Hiện ảnh chụp màn hình dòng bình luận của các bạn trẻ Việt trên một tài khoản Facebook tiếng Ả Rập có tên Timur Zhunuso - tự xưng là thành viên của tổ chức IS và thực hiện vụ khủng bố hôm 13/11 tại Pháp - được lan truyền rộng rãi.
Mặc dù chưa có xác thực thông tin tài khoản lạ trên, hàng nghìn dân mạng Việt vẫn vào nặng lời, thậm chí còn viết những dòng khiêu khích, thách thức IS sang Việt Nam tấn công.
Nhiều bạn trẻ Việt liên tục vào bình luận trong tài khoản Facebook mang tên Timur Zhunuso. |
|
Dịp thể hiện của anh hùng bàn phím
Điều khiến mọi người chú ý hơn hết là phần lớn các hình ảnh, trạng thái của tài khoản tiếng Ả Rập này đều chỉ có người Việt vào tương tác.
"Thách chúng bay đến Việt Nam", "Welcome to Viet Nam", "Có giỏi qua gặp bố này"... là một vài trong số các bình luận của dân mạng.
Sự việc nhanh chóng khiến mọi người hoang mang. Không ít ý kiến cho rằng, dù đây có là thành viên khủng bố IS thật hay không, chúng ta cũng nên dừng bôi nhọ, khiêu khích và viết những dòng phản cảm này.
"Tại sao các bạn lại mang danh dự đất nước Việt Nam ra thể hiện? Cảm thấy như thế là tự hào lắm sao? Thiếu hiểu biết còn tỏ ra nguy hiểm" - bạn Nguyễn Minh Hằng chia sẻ.
Thành viên James Apollo cũng lên tiếng chỉ trích ý thức của một bộ phận giới trẻ: "Người Việt Nam chúng tôi" - bạn có tư cách gì nói câu đó. Ông cha ta phải hy sinh biết bao xương máu để có thể chiến thắng quân xâm lược. Còn hiện tại, một phần thế hệ trẻ ngày nay lại chỉ biết ngồi gõ bàn phím. Đừng gây hấn, không thảm kịch sẽ đến đấy".
Hiện trên Facebook có hàng loạt fanpage mang tên Timur Zhunuso, tự xưng là thành viên IS. Không ít trang đã bị khóa sau khi đăng tải các hình ảnh chết chóc, bị dân mạng chỉ trích. Ảnh chụp màn hình. |
Hiện tại, khi tìm kiếm tên Timur Zhunuso, Facebook cho ra hàng chục kết quả. Một số người đã lợi dụng sự quan tâm của dư luận để tạo ra nhiều tài khoản khác và đăng tải các thông tin như "RIP Vietnam", "IS sắp qua Việt Nam"... Khi có ý kiến tỏ ra không đồng tình, lên án, chủ những tài khoản này vô tư trả lời lại rằng "giỡn vui tí mà làm khó nhau"...
Theo anh N.T.D - quản trị diễn đàn có gần một triệu thành viên, sự việc trên không nằm ngoài khả năng muốn câu like (thích), thu hút sự chú ý... của một số đối tượng xấu, sống ảo.
Anh D. cho biết: "Chúng tôi xác nhận thấy những tài khoản tự xưng là thành viên IS đều giả mạo và do chính người Việt lập ra. Một trong số đó đã lên tiếng thừa nhận và nhanh chóng xóa fanpage do sợ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra".
"Hết nói nổi"
Đó là chia sẻ từ vlogger Phở Đặc Biệt (Tô Bửu Phát, sinh năm 1991) khi nói về tình trạng sống ảo và thích thể hiện của một bộ phận giới trẻ Việt.
Theo Phở, những việc xảy ra gần đây trên cộng đồng mạng là do một số người không ý thức được những hệ quả và trò đùa vô ý mình tạo ra.
"Cái gì họ cũng phán xét. Đến ảnh đại diện thêm màu cờ nước Pháp để tưởng nhớ các nạn nhân bị khủng bố ở Paris, họ cũng nói này nói kia. Thậm chí, họ còn có thể giả mạo Facebook thành viên IS. Thế mà mọi người vẫn vào bình luận, tung hô nhau, thật hết nói nổi" - chàng vlogger bày tỏ.
Thực trạng hay phán xét người khác, cái tôi quá cao, hùa theo số đông... là những đức tính xấu mà theo Phở Đặc Biệt còn tồn tại ở các bạn trẻ dùng mạng xã hội.
Blogger Nguyễn Ngọc Long cũng nhận định, việc Facebook có chế độ ẩn danh, tự do làm điều mình thích, không có rào cản đã khiến nhiều "anh hùng bàn phím" làm liều, bình luận thiếu suy nghĩ.
Anh Long chia sẻ, khoảng cách từ hành động trên mạng ảo tới ngoài đời thật là rất xa. Tuy nhiên, không phủ nhận được sự dễ dãi trên mạng sẽ gây ra rất nhiều hậu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội bên ngoài. Hằn thù, chém giết, lừa đảo... - không ít tệ nạn có nguồn gốc từ việc coi thường hành vi ảo của bản thân.
Nam blogger cho biết thêm, đặt trường hợp tài khoản đó thực sự là khủng bố, việc xúc phạm hay thách đố như vậy không hề giải quyết được vấn đề.
"Nếu là người có văn hóa, bạn hãy lập tức gửi thông báo đến Facebook, chắc chắn họ sẽ đóng tài khoản này để tránh các hậu quả khôn lường. Đừng dùng những cách thức vô văn hoá để nhân danh một hành động nào đó bạn cho là tốt đẹp" - anh nói.
Thiếu hiểu biết và tôn trọng tín ngưỡng
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa tâm lý học, Đại học Sư phạm TP HCM - cho biết, một số bạn trẻ đã có suy nghĩ rất cá nhân khi sử dụng mạng xã hội và Internet, thể hiện rõ qua những hành vi thiếu cân nhắc, nếu như không nói rằng có phần ngây ngô.
"Chẳng ai khù khờ đến mức nhảy vào ổ kiến hay rừng gươm và hỏi tại sao kiến đi đốt người khác, gươm làm đối phương tổn thương?" - ông chia sẻ.
Theo PGS, việc đáng buồn trong hành vi trên là có cả người viết tiếng Việt và tiếng Anh cùng tham gia. Bên cạnh đó, không ít cá nhân có ý giả mạo để tạo dư luận, cho thấy sự thiếu tương xứng giữa suy nghĩ và hành vi, giữa bản lĩnh đích thực và sự ngông cuồng.
"Các bạn không nên biện minh đó chỉ là việc nhỏ, có mang ra trêu đùa cũng không ai hay" - ông nói.
Trước những hệ lụy của mạng xã hội, PGS. TS Sơn cho rằng, đừng quá vô tư hay ảo tưởng về hành vi của mình, cũng đừng hành động chủ quan để mang đến những nỗi đau không đáng có.
Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia, tiến sĩ tâm lý - Nguyễn Thị Thu Hương - chia sẻ, việc giả mạo tôn giáo, chính trị... là hành vi thiếu hiểu biết và vô văn hóa. Cho dù các fanpage đó chỉ tồn tại ở cộng đồng mạng Việt Nam, song đối với thế giới phẳng, tất cả thông tin hoàn toàn có thể được chia sẻ ra toàn cầu.
Đối với mỗi quốc gia, tôn giáo và Thánh được người dân tôn thờ, coi trọng. Việc ai đó đụng chạm đến tín ngưỡng của họ hay mang ra đùa cợt được xem là xúc phạm. Lâu dần, sự ức chế sẽ biến thành bạo lực, khủng bố, chiến tranh...
"Tôi hoàn toàn không đồng tình với việc giới trẻ, dân mạng Việt mang chuyện đang căng thẳng trên thế giới ra làm trò đùa, khiêu khích nhau. Dù ở khía cạnh thật hay giả cũng nên dập tắt ngay và xem đó như bài học kinh nghiệm" - TS Hương nói.
Theo tiến sĩ tâm lý Thu Hương, các bình luận khiếm nhã, lăng mạ... cũng là hành vi không thể chấp nhận được. Tiếng Việt ta vốn rất đẹp, đầy đủ, phong phú... tại sao chúng ta lại mang những câu nói vô dụng để giao tiếp với nhau?
Là người cũng sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, cập nhật thông tin với hơn 4.000 bạn bè, TS Hương cho hay, khi thấy ai đó đăng những câu nói dung tục, chị sẽ chặn và hủy kết bạn ngay, không cần nói lý do.
"Khủng bố là việc cả thế giới lên án và phòng chống, chúng ta không nên cố níu kéo nó đến với quốc gia mình. Đó là hành động ngông cuồng và thiếu hiểu biết" - TS Hương nhấn mạnh.