Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Việc cấp bách TP.HCM cần làm để khống chế dịch Covid-19

Ông Trần Đắc Phu đánh giá dịch Covid-19 tại TP.HCM đang rất phức tạp. Xét nghiệm, truy vết và giãn cách là những giải pháp cần đặt ra nhưng phải được tính toán hợp lý.

Trả lời Zing, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, đánh giá: "Đến thời điểm hiện tại, đây không phải đợt dịch lớn nhất tại TP.HCM nhưng có thể khẳng định là phức tạp nhất".

Mở rộng xét nghiệm

- Tại sao ông lại có đánh giá như vậy?

- Dịch ở TP.HCM đang rất phức tạp bởi vì SARS-CoV-2 đã lây lan trong cộng đồng với nhiều ca mắc. Hai ngày gần đây, thành phố có thêm gần 30 ca. Đặc biệt, trong đợt này, TP.HCM ghi nhận tình trạng một số trường hợp F1 không phát hiện dương tính nhưng lại xuất hiện F2 dương tính. Điều này chứng tỏ virus đã âm thầm lây lan trong khoảng thời gian từ lâu rồi.

Ngoài ra, các ca nhiễm đều được phát hiện ở sân bay và những địa điểm mật độ dân cư đông, giao lưu, đi lại nhiều. Đây cũng là yếu tố khiến dịch phức tạp hơn.

Dich Covid-19 tai TP.HCM anh 1

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Đình Nam.

- Theo ông, biện pháp cấp bách TP.HCM phải tiến hành trong thời điểm này?

- Ổ dịch ở TP.HCM khả năng sẽ có thể thêm những ca mới lây lan đáng lo ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không thể dự đoán trước. Vì vậy, xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng và truy vết là điều phải thực hiện ngay.

Trong đó, TP.HCM phải xét nghiệm quyết liệt ở những điểm truy vết nhằm phát hiện khu vực nguy cơ, phục vụ cho việc phong tỏa, tránh lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, cơ quan y tế cần mở rộng xét nghiệm để tìm những điểm có nguy cơ khác.

Ví dụ, vừa qua, chúng ta chọn sân bay để xét nghiệm tầm soát nên mới phát hiện được ổ dịch này và có biện pháp kịp thời.

Tôi nhấn mạnh không phải mở rộng xét nghiệm là thực hiện tràn lan mà phải tính toán, có chỉ định, chọn điểm một cách thông minh. Việc xét nghiệm tầm soát tràn lan không đánh giá được đúng nguy cơ mà gây tốn kém nguồn lực.

Tôi nhấn mạnh không phải mở rộng xét nghiệm là thực hiện tràn lan mà phải tính toán, có chỉ định, chọn điểm một cách thông minh.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Hiện chúng ta có phương pháp xét nghiệm gộp mẫu rất hiệu quả. Không chỉ tiết kiệm mẫu, chi phí, thời gian, nó còn giúp tăng năng suất xét nghiệm.

Bên cạnh đó, thành phố cần thực hiện các biện pháp giãn cách, phong tỏa hợp lý. Giãn cách và phong tỏa như thế nào là do UBND thành phố cũng như các quận, huyện quy định, đánh giá nguy cơ để thực hiện.

Tuy nhiên, cần thực hiện hợp lý để phòng chống dịch bệnh, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân, an sinh xã hội. Việc thực hiện giãn cách, phong tỏa chắc chắn gây ảnh hưởng cho người dân nhưng vì phòng, chống dịch bệnh chúng ta phải làm. Bởi nếu dịch bùng phát như các nước trên thế giới tổn hại sẽ rất nhiều.

- Những người bị ho, đau họng thông thường có bắt buộc phải xét nghiệm?

- Hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu tất cả trường hợp ho, sốt phải khai báo y tế. Nhân viên y tế xem xét nếu có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 sẽ lấy mẫu xét nghiệm. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất cần thiết và nhân văn. Nếu có kết quả âm tính, người bệnh cũng yên tâm hơn. Trong tình huống xấu nhất, nếu bị lây nhiễm bệnh, cơ quan chức năng cũng nhanh chóng giúp bạn hạn chế lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.

Dich Covid-19 tai TP.HCM anh 2

Ổ dịch mới ở TP.HCM được đánh giá rất phức tạp. Ảnh: Duy Hiệu.

"Nhiều người dân còn chủ quan"

- So với ổ dịch vừa xảy ra ở Hải Dương, Quảng Ninh, mức độ nguy hiểm của ổ dịch tại TP.HCM có cao hơn không?

- Điều này không thể so sánh được. Tuy nhiên, trong đợt dịch này, TP.HCM chưa tìm ra nguồn lây, khác với Hải Dương khi địa phương này đã sớm khoanh được vùng dịch là Công ty TNHH POYUN, nhanh chóng phong tỏa TP Chí Linh. Ở Quảng Ninh, ổ dịch là sân bay Vân Đồn. Việc khoanh trúng ổ dịch rất quan trọng, từ đó dễ ngăn chặn nguồn lây nhiễm hơn.

- Ông đánh giá như thế nào về mối liên hệ giữa các ca mắc Covid-19 vừa phát hiện ở sân bay và những trường hợp trong khu dân cư?

- Những trường hợp ở khu dân cư đều dựa trên các trường hợp F1 của ổ dịch ở sân bay. Nhưng các trường hợp xét nghiệm dương tính ở sân bay chưa chắc là đã bắt nguồn từ BN1979 (ca bệnh được phát hiện đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất). Vì vậy, những trường hợp này chưa chắc đã phải là F của nhau. Điều này cũng khiến ổ dịch phức tạp hơn. Sân bay cũng chưa chắc là ổ chỉ điểm. Vì vậy, phải mở rộng xét nghiệm trong cộng đồng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ.

- Liên quan các ca mắc tại sân bay làm việc ở đội bốc dỡ hàng hóa, nhiều người đặt ra lo ngại liệu virus có tồn tại trên hàng hóa hay không?

- Hiện nay, chủ yếu virus lây qua đường hô hấp và tiếp xúc. Chưa có nghiên cứu nào khẳng định điều này. Vì vậy, hiện tại, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh. Cụ thể, không tụ tập đông người, thực hiện biện pháp 5K, trong đó, đặc biệt chú ý đeo khẩu trang, sát khuẩn tay...

Bộ Y tế đã có hướng dẫn rất đầy đủ về biện pháp phòng bệnh trong những môi trường đông người như khi tham gia giao thông, cuộc họp, trường học, siêu thị, tại nhà máy, nhà hàng ăn uống…

TP.HCM chưa tìm ra nguồn lây, khác với Hải Dương, Quảng Ninh khi các địa phương này đã sớm khoanh được vùng dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Dịch Covid-19 trên thế giới vẫn rất phức tạp, Việt Nam không nằm ngoài nguy cơ đó. Tuy nhiên, nhiều người dân còn chủ quan không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đầy đủ. Điều này khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh càng cao.

- Tình hình hiện nay đang khiến người dân rất lo lắng. Ông có điều gì muốn khuyến cáo để người dân có thể đón Tết an toàn?

- Dịch có thể lây mạnh và rất nhanh, nếu không xác định, truy vết được các ca lây nhiễm, chúng ta không thể nào dập dịch. Nếu chúng ta không ngăn được, trong thời gian ngắn, từ F0 sẽ lây ra F1, F2 thậm chí, F3, F4 và chính các F này lại trở thành F0 và gây ra các ổ dịch mới. Từ đó, dịch sẽ lan rộng, chúng ta không kiểm soát được.

Dù tình hình TP.HCM đang phức tạp, người dân không nên quá hoang mang. Hãy theo dõi thông tin chính thống, đồng thời tuân thủ tuyệt đối các biện pháp được khuyến cáo. Nếu chúng ta tuân thủ đúng, virus khó có thể xâm nhập.

Không riêng TP.HCM, nguy cơ dịch Covid-19 xảy ra ở mọi nơi, mọi địa phương đều như nhau nếu người dân chủ quan, không phòng bệnh. Vừa qua, dịch không chỉ xuất hiện tại thành phố lớn, Gia Lai, Điện Biên là các tỉnh miền núi cũng có ca mắc. Điều đó chứng tỏ việc giao lưu đi lại của người dân giữa các tỉnh, thành phố là rất lớn.

Như vậy, nơi nào phòng bệnh tốt, nguy cơ bùng phát dịch sẽ thấp hơn, hoặc trong trường hợp có nguồn bệnh xâm nhập, chúng ta sẽ phát hiện sớm, khống chế ngay. Ngược lại, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng đối với các địa phương không quyết liệt trong việc phòng dịch.

Tính từ ngày 27/1 đến sáng 9/2, TP.HCM có 31 bệnh nhân mắc Covid-19, 2 người tại quận 10 và TP Thủ Đức, 2 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất nghi nhiễm. Trong số 30 bệnh nhân mới, 5 người là nhân viên xếp dỡ hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Dịch Covid-19 xảy ra tại 7 quận, huyện ở TP.HCM. Cơ quan chức năng nhận định đây là diễn biến khá phức tạp vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu. Do đó, TP.HCM có thể thêm ca lây nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới.

Hiện tại, tất cả F1 cách ly tập trung, F2 cách ly nghiêm ngặt tại nơi cư trú. Nhiều địa điểm liên quan ca mắc đã bị phong tỏa.

Dich Covid-19 tai TP.HCM anh 3

'TP.HCM đang chịu đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng'

"Nhiều người hỏi tôi rằng TP.HCM có 'toang' không. Theo tôi là không. Nhưng tình hình hiện tại thực sự phức tạp", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Dịch Covid-19

Hà Quyên - Phương Mai

Bạn có thể quan tâm