Năm 2012, chị Trần Thị Cẩm Tú (sinh năm 1989, quê gốc Hải Phòng) sang Pháp học cao học. Chị quen chồng, anh Patrick (sinh năm 1988), người gốc Thái Lan, sinh ra tại Pháp. Hai người kết hôn năm 2015, định cư ở Paris.
Khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, chị Tú đang mang thai con đầu lòng ở những tháng cuối thai kỳ. Chị chưa bao giờ nghĩ bạn đời của mình lại nhiễm virus SARS-CoV-2, thậm chí suýt mất mạng.
“Đến giờ nhớ lại vẫn thấy ớn lạnh. Chỉ những người ở gần cửa tử mới thấy nó kinh khủng tới mức nào”, chị Tú nói với Zing.
Vợ chồng chị Tú - anh Patrick đón con đầu lòng vào tháng 4/2020, ngay sau khi anh được chữa khỏi Covid-19. |
Bệnh diễn biến quá nhanh
13/3/2020 là ngày cuối cùng anh Patrick đi làm ở ngân hàng trước lệnh phong tỏa. Đến hôm 16/3, chồng chị bắt đầu ho, mệt và sốt cao 2 ngày sau đó.
“Ông xã tôi bị lây virus ở nơi làm việc. Anh ấy đi làm bằng ôtô riêng, nhưng vì hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều khách nên khó tránh. Từ lúc chồng nhiễm bệnh, mọi diễn biến rất nhanh dù trước đó, anh rất khỏe, không có tiền sử bệnh nền và sinh hoạt lành mạnh, không bia rượu, thuốc lá hay chất kích thích”, chị nói.
Trong vòng 10 ngày, anh Patrick liên tục sốt cao tới 40 độ C, đầu đau như búa bổ. Anh ho nhiều, toàn thân mệt mỏi rã rời, mất khứu giác và vị giác, tiêu chảy, không đứng nổi để tự tắm, không thể cầm thìa ăn cơm, thều thào được vài từ lại đuối sức, hụt hơi vì thiếu oxy.
Chị Tú gọi cấp cứu nhưng phía bệnh viện yêu cầu tự theo dõi và làm theo các hướng dẫn.
Anh Patrick được bác sĩ kiểm tra trước khi đưa đi cấp cứu. |
Theo lời chị, các bệnh viện ở Pháp lúc đó đã quá tải, nhiều người được đưa sang nước bên cạnh như Đức, Luxembourg để nhờ hỗ trợ. Chỉ khi nào bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, đơn vị cấp cứu đặc biệt mới đến để can thiệp.
“Từ lúc có dấu hiệu khó thở đến cửa tử chỉ trong gang tấc”, chị nói.
Mọi chuyện xảy đến đúng vào thời điểm Pháp phong tỏa lần 1, người nhà anh Patrick không thể tới giúp vì không được ra đường.
Một mình chị Tú vác bụng bầu 8 tháng, vừa chăm sóc chồng từ tắm rửa đến đút từng thìa cơm. Thực phẩm, đồ dùng thiết yếu được hàng xóm đi chợ mua giúp và để ở ngoài cửa.
Bản thân chị Tú cũng mất khứu giác, ho khan và sốt 38 độ C. Bác sĩ chẩn đoán chị nhiễm nCoV vì ở chung nhà, hàng ngày tiếp xúc gần với chồng. Tuy nhiên, do điều kiện xét nghiệm khi ấy còn hạn chế, chị Tú không được test. Bác sĩ chỉ kê cho chị thuốc để tự uống ở nhà.
Đến ngày thứ 10, chị Tú gọi cấp cứu vì anh Patrick bắt đầu đau ở phổi và khó thở. Khi đội ngũ y tế khoảng 8-9 người tới, họ yêu cầu chị không ra khỏi phòng.
Trong vòng hơn 2 tiếng, anh Patrick được tiêm, kiểm tra tình trạng sức khỏe. Vài lần, anh hét lên vì đau đớn. Sau đó, anh hôn mê và được bác sĩ đưa đi cấp cứu.
“Lúc nhân viên y tế bọc chồng tôi vào cáng để chở đi, tôi rất hoảng loạn. Tôi không biết anh ấy được chở đi bệnh viện nào. May mà bệnh viện gần nhà còn giường nằm. Ban đầu, một y tá trao đổi tình hình, rồi lúc sau bác sĩ nói chuyện riêng với tôi”, chị kể.
Vượt qua cửa tử
Ban đầu, chị Tú không dám nói chuyện anh Patrick mắc Covid-19 với gia đình ở Việt Nam vì sợ mọi người hoảng loạn. Tuy nhiên, đến khi chồng phải đi cấp cứu, chị buộc phải nói vì “không biết tình hình rồi sẽ thế nào”.
Trong tình trạng nguy kịch, anh Patrick được lập tức đưa vào ICU (khoa chăm sóc đặc biệt), phải thở máy liên tục 3 ngày, sau đó ở viện 1 tuần để hồi sức và theo dõi.
Lúc cấp cứu, bác sĩ thông báo lượng oxy trong máu của anh chỉ còn 94%, trong khi mức bình thường là 99-100% và dưới 97% là nguy hiểm.
Suốt 3 ngày chồng hôn mê, chị Tú như ngồi trên đống lửa. Ngày đầu tiên, vì quá sợ, chị nhờ bạn người Pháp gọi tới bệnh viện hỏi, nhưng họ nói chỉ tiết lộ thông tin với người nhà bệnh nhân.
Hàng ngày, bác sĩ gọi cho chị Tú 2 lần để thông báo tình hình của chồng. Mỗi lần như thế, chị rất sợ, chỉ lo phải nhận về tin xấu.
Khi bệnh viện yêu cầu mang đồ cá nhân của anh Patrick tới, chị chỉ mang đến để ở quầy trực, không được phép lên. Sau 3 ngày, chồng tỉnh lại, chị có thể liên lạc với anh qua điện thoại nhưng chỉ có thể qua tin nhắn.
Trong vòng chưa đầy 3 tuần chống chọi với Covid-19, anh Patrick sút 13 kg, sức khỏe xuống dốc dù trước đó không có bệnh nền. |
May mắn đỡ bệnh, chồng chị Tú được về nhà.
Chi phí điều trị của anh Patrick rơi vào khoảng 10.000 euro, song được bảo hiểm thanh toán 100%. Trong vòng một tuần sau khi xuất viện, anh được y tá đến tận nhà kiểm tra cho đến khi các chỉ số sức khỏe trở về mức an toàn.
Anh Patrick phải nghỉ ngơi ở nhà 2 tháng cho đến khi bác sĩ cho phép mới được đi làm trở lại. Tuy nhiên, anh chỉ có thể làm nửa ngày vì đuối sức.
Vì buộc phải nghỉ do mắc Covid-19, anh được bảo hiểm chi trả toàn bộ lương những ngày không thể có mặt ở cơ quan.
“Nửa năm sau khi khỏi bệnh, chồng tôi mới có thể tạm thời lấy lại sức. Tuy nhiên, hiện tại, anh không làm được việc nặng, tâm lý cũng bị ảnh hưởng nhiều”, chị Tú kể.
Sinh con một mình
Sau khi anh Patrick được ra viện được 1-2 tuần, chị Tú có dấu hiệu trở dạ. Đó là tháng 4/2020, đúng đợt Pháp áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt, chị phải đi sinh một mình.
“Tôi đăng ký sinh ở bệnh viện tư nên dịch vụ rất tốt. Chồng chỉ được chở tôi đến cửa khoa sản rồi bác sĩ đón vào. Do tôi mất sức lúc anh ấy ốm, em bé ra sớm 2 tuần. Trong vòng 3 ngày tôi nằm viện, người nhà không ai được phép vào. Đi sinh em bé một mình có hơi kỳ, nhưng sản phụ nào sinh đợt đó cũng thế cả”, chị nhớ lại.
Sau đợt phong tỏa toàn quốc, quy định phòng chống dịch Covid-19 ở Paris được nới lỏng hơn. Tuy nhiên, trong giờ giới nghiêm sau 18h hàng ngày, mọi người không có nhu cầu cấp thiết phải ở yên trong nhà. Ai ra ngoài cần có giấy xác nhận. Người vi phạm có thể bị phạt từ 135 euro tùy mức độ.
Vợ chồng chị Tú cảm thấy may mắn khi bé Yann, con trai của họ, chào đời khỏe mạnh. |
Hiện tại, theo chị Tú, cuộc sống ở nơi chị cư trú trở lại thời trước dịch khoảng 80%. Các nhà hàng được mở cửa nhưng chỉ phục vụ ngoài trời. Tất cả công việc có thể làm online thì nhân viên bắt buộc phải work from home.
Con trai chị Tú và anh Patrick hiện được hơn một tuổi. Gia đình chưa tiêm vaccine Covid-19, mà dự tính đợi khoảng tháng 7 để đỡ chen chúc.
“Việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn chỉ phần nào giúp hạn chế lây nhiễm virus. Ví như chồng tôi, anh ấy phòng dịch rất cẩn thận nhưng một khi dính phải thì cơ thể phản ứng rất nguy hiểm", chị nói.
"Sự việc ập tới bất ngờ, may mắn cả gia đình đã vượt qua. Hơn bao giờ hết, tôi trân trọng chồng vì đã cố gắng vượt cửa tử, cảm ơn con trai đã ra đời khỏe mạnh. Mong mọi người không chủ quan. Hy vọng dịch bệnh sớm qua nhanh, chúng tôi sẽ đưa con trai về thăm ông bà ở Việt Nam”, chị Tú nói.