Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

'TP.HCM đang chịu đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng'

"Nhiều người hỏi tôi rằng TP.HCM có 'toang' không. Theo tôi là không. Nhưng tình hình hiện tại thực sự phức tạp", bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Trong khi các ổ dịch thứ phát tại Hà Nội, Gia Lai chưa được kiểm soát, TP.HCM trở thành điểm nóng mới với hàng loạt ca nhiễm SARS-CoV-2 mới.

Những bệnh nhân mới có kết quả dương tính được ghi nhận ở quận 1, 9, 10, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh. Các chuyên gia nhận định tình hình dịch tại thành phố rất phức tạp và nguy hiểm.

Chưa tìm ra nguồn lây

Trả lời Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, đánh giá: "Đợt dịch đang bùng phát ở TP.HCM rất phức tạp vì đã có nhiều ca lây ra cộng đồng, đặc biệt, chưa tìm ra nguồn lây tại đây". Điều này khác Hải Dương và Quảng Ninh khi các địa phương này đã sớm khoanh trúng ổ dịch.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ: "TP.HCM đang chịu đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay bởi tốc độ lây lan rất nhanh”.

Theo ông Trần Đắc Phu, virus lây mạnh và rất nhanh, nếu không xác định, truy vết được các ca lây nhiễm, chúng ta không thể dập dịch. Nếu chúng ta không ngăn được, trong thời gian ngắn, từ F0 sẽ lây ra F1, F2 thậm chí, F3, F4. Những người này lại trở thành F0 và gây ra các ổ dịch mới. Từ đó, dịch sẽ lan rộng, chúng ta rất khó để kiểm soát.

Chiều 8/2, phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tình hình dịch Covid-19 của thành phố khá khó khăn. Đặc biệt, tình trạng từ F0 lây nhiễm đến F2 trong thời gian khá lâu. Đây là cái khó rất lớn của TP.HCM.

“Từ hôm qua đến nay, tôi rất lo lắng về tình hình của TP.HCM. Điều may mắn của thành phố đến nay là virus SARS-CoV-2 gây đợt bùng phát không phải chủng lây nhanh như ở TP Chí Linh, Hải Dương. Vừa rồi, Hải Dương và Quảng Ninh đã xét nghiệm hàng nghìn mẫu. Theo tôi, TP.HCM hiện nay cũng nên làm như thế”, Phó thủ tướng nói.

tinh hinh dich Covid-19 tai TP.HCM anh 1

Nhân viên tại sân bay Tân Sơn Nhất được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Phó thủ tướng cho biết may mắn từ các ca chỉ điểm ban đầu, Hải Dương và Quảng Ninh, mới đây là TP.HCM đã phát hiện ra hàng loạt ca bệnh. Nhờ ca bệnh ở sân bay Vân Đồn, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, thành xét nghiệm toàn bộ nhân viên sân bay và khu vực nguy cơ. Cũng từ đây, TP.HCM phát hiện ra chùm ca lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất.

“Với tình hình hiện tại, thành phố cần huy động tổng lực tất cả năng lực lấy mẫu, công nghệ xét nghiệm, cố gắng trong thời gian rất ngắn, lãnh đạo thành phố phải có bức tranh tổng thể tình hình dịch”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.

Dịch có thể lây nhiễm âm thầm từ 15 ngày trước

“Từ sáng đến nay, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn để hỏi thăm về tình hình tại TP.HCM. Nhiều người dùng từ ‘toang’ để nói về tình hình tại thành phố, có người còn gấp rút nghỉ làm, thu xếp đồ đạc để về quê tránh dịch. Điều này phù hợp tâm lý người dân trong tình hình phức tạp vì chính tôi cũng khá bất ngờ khi số ca được ghi nhận là hơn 20 người. Con số lớn nhất trong một đợt công bố tại TP.HCM từ trước đến nay.”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ.

Theo ông, chúng ta đang dựa vào F0 để tìm F1. Tuy nhiên, một số trường hợp được báo cáo là F2 của F0, trong khi F1 có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Điều này khiến nhiều người thắc mắc.

“Rất khó và rất hiếm xảy ra trường hợp F2 dương tính nhưng F1 âm tính. Theo tôi, hai khả năng có thể xảy ra trong tình huống này. Một là F1 sau khi lây nhiễm cho F2 đã tự khỏi bệnh. Thứ 2, có thể chính F2 là F0 và người được xem như F0 ban đầu có thể là F0 của chuỗi lây nhiễm khác”, bác sĩ Khanh nêu quan điểm.

tinh hinh dich Covid-19 tai TP.HCM anh 2

Chuyên gia cho rằng cụm ca nhiễm có thể không bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Duy Hiệu.

“Bệnh nhân 1979 là nhân viên sân bay sống ở Bình Dương cùng với người em trai có thể không phải là F0. Trước đó, bệnh nhân này tiếp xúc một số người đồng nghiệp, đến quán lẩu dê. Sau đó, bệnh nhân mới bắt đầu sốt, ho và đến khám tại Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM). Rõ ràng, người này đã lây nhiễm ở một nơi trước đó, rồi mới xuất hiện triệu chứng. Do đó, chúng ta cần truy nguồn gốc ổ dịch có phải xuất phát từ Tân Sơn Nhất hay không, không loại trừ nơi khác lây virus cho những người làm bốc xếp ở sân bay”, bác sĩ Khanh nói thêm.

Một chuyên gia điều trị Covid-19 nhận định chủng virus mới có thể đã xuất hiện và lây nhiễm âm thầm tại TP.HCM từ khoảng 15 ngày trước. Do đó, vấn đề cần làm ngay là tăng cường xét nghiệm càng sớm càng tốt, đặc biệt khu vực liên quan ca bệnh, người nghi nhiễm.

“Tôi cho rằng TP.HCM đang có bước đi rất đúng đắn đó là khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm gộp theo hộ gia đình, từ đó truy vết rộng ra. Cụm lây nhiễm là nhân viên bốc xếp hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất chưa hẳn chùm bệnh đầu tiên. Có thể chùm bệnh bên ngoài lây vào sân bay. Do đó, giải pháp hiện tại là xem mỗi ca bệnh là F0 chỉ điểm ban đầu và truy vết rộng người tiếp xúc, không tập trung vào một ổ dịch nào cả”, chuyên gia nói.

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Bộ Y tế đã công bố TP.HCM có 6 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó, một người liên quan ổ dịch Hải Dương.

5 trường hợp mới nhất đều là nhân viên làm công việc xếp dỡ hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, một người sống tại chung cư Ehome 4, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, những trường hợp còn lại có địa chỉ ở quận 1, 12 và Tân Bình (TP.HCM). Các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 vừa được ngành y tế TP.HCM thông báo chưa được Bộ Y tế công bố.

Bộ Y tế họp khẩn ở TP.HCM liên quan dịch Covid-19 Đại diện sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho biết đơn vị này đã khẩn cấp truy vết, khử khuẩn khu vực nhân viên nghi mắc Covid-19 làm việc.

Nhân viên phòng đăng ký đất đai ở TP.HCM nhiễm SARS-CoV-2

Trường hợp này từng tiếp xúc nhiều người ở văn phòng UBND quận 10, TP.HCM.

Dịch Covid-19

Bích Huệ - Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm