Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người thầy đặc biệt của nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam

Trong hành trình trưởng thành, chị Hà cảm thấy mình rất may mắn khi được nhiều người thầy dìu dắt. Và người thầy đầu tiên chính là mẹ.

Những ngày cuối năm, chị Nguyễn Thị Thanh Hà (sinh năm 1986, quê Phú Thọ), nữ giảng viên trẻ của Viện Vật lý Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội đang bận rộn với các dự án nghiên cứu, giảng dạy. Dù vậy, chị vẫn tranh thủ thời gian mỗi tuần một lần ghé về thăm nhà.

nu pho giao su tre nhat anh 1

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (sinh năm 1986, quê Phú Thọ), nữ giảng viên của Viện Vật lý Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội.

“Người thầy chính là mẹ”

10 năm trước, trong ngày bảo vệ luận văn thạc sĩ, chị Hà nhận được tin mẹ ốm. Nghĩ giống như mọi lần, chị dự định hoàn thành buổi bảo vệ rồi sẽ trở về nhà ngay.

Nhưng khi buổi bảo vệ sắp bắt đầu, chị nhận được cuộc điện thoại từ người bạn thân. Đầu dây bên kia hỏi về tin dữ. Nóng ruột, chị vội gọi điện về nhà. Người bố ngập ngừng báo tin mẹ đã mất. Bỏ dở buổi bảo vệ, chị lập tức bắt xe về nhà.

“Khi ấy, mẹ cũng đã nhập quan. Tôi chẳng thể nhìn mặt mẹ lần cuối cùng”.

Khoảnh khắc ấy luôn khiến chị cảm thấy day dứt. Vì vậy về sau, dù có cơ hội được học tập ở nước ngoài, chị vẫn quyết định chọn ở lại Việt Nam.

“Tôi sợ rằng sau này, có những lúc người thân khó khăn nhất, mình lại chẳng thể ở bên. Hơn nữa, điều kiện học tập trong nước cũng khá thuận lợi”, chị nói.

Sau buổi bảo vệ lỡ dở, chị được nhà trường sắp xếp cho bảo vệ vào một tuần sau đó. Kết quả, chị đạt được điểm tối đa từ phía hội đồng.

“Đó có lẽ là điều duy nhất mà tôi còn có thể làm cho mẹ khi mẹ đã ra đi”.

Với chị Hà, mẹ vẫn là người có ảnh hưởng nhất tới mình.

“Mẹ tôi là giáo viên dạy Văn cấp 2. Có lẽ vì thế, bà khá nghiêm khắc trong việc dạy con cái. Từ nhỏ, bà đã dạy con phải viết chữ thật chỉn chu lên bảng. Mọi người thường bảo, chữ đẹp thế này, sau làm giáo viên cũng được. Có lẽ đó là một lời động viên con nít, nhưng tôi đã rất vui”.

Sau này, khi lên cấp 2, Hà cũng được học các giờ Văn của mẹ. Là con giáo viên, cô luôn phải nỗ lực nhiều hơn các bạn. Thậm chí, trong tiết học của mẹ, Hà càng phải nghiêm túc hơn.

“Mẹ tôi không bao giờ có bất kỳ sự ưu ái nào cho con, thậm chí sẵn sàng cho điểm thấp nếu tôi không cố gắng. Ngoài giờ tới trường, tôi cũng không bao giờ được đi chơi tối. Nếu có buổi sinh nhật với bạn bè, tôi đều phải về trước 9 giờ”.

Dù vậy, chị vẫn biết ơn bà vì sự nghiêm khắc này. “Những điều đó đã rèn cho tôi sự nề nếp, chỉn chu và kỷ luật. Sau này tôi mới thấy, điều đó thật cần thiết cho con đường làm nghiên cứu khoa học”.

nu pho giao su tre nhat anh 2

Chị Hà cùng bố và anh trai trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ.

Trở thành nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2020

Năm 2004, Thanh Hà thi đỗ vào ngành Sư phạm Vật lý, khoa Sư phạm (nay là ĐH Giáo dục), ĐH Quốc gia Hà Nội.

4 năm sau, chị ra trường, chuyển tiếp lên học bậc thạc sĩ rồi về công tác tại Viện Vật lý Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội.

“Mọi thứ diễn ra trôi chảy giống như một cái duyên. Tôi đã gặp được những người thầy tốt và được chỉ lối, dẫn đường”.

Năm đầu đi dạy, nữ giảng viên trẻ bất ngờ khi có những học trò hơn mình tới 2 tuổi.

“Dù vậy, tôi luôn quan niệm không phải mình đang đi dạy mà là đang chia sẻ những thứ mình có. Sinh viên Bách khoa rất giỏi và thông minh; cùng dạy và học sẽ giúp tôi dần hoàn thiện bản thân hơn”.

Trước khi bắt đầu môn học, chị cũng đưa ra các thang điểm, tiêu chí đánh giá rõ ràng, không có bất kỳ sự phân biệt hay ưu ái nào.

“Tôi luôn muốn sinh viên được đối xử công bằng. Ba-rem điểm đã có sẵn, nếu đạt được yêu cầu và thấy xứng đáng, tôi sẵn sàng cho điểm 10”, nữ giảng viên Bách khoa nói.

Ngoài giảng dạy, chị Hà dành phần nhiều thời gian cho việc nghiên cứu. Đến nay, nữ giảng viên trẻ đã công bố 28 bài báo khoa học, trong đó có 16 bài được đăng trên tạp chí quốc tế ISI.

Hướng nghiên cứu của chị chủ yếu mô phỏng các tính chất của vật liệu dựa trên cơ sở các cấu trúc nguyên tử. Đối tượng nghiên cứu tập trung chủ yếu vào các vật liệu oxit và oxit nhiều thành phần. Đây là các loại vật liệu có rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ cao như gạch chịu lửa, vật liệu sinh học, xử lý chất thải hạt nhân,...

Các kết quả được công bố trên một số tạp chí như: European physical Journal, Journal of Non-Crystalline Solids; Materials Chemistry and Physics…

nu pho giao su tre nhat anh 3

Thi thoảng, chị Hà cũng cùng bạn bè đi đâu đó để hưởng thụ cuộc sống độc thân.

Chị cho rằng, bản thân đến với khoa học là một cơ duyên và sự may mắn. Trên suốt chặng đường nghiên cứu, chị luôn được đồng hành cũng những người thầy, đồng nghiệp có chuyên môn và có cùng niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Gia đình cũng là một nguồn động lực để chị có thể yên tâm với công việc mà mình đã lựa chọn.

“Không có đề tài nghiên cứu nào chỉ do một người làm cả. Các nghiên cứu của tôi luôn có sự đồng hành của tập thể. Và tôi luôn cảm thấy bản thân rất may mắn vì điều đó”.

Với những nỗ lực ấy, vừa qua, nữ giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội đã được công nhận đạt chuẩn phó giáo sư. Chị Hà đồng thời cũng là nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2020.

Nhận được tin vui, người đầu tiên chị Hà nhớ tới là mẹ. “Trước đây, ngày tôi đỗ đại học, mẹ là người vui nhất. Nhưng ngày tôi đạt được những điều mẹ vẫn mơ ước thì mẹ không còn nữa. Tôi luôn biết ơn những người thầy tốt mà tôi đã gặp trong đời, trong đó, người thầy đầu tiên là mẹ”.

ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dự kiến mở ngành Luật và Truyền thông

Thông tin ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM sẽ mở ngành Luật và Truyền thông gây bất ngờ bởi đây là trường có thế mạnh đào tạo các ngành kỹ thuật.

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/cu-soc-trong-nga-y-ba-o-ve-tha-c-si-cu-a-nu-pho-gia-o-su-tre-nha-t-vie-t-nam-700871.html?fbclid=IwAR1vx3T1fpyoRBljQ3BYAkTW5UBeAIAkmY8_AGnOmgJBwUBIcBm6tuYpiyU

Thúy Nga/ Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm