Tự nhận không phải chuyên gia về nông nghiệp mà chỉ làm vườn vì đam mê, chị Hoàng Tú Anh (sinh năm 1989, quê Nghệ An), hiện sinh sống ở thành phố Perth, Australia, khiến nhiều người ngạc nhiên khi trồng được những củ dền to hơn bàn tay người lớn, cây cải cao 2 m, dưa hấu gần 10 kg cùng nhiều loại rau, củ, quả “khổng lồ” khác.
Chia sẻ với Zing, chị Tú Anh cho biết rau, trái chị trồng trong vườn nhà hoàn toàn hữu cơ, nhờ chăm sóc đúng cách nên lớn hơn nhiều so với kích cỡ thông thường.
“Nhà mình gần như tự cung, tự cấp các loại rau, củ, chỉ mua thêm thịt cá hoặc trái cây. Việc thu hoạch và chế biến thực phẩm ngay từ vườn trước hết là an toàn, sạch, giữ trọn lượng dinh dưỡng, sau đó là thời gian gắn kết gia đình sau giờ làm việc”, chị nói.
Chị Tú Anh có khu vườn trồng nhiều loại cây trái ở thành phố Perth, bang Tây Australia. |
Khu vườn 1.000 m2
Chị Tú Anh sang Australia học thạc sĩ từ năm 2015, sau đó trở về Việt Nam. Năm 2019, chị quay lại xứ sở chuột túi định cư và bắt tay vào làm vườn.
Trên mảnh đất hơn 2.000 m2 của gia đình, vợ chồng chị dành 150 m2 để làm vườn rau, còn lại bố trí sân chơi và khu trồng trái cây lâu năm.
Ban đầu, chị Tú Anh trồng cây nào chết cây đó vì không có kinh nghiệm. Thêm vào đó, đất đai ở Tây Australia khô cằn và nhiều nắng, không thuận lợi cho việc trồng rau, trái.
Rút ra bài học từ thất bại, chị nhận thấy làm đất là khâu quan trọng nhất. Người mẹ trẻ ủ đất với phân cừu, gà hoặc ngựa trong một năm để giàu dinh dưỡng rồi mới trồng trọt. Khi hết vụ rau, chị cho đất nghỉ vài tuần để đảo lại, thêm nền dinh dưỡng rồi tiếp tục gieo trồng.
Các loại rau, củ, quả có kích thước lớn hơn bình thường trong vườn nhà chị Tú Anh. |
Để cây luôn được cung cấp đủ nước, chồng chị làm hệ thống tưới tự động vào 6h và 21h. Về phân bón, chị phát triển 2 nguồn phân xanh từ rác thải nhà bếp (trừ thịt cá và xương) và nuôi trùn.
Với chị Tú Anh, sâu bọ là một phần trong hệ sinh thái của khu vườn. Do đó, chị trồng xen kẽ các loại cây để vừa hạn chế sự phát triển của sâu bọ, vừa tăng năng suất cây trồng. Ví dụ, chị trồng cúc vạn thọ và một số loại cúc trong mỗi luống hay kết hợp trồng rau với húng quế, cây gia vị để xua đuổi côn trùng.
“Làm vườn chỉ vất vả giai đoạn đầu. Khi mọi thứ đã đi vào ổn định, mình chỉ nhổ cỏ, tỉa bón vào cuối tuần. Hàng ngày đến bữa ăn, cần thu hoạch rau củ gì thì ra đào, hái thứ đó”, chị nói.
Hiện, vườn nhà chị Tú Anh trồng nhiều hoa hồng, oải hương, hương thảo; các loại trái cây như mận, nho, dâu, cam, chanh, việt quất, ô liu, xoài; rau, củ gồm súp lơ, bắp cải, cải chíp, cải cầu vồng, cà chua, ớt, khoai tây, củ cải…
“Tất cả giống rau, củ mình gieo đều bình thường, có kích thước ngoại cỡ phần lớn do xen canh, bổ trợ nhau và đủ nước, dinh dưỡng”, người mẹ trẻ cho hay.
Chị Tú Anh trồng xen kẽ các loại cây và hoa cúc trong vườn để hạn chế sâu bọ. |
Dạy con yêu thiên nhiên từ nhỏ
Ở gia đình chị Tú Anh, làm vườn là việc chung của tất cả thành viên. Trong khi chồng đảm nhận các công việc nặng như làm luống, đổ đất, bắt hệ thống nước, chị phụ trách chăm sóc và thu hoạch rau, củ.
Mỗi lần nhà ăn không hết, hai con gái của chị, 2 và 3 tuổi, lại phụ mẹ mang biếu người qua đường hoặc hàng xóm, bạn bè. Khu vườn cũng là nơi vui chơi, nuôi dưỡng tâm hồn các bé.
“Khi không ra ngoài vào cuối tuần, cả gia đình mình quây quần, chia sẻ công việc trong vườn. Các bé nhà mình rất yêu thương động vật, kể cả sâu bọ, bò sát. Trong mắt con, chúng rất dễ thương, mong manh và cần được che chở”, chị nói.
Với chị Tú Anh, việc làm vườn giúp chị cân bằng nhiều trạng thái cảm xúc trong cuộc sống. Khi làm việc căng thẳng, khu vườn là nơi chị được giải tỏa và cung cấp năng lượng tích cực. Người mẹ cũng coi việc trồng trọt là cách thử thách lòng kiên nhẫn.
Hai con gái của chị Tú Anh được cha mẹ hướng dẫn tưới cây, thu hoạch rau, củ trong vườn và mang biếu người qua đường, hàng xóm. |
Tại khu vực chị Tú Anh sinh sống, gần như gia đình nào cũng có vườn. Bởi vậy, hàng xóm thường trao đổi, biếu tặng thực phẩm sạch cho nhau.
“Mình thường đưa rau, củ ra trước ngõ rồi lên đăng tin trên trang cộng đồng quanh nhà để mọi người biết rồi tới lấy. Có hôm sáng bày ra, đến trưa đã gần hết. Sau khi lấy thứ mình cần, có người để lại bịch chanh, người mang theo chậu hoa nhỏ hay để lại lời nhắn cảm ơn. Mình thấy rất ấm lòng”, chị nói.
Ngoài ra, với nguồn thực phẩm ăn không hết, chị Tú Anh thường muối dưa, sấy khô bảo quản, làm tinh dầu, kem dưỡng, xà phòng, trà, son, thuốc từ chính những nguyên liệu có trong vườn. Nhờ đó, chị luôn tìm thấy niềm vui từ việc trồng trọt.