Luôn có những bài toán không tìm được lời giải
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa mở đầu câu chuyện bằng trích dẫn từ những bức ảnh đen trắng úa màu thời gian: “Tôi ra đời trong đêm đông Hà Nội 11/1955. Mẹ bế tôi về nhà, lúc đó ở 53 phố Huế. Tôi lớn lên trong vòng tay của mẹ và trong vòng tay của anh chị em. Rồi biết ngồi, biết đi, biết đánh ruồi, phủi bụi, biết làm toán, trồng hoa”.
Toán đến với cậu bé Vũ Đình Hòa tự nhiên, thân quen như người bạn thời thơ ấu. Bài toán đầu tiên là câu đố của cha: “Vừa gà vừa chó/Bó lại cho tròn/Ba mươi sáu con/Một trăm chân chẵn/Hỏi mấy gà, mấy chó?”.
Khi ấy, Vũ Đình Hòa học lớp 1, đã kiên trì tìm đáp án cho bài toán này, chứ không chịu bó tay. Cuốn Toán học vui của tác giả Phạm Văn Hoàn, Lê Hải Châu là sách gối đầu giường của cậu suốt những năm nghèo khó.
Cuối lớp một, Vũ Đình Hòa được thầy giáo phát hiện bị cận thị nhưng nhà nghèo, đến năm lớp bảy mới có kính đeo. Lúc ấy, cậu đã cận nặng 8 đi-ốp.
Thầy Vũ Đình Hòa. Tranh vẽ: Quang Tân. |
Vũ Đình Hòa coi việc đeo kính là điềm báo cuộc đời mình sẽ gắn liền việc học. Lên lớp 6, nam sinh thi đỗ chuyên Toán, cũng là trường năng khiếu đầu tiên của Hà Nội, rồi tham gia đội tuyển thành phố năm lớp 7. Đây là bước ngoặt giúp cậu học sinh nghèo theo con đường toán chuyên nghiệp.
Năm 1974, Vũ Đình Hòa dự thi toán quốc tế tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Gần ngày thi, cậu học trò ốm do chứng viêm xoang tái phát, cộng thêm suy nhược cơ thể và cú sốc sau khi nhận tin anh trai Vũ Đình Đức hy sinh ở chiến trường. Đã có lúc tưởng như tuyệt vọng, nhưng nghĩ đến ước mơ theo đuổi toán học, chàng trai Hà Nội vượt qua kỳ thi với tấm huy chương bạc đầu tiên của Việt Nam.
Một năm sau, Vũ Đình Hòa sang Đức học Đại học Tổng hợp Greifswaid. Ra trường, ông làm việc tại Viện Tính toán và Điều khiển (1985)… Từ đó đến nay, ông miệt mài nghiên cứu toán, nhiều năm đưa học sinh Việt Nam thi Olympic toán quốc tế. Vị PGS này đã hoàn thành hàng chục bài báo nghiên cứu khoa học, giải quyết nhiều vấn đề mở trong toán học mà các chuyên gia quốc tế bó tay.
Tuy vậy, thầy Hòa chia sẻ, luôn có những bài toán chưa tìm ra đáp số. Ông ví kiến thức như một vòng tròn, khi càng biết nhiều thì biên giới những điều mới mẻ càng mở rộng.
> Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 |
Thầy của GS Ngô Bảo Châu
Thầy Vũ Đình Hòa công tác tại Đại học Sư phạm Hà Nội, tham gia lựa chọn và bồi dưỡng học
trò thi Olympic toán quốc tế. Một trong những học sinh tiêu
biểu của ông là GS Ngô Bảo Châu, người giành giải thưởng Fields danh giá nhất về toán học.
Nhận lời mời từ bố mẹ Ngô Bảo Châu, thầy Vũ Đình Hòa dạy cậu học trò từ năm lớp 10 đến hết lớp 12. Điều ấn tượng nhất của người thầy với cậu học trò, ngoài năng lực đặc biệt, là sự kiên trì với những bài toán khó. Những bài tập hóc búa do thầy Hòa nghĩ ra hoặc tổng hợp từ nhiều mỏ nghiên cứu khác, Ngô Bảo Châu đều bền bỉ tìm ra đáp án.
"Chưa có học trò nào tạo cho tôi niềm tin như Ngô Bảo Châu về cách giải toán. Có lần, bài toán khó làm hai thầy trò suy nghĩ cả tuần. Cuối cùng, trong lúc đi học về, Châu nói với tôi rằng: Đề bài thầy giáo ra sai", thầy Hòa kể lại. Ông cũng dự đoán Ngô Bảo Châu sẽ thành tài trong tương lai, dù khi ấy nam sinh này mới học cấp ba.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa (bên phải) và GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Hoàng Vinh. |
Người đầu tiên đoạt huy chương bạc toán quốc tế nhớ lại, ông chỉ dạy phương pháp cơ bản nhất cho học trò là khơi dậy khả năng tự làm việc. "Điều may mắn nhất của Ngô Bảo Châu là luôn gặp được những người thầy giỏi và trưởng thành trong môi trường hàng đầu thế giới như Pháp".
Chưa từng nghĩ sẽ xa Việt Nam
Năm 1996, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học, thầy Hòa có nhiều cơ hội làm việc tại nước bạn. Nhưng ông bảo, “ngày đi học, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ ở lại nước ngoài làm việc, dù người Đức rất tốt, chơi với ai sẽ bền chặt, gắn kết cả cuộc đời".
Trở về Việt Nam vào thời điểm nền kinh tế “chạm đáy”, cũng là lúc thầy Hòa biết mình bị cắt biên chế từ năm 1990. Lý do người ta nói với ông là Viện Tính toán và Điều khiển (nơi công tác cũ) đã đổi tên thành Viện Công nghệ Thông tin, không có tên Vũ Đình Hòa.
Không nhận lương suốt 7 năm, đã có lúc tưởng như tuyệt vọng, nhưng khi nhìn lại, ông chưa bao giờ hối hận vì đã trở về. Đến giờ, người thầy ấy vẫn nghĩ gắn bó với giáo dục nước nhà là quyết định sáng suốt.
Thầy Vũ Đình Hòa luôn nghĩ cả cuộc đời mình sẽ gắn bó cho nền giáo dục nước nhà. Ảnh: Quyên Quyên. |
Nói về giáo dục, ông chia sẻ, những đánh giá của các tổ chức, kỳ thi quốc tế chỉ phản ánh phần nào năng lực khoa học và toán học của đất nước và con người. Ví dụ như Israel, kết quả thi toán quốc tế của họ khá khiêm tốn. Thành tích tốt nhất còn kém thành tích kém nhất của đội tuyển Việt Nam. Nhưng họ có rất nhiều giải thưởng Fields và Nobel. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có một giải thưởng Fields và chưa ai được giải thưởng Nobel danh giá.
Thầy giáo gắn bó với những học sinh thi quốc tế cho rằng, thế giới vẫn đánh giá công trình toán học qua việc có giải quyết vấn đề toán học thật sự nào không, nhưng ở Việt Nam, người ta chỉ đánh giá công trình toán học qua tạp chí đăng bài báo đó. Những điều ấy cho thấy chúng ta cần điều chỉnh thước đo hướng tới thật sự của khoa học, chứ không thể dừng bước ở những hình thức như vậy.
Việt Nam bắt đầu tham gia kỳ thi toán quốc tế từ năm 1974. Bấy giờ, Hoàng Lê Minh đoạt huy chương vàng, Vũ Đình Hòa giành huy chương bạc và hai huy chương đồng thuộc về Tạ Hồng Quảng và Đặng Hoàng Trung. Đây cũng là những người đoạt huy chương đầu tiên về toán học trên trường quốc tế.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa là một trong số những nhà khoa học đóng góp phát triển lý thuyết, đặt nền móng cho ngành Công nghệ thông tin phát triển.
Trong nhiều năm liền, thầy là trưởng đoàn dẫn đội tuyển toán Việt Nam dự thi Olympic quốc tế. Trong đó, năm 2012, PGS giúp 6 học sinh dự thi đều đoạt giải, đưa đoàn Việt Nam trở lại vị trí top 10 thế giới sau nhiều năm.
Ông là giám đốc của Trung tâm FYT (Trung tâm Bồi dưỡng Tài năng trẻ FPT). Đây được coi là ngôi nhà chung cho tài năng trẻ của ngành Công nghệ thông tin.