên nhiều tranh cãi về việc ban tổ chức phân biệt giới tính khi đánh giá các ứng viên.

Sau sự kiện năm đó, Bành Tiểu Uy vẫn tiếp tục nỗ lực để cống hiến cho khoa học thế giới và nước nhà. Bà trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ đam mê khoa học ở Trung Quốc và luôn được đánh giá là một nhà khoa học tài năng, chăm chỉ.

Thần đồng Trung Quốc được mệnh danh là 'đệ tử Bill Gates'

Trương Á Cần đỗ đại học năm 12 tuổi và nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 23. Ông là một trong những học trò ưu tú của Bill Gates và được giao nhiệm vụ điều hành Microsoft Research Asia.

Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm