Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người thầy của học sinh giỏi toán Ngô Bảo Châu

Thầy Tôn Thân khiêm nhường ở ngôi trường cấp II Trưng Vương (Hà Nội) ngày ấy đã có những học sinh “bay cao, bay xa” như Vũ Đình Hòa, Lê Hồng Vân, Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn...

Thầy Tôn Thân (sau này là Nhà giáo Nhân dân) đã dạy toán cùng lúc với dạy làm người. Tác phẩm Thầy giáo của những học sinh giỏi toán, khi kể về tình thầy trò, đã khắc họa triết lý giáo dục đầy nhân bản mà sau 34 năm cũng không cũ mòn.

Thầy giáo của những học sinh giỏi toán ban đầu là ký sự báo chí nhiều kỳ về một lớp chuyên toán, do tác giả Đỗ Quốc Anh thực hiện vào năm 1981. Sau hơn một phần tư thế kỷ (chính xác là 34 năm), ký sự được tập hợp thành sách, đưa hình tượng thầy Tôn Thân – người thầy có thật trong ký sự đó – trở thành hình tượng văn học.

Đỗ Quốc Anh khắc họa chân dung của một người thầy trẻ trung, đầy nhiệt huyết qua những câu chuyện nhỏ. Ký sự mở đầu khi các học sinh cũ đến thăm thầy Tôn Thân dịp thầy tròn 20 năm tuổi nghề, 12 năm dạy chuyên toán. Cuộc trò chuyện giữa thầy và các học sinh (trong đó có PGS Vũ Đình Hòa) vô tình tạo ra sợi dây kết nối các thế hệ.

Nhiều học trò của “Thầy giáo của những học sinh giỏi toán” về sau cũng trở thành thầy giáo của những học sinh giỏi toán khác.

Sau đó, thầy Tôn Thân tiết lộ “hồ sơ” bài tập, trong đó thầy lưu lại những bài giải toán của học trò các khóa. Tập hồ sơ như một cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở đó không chỉ là những bài giải toán mà là cái tên, gương mặt và số phận những người học trò trong ký ức của người thầy.

Đó là tập hồ sơ không có trang cuối, được ghi chép cẩn thận bởi người thầy luôn háo hức với sự sáng tạo của học trò, vì mỗi lần một em có cách giải hay thì lại một em khác có cách giải hay hơn.

Không chỉ trong các trang toán, thầy còn đồng hành với học sinh trước những quyết định lớn trong đời: Theo đuổi hay không theo đuổi toán học, chọn ngành khác phù hợp với tiềm năng của bản thân. Vẻ đẹp của nghề giáo, đó là điều nổi bật trong cuốn sách này.

GS Ngô Bảo Châu theo học thầy Thân sau khi loạt ký sự được thực hiện, cũng là khóa cuối cùng của thầy ở trường Trưng Vương. Sau này, khi bản thân cũng trở thành thầy giáo, GS Châu học tập nhiều thứ từ người thầy: Không bao giờ đến trễ, trang phục luôn chỉnh tề, giảng bài trong sáng và dễ hiểu, động viên và phê bình học trò đúng lúc, công bằng.

“Tôi tin rằng giữ gìn ký ức chân thực về những gì đẹp đẽ nhất của một thời đã qua là việc không thể không làm nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày hôm nay tốt đẹp và nhân văn hơn” – GS chia sẻ cuối cuốn sách.

TS Lê Hồng Vân, một trong những học trò thành công của thầy Tôn Thân, nhắc đến sự gắn kết kỳ lạ của các thế hệ học trò có chung một người thầy tốt.

“Từ lớp đầu (lớp của chị Hà, chị Cẩm, anh Hòa, anh Minh đến lớp cuối cùng (lớp của vợ chồng Ngô Bảo Châu) đều cảm thấy có sự gắn bó đặc biệt với nhau, chỉ vì chúng tôi đều là học sinh của thầy Thân”.

Thầy giáo của những học sinh giỏi toán của Đỗ Quốc Anh in chung trong cuốn Cuốn sách hay nhất về tình thầy trò của First News, cùng vớiMái trường thân yêu của Lê Khắc Hoan.

Thầy của GS Ngô Bảo Châu và tấm huy chương đầu tiên

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa - một trong những người đoạt huy chương toán quốc tế đầu tiên - chia sẻ, Ngô Bảo Châu là cậu học trò luôn kiên trì giải những bài toán khó.



http://www.thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-thay-cua-hoc-sinh-gioi-toan-ngo-bao-chau-n20151213064032201.htm

Theo Hạ Huyền/Thể Thao & Văn Hóa

Bạn có thể quan tâm