Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ Việt giành hai học bổng khủng

Chúng ta không có nhiều người Việt là sản phẩm 100% của nền giáo dục Việt Nam mà thành đạt ở nước ngoài.

Trong cuộc trò chuyện này, chị Nguyễn Thu Thảo nói về những chuyển động tích cực mà các du học sinh Việt Nam đã tạo ra khi trở về nước.

Một ngày đàng, học sàng khôn

- Chị đã nói về việc giáo dục Việt Nam có thể tiếp nhận được những giá trị gì từ các nền giáo dục tiên tiến. Vậy theo chị, trong bối cảnh Việt Nam, đâu là vấn đề mà giáo dục có thể can thiệp, tác động để tạo ra sự thay đổi tích cực?

- Một trong những đóng góp lớn mà hệ thống giáo dục của Việt Nam có thể cải thiện để đóng góp vào quá trình phát triển là nên tập trung vào việc dạy cho học sinh, sinh viên Việt Nam những giá trị, nguyên tắc cần có để tạo ra một xã hội tôn trọng luật pháp.

Ví dụ: Tính minh bạch của hệ thống, tự do tiếp cận thông tin cập nhật và kiến thức của nhân loại, tự do tranh luận, suy nghĩ độc lập, phát huy tính trách nhiệm cá nhân... mà không mất đi chữ lễ trong truyền thống tốt đẹp của người Việt.

Nguyễn Thu Thảo làm việc tại Học viện Sỹ quan Lục quân Hoa Kỳ West Point, tháng 9, năm 2013.
Nguyễn Thu Thảo làm việc tại Học viện Sĩ quan Lục quân Hoa Kỳ West Point, tháng 9/2013.

- Vậy chị đã nhìn thấy được những điểm thay đổi nào từ các du học học sinh về nước cũng như các tác động mà họ tạo ra với cộng đồng?

- Các du học sinh ở các nước phương Tây nay về nước gồm những bạn có thành tích xuất sắc đi học theo các chương trình học bổng của chính phủ (nước ngoài và Việt Nam) và trực tiếp của trường học; và một số đi do gia đình có điều kiện cho đi du học.

Các bạn được trải nghiệm thế giới, sinh sống ở một nền văn hóa khác, sử dụng ngoại ngữ thành thạo, được hưởng thành quả của một nền giáo dục tiên tiến, có cơ hội nghề nghiệp với các tập đoàn lớn, tính tự lập cao do phải sống xa gia đình ở một nơi lạ lẫm so với trước đây, và đã qua thử thách về khả năng thích nghi với môi trường mới.

Nếu phát huy được những điểm nêu trên ở môi trường du học thì khả năng thành công của các bạn khi về nước là rất cao. Không phát huy được những điểm nêu trên khi du học thì không có gì đảm bảo việc thích nghi trở lại với môi trường trong nước.

Tôi có thể không đồng tình với việc các gia đình đua nhau gửi con đi học ở nước ngoài, mà không chú ý vào sự chuẩn bị hành trang cho các cháu khi đi học ở nước ngoài. Nhưng tôi không lên án việc lựa chọn đi du học của các bạn sinh viên giỏi và gia đình có điều kiện.

Tôi có thể không đồng tình với việc nhiều bạn trẻ, được sự cổ vũ của báo chí, quá chú ý đến việc học trường nào, có thuộc top 10 - 20 hay không; thay vì, chú ý vào việc học ngành gì cho phù hợp với năng khiếu cá nhân và nguyện vọng lâu dài. Nhưng tôi không lên án việc các bạn học sinh năm cuối cấp III chưa hiểu rõ mình muốn gì và nên học gì.

Ở nhiều nước, học xong cấp III, nhiều bạn trẻ được tạo điều kiện để nghỉ một năm, gọi là gap year, đi du lịch để tìm hiểu thế giới và bản thân. Ở Singapore, học xong cấp III, tất cả nam giới đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, bất kể là ai.

Ở Việt Nam, các bạn trẻ không phải đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc, và có thể chúng ta chưa có điều kiện để nghỉ cả một năm để tìm hiểu thế giới và bản thân, do đó, không ngạc nhiên về việc học sinh cấp III phó mặc chuyện học trường gì và định hướng nghề nghiệp cho bố mẹ. Tôi cũng thế, mặc dù điều đó có thể không tối ưu.

Khi tôi tốt nghiệp cấp III, như bao bạn bè cùng lứa của giữa thập niên 90, tôi thi vào bốn trường đại học, bao gồm hai trường khó đối với cá nhân tôi (HV Ngoại giao và Ngoại thương) và hai trường khác vừa tầm với trình độ, cho chắc ăn. Khi đỗ cả Ngoại giao và Ngoại thương, bố mẹ tôi quyết định cho tôi học Ngoại giao, chỉ vì mai này làm nghề ngoại giao thì thật là oách.

Sau này, khi ra trường, tôi hiểu rằng tôi không thể làm nghề ngoại giao, tôi chọn công tác phát triển cho dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở quê, ở Hà Giang. Tôi biết mình làm sai nghề, nhưng điều đó không sao. Bởi vì, học đại học là học phương pháp luận, là thời gian bốn năm để học cách suy nghĩ đa chiều. Khi đi làm, tôi hiểu rằng "nếu mình không làm được nghề mình yêu mến, thì mình sẽ học cách yêu mến nghề mình đang làm".

Sau khi đi làm được hơn một năm, cùng chung mong ước được đi du học của các bạn cùng lứa, tôi cũng đã quyết tâm xin thi đi học, mặc dù tôi không thuộc khối cơ quan nhà nước để được ưu tiên nhận học bổng chính phủ. Gia đình tôi cũng không có điều kiện để cho tôi du học. Tôi làm việc cho dự án của LHQ ở Hà Giang, và bắt đầu tiết kiệm tiền cho việc học trong tương lai, và tích lũy kinh nghiệm.

Thiếu kinh nghiệm sống và không có nhiều thời gian tìm tòi về các loại học bổng khác nhau, tôi liên tiếp thi trượt hai chương trình học bổng: của Chính phủ Úc, và của Quỹ Ford.

Sau này, tôi bắt đầu tìm hiểu tại sao mình thất bại, và có kinh nghiệm hơn trong công việc, nên tôi đã thận trọng hơn và thành công cho việc chuẩn bị đi học của mình ở Úc và Mỹ từ năm 2001.

Ước mơ đi du học hoàn toàn không đáng lên án. Những đóng góp, nếu có, của các bạn du học nay về nước là đáng quý, nhưng việc đi học nước ngoài của các bạn không nên là điều để mọi người đánh giá "đi du học về mà chỉ làm được có thế". Điều quan trọng là các bạn đã dám thử mình ở một môi trường khác lạ hoàn toàn với đất nước mình.

Khi nền giáo dục trong nước chưa đáp ứng được những yêu cầu mới của một xã hội hiện đại, việc các bạn trẻ có điều kiện đi du học là điều đáng mừng, dù đó có thể là cái giá khá đắt xã hội phải trả bằng tiền.

Những người Việt thành đạt ở nước ngoài

- Theo nhìn nhận của chị, người Việt trẻ hiện nay có những ưu/nhược điểm gì đáp ứng thị trường lao động quốc tế. Hệ thống giáo dục, môi trường, tư duy ảnh hưởng thế nào đến việc thúc đẩy/kìm hãm những ưu/nhược điểm đó?

- Cuối tháng 6 năm 2014, tôi có vinh dự được mời vào nhóm tư vấn chiến lược cấp cao về phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững cho Việt Nam sau năm 2015 (ISDS) do tổ chức liên hợp quốc UNIDO tại Việt Nam chủ trì. Do đó, tôi có điều kiện tìm hiểu về tính cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam so sánh với khu vực và thế giới.

Ảnh
Chị Nguyễn Thu Thảo.

Năm 2013, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 70 trên 148 nước tham gia. Năng suất lao động của lực lượng lao động Việt Nam nằm trong những nước thấp nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Người Việt nói chung cần cù, và học việc nhanh. Tuy nhiên, nội dung của chương trình đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề còn lạc hậu, và không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

VD: Phó Chủ tịch trường ĐH Y Dược TP.HCM Trần Điệp Tuấn cho biết, nhiều học phần của giáo trình y khoa hiện tại của trường đã sử dụng gần 100 năm, vẫn chưa cập nhật.

Chúng ta không có nhiều người Việt là sản phẩm 100% của nền giáo dục Việt Nam mà thành đạt ở nước ngoài. Số ít những người Việt thành đạt ở nước ngoài đều qua thời gian đào tạo, hoặc đào tạo lại ở nước ngoài, trước khi được chấp nhận vào hệ thống của quốc tế.

Giáo sư Ngô Bảo Châu là một ví dụ điển hình. GS học đến hết cấp III từ hệ thống trường chuyên quốc gia, nhưng trưởng thành với tư cách là một nhà toán học và đoạt giải Fields là nhờ hệ thống giáo dục của Pháp.

Việc phát triển một số mô hình giáo dục đại học kết hợp giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, Đức, và Anh Quốc dù còn đang ở giai đoạn ban đầu, nhưng cũng là một hướng đi nhằm thúc đẩy quá trình cải tổ về phương pháp dạy và học ở Việt Nam trong những năm tới đây.

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/188420/nguoi-phu-nu-viet-gianh-hai-hoc-bong--khung-.html

Theo Hoàng Hường/Báo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm