Trong thời gian chống dịch, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn nêu rõ các khái niệm về ca nhiễm trong cộng đồng, những trường hợp tiếp xúc. Theo đó, việc truy vết, xử trí tiếp xúc chỉ dừng ở F1, F2. Với những trường hợp tiếp xúc khác, Bộ Y tế cũng nêu rõ hoàn cảnh và hướng dẫn về cách xử lý, qua đó, người dân có thể nắm chắc, tránh tâm lý hoang mang không cần thiết.
Các trường hợp F3, F4... do người dân tự xếp hạng nằm trong danh mục liên quan F0 của Bộ Y tế có thể liên hệ đội ngũ y tế tại địa phương để được hướng dẫn. Ảnh: Phạm Thắng. |
Cụ thể, Quyết định số 3468/QĐ-BYT của Bộ Y tế Về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19" quy định:
Các ca bệnh xác định (F0): Là ca bệnh nghi ngờ hoặc người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- Cách ly nghiêm ngặt và điều trị tại cơ sở y tế, giảm tối đa biến chứng, tử vong.
- Hạn chế chuyển tuyến bệnh nhân nhằm tránh lây lan trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị.
- Điều trị và cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Người tiếp xúc vòng 1 với ca bệnh xác định (F1): Người tiếp xúc dưới 2 m với ca bệnh xác định hoặc ca nghi ngờ trong khoảng thời gian 3 ngày trước khi khởi phát.
- Tổ chức điều tra và truy vết nhanh các trường hợp này ngay khi nhận được thông tin về ca bệnh.
- Cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung trong 14 ngày từ thời điểm tiếp xúc lần cuối với F0.
- Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp rRT-PCR tối thiểu 2 lần trong quá trình cách ly.
- Lấy mẫu lần 1 ngay khi được cách ly. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, F1 được xử lý như F0. Nếu âm tính, F1 được tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe hàng ngày tại cơ sở cách ly tập trung. Trong quá trình theo dõi, nếu F1 xuất hiện triệu chứng nghi ngờ sẽ tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm.
- Lấy mẫu lần 2 ngày kết thúc cách ly. Nết kết quả dương tính, F1 được xử lý như F0. Nếu âm tính, F1 được kết thúc việc cách ly.
Người tiếp xúc vòng 2 (F2):
- Cách ly tại nhà
- Được hướng dẫn tự phòng bệnh và theo dõi sức khỏe trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm của F1.
+ Nếu kết quả xét nghiệm của F1 dương tính với SARS-CoV-2, F2 được nhanh chóng chuyển hình thức cách ly thành F1
+ Nếu âm tính, F2 có thể kết thúc việc cách ly tại nhà.
Ngoài các trường hợp trên, Bộ Y tế có quy định về phương pháp xử lý y tế với những người liên quan F0 trong những tình huống khác như cùng có mặt ở các sự kiện lớn tập trung đông người hay trên một phương tiện giao thông...
Lúc này, cơ quan y tế sẽ thông báo lại cho người dân bằng nhiều phương pháp như điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác. Những người có liên quan lúc này sẽ biết để chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương, qua đó được hướng dẫn khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, đồng thời thông báo với cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.
Như vậy, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân cần chủ động nắm bắt thông tin, tránh hoang mang không cần thiết. Khi nhận được thông tin từ đội ngũ truy vết và xác định bản thân liên quan ca bệnh, mọi người có thể liên hệ ngay tới cơ quan y tế tại địa phương mình sinh sống hoặc đường dây nóng của Bộ Y tế (1900.9095) để nhận hướng dẫn.
Ngoài ra, mọi người vẫn phải tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh. Cụ thể, không tụ tập đông người, thực hiện biện pháp 5K, trong đó, đặc biệt chú ý đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất đầy đủ về biện pháp phòng bệnh trong những môi trường đông người như khi tham gia giao thông, cuộc họp, trường học, siêu thị, tại nhà máy, nhà hàng ăn uống…
Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 470 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 12 tỉnh, thành gồm: Hải Dương (321 bệnh nhân), Quảng Ninh (53), Hà Nội (26), Gia Lai (21), Bình Dương (6), Bắc Ninh (4), Điện Biên (3) Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP.HCM (31), Bắc Giang (1), Hà Giang (1).
TP.HCM trở thành điểm nóng mới với hàng loạt ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Chỉ sau 2 ngày, số ca nhiễm trong cộng đồng vượt 30 người, lan rộng 7 quận, huyện.