Mới khoảng 4h, đèn đường vẫn còn sáng tỏ, nhưng khu vực trước cổng và sảnh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã đầy kín người bệnh và thân nhân. Xe trung chuyển, xe khách nối đuôi nhau thả khách liên tục tại lối ra từ đường Mạc Thiên Tích, Tản Đà đến Hồng Bàng (quận 5).
Đa số họ đều là người bệnh đến từ các tỉnh xa muốn đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Không đăng ký trực tuyến, chưa biết cách đặt lịch khám và muốn tiết kiệm thêm chi phí ăn ở, nhiều bệnh nhân phải xếp hàng rất sớm để đăng ký lấy số theo cách truyền thống.
Sống ở TP.HCM vẫn tranh thủ đi viện sớm
Nhận được phiếu khám bệnh in số thứ tự thứ 9 tròn trĩnh từ tay nhân viên bệnh viện, ông Anh Tuấn (50 tuổi, sống tại quận 7, TP.HCM) không giấu được sự vui mừng. Phía sau ông Tuấn, hàng trăm người vẫn còn nối đuôi nhau nhích lên từng chút một.
2h30 phút, ông Tuấn đã xuất phát từ quận 7. Đến bệnh viện lúc 3h, người đàn ông không khỏi bất ngờ khi 15 quầy đăng ký đã đầy ắp người. Không lỉnh kỉnh đồ đạc như những người khác, ông chỉ mang độc một túi nhỏ chứa các giấy tờ cần thiết.
"May là vợ tôi không đến chứ thấy cảnh này còn bệnh thêm. Nhà ở ngay thành phố mà vẫn phải tranh thủ đến sớm để bốc số thứ tự", ông Tuấn chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Khu vực lấy số thứ tự đông nghịt người lúc 3h sáng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: Kỳ Duyên. |
Vợ ông Tuấn bị rối loạn tiêu hóa nhiều năm. Thỉnh thoảng, hệ tiêu hóa dở chứng, hành hạ bà bằng những cơn đau quặn thắt, cả hai vợ chồng lại đèo nhau đến bệnh viện kiểm tra.
Không nỡ thấy vợ vất vả chờ đợi, người đàn ông quyết định đến sớm bắt số rồi quay về chở vợ đến khám vào đúng thời gian hẹn in trên giấy. Trước đây, chưa có kinh nghiệm, vợ chồng ông Tuấn đến bệnh viện vào lúc 4-5h. Cả hai đành phải tặc lưỡi quay về vì khi cầm trên tay số thứ tự là 200.
"Nếu đến trễ, tôi và vợ phải chờ đến chiều mới có thể nhận được kết quả xét nghiệm. Ở TP.HCM nhưng cũng chật vật không kém người ở tỉnh đến khám", ông Tuấn chia sẻ.
Vượt trăm cây số đi khám bệnh
Dù trời còn chưa sáng, khoảng sân nhỏ trước khu vực Chỉ định cận lâm sàng đã đầy kín người. Không đủ ghế, nhiều người ngồi bệt xuống nền gạch.
- Mẹ ơi con đói quá.
- Chờ mẹ lấy bánh cho ăn nhé!
Chị Tuyết Măng (51 tuổi) lấy trong túi ra một chiếc bánh ngọt nhỏ đưa cho con trai. Đứa nhỏ nhận chiếc bánh từ mẹ, ăn ngon lành.
Ngồi xe vượt trăm km từ Cà Mau đến TP.HCM, bụng cậu bé đã trống rỗng dù đồng hồ mới điểm 5h. Bên trong túi của chị Măng vẫn còn thêm một ca nước lớn và vài cái bánh để ăn lót dạ dọc đường. Sau khi ăn xong, cậu bé nằm gối đầu lên mẹ, ngủ ngon lành.
Lúc chưa đầy ba tuổi, đứa trẻ đã phải trải qua ca mổ tim. Kể từ đó, cách vài ba tháng, chị Măng cùng con trai lại có mặt trên những chuyến xe ngược xuôi Cà Mau - TP.HCM để tái khám. Hầu như mỗi lần hai mẹ con được xe trung chuyển thả trước cổng viện, đồng hồ chỉ mới điểm 2, 3h sáng.
Con trai nhỏ thuộc diện ưu tiên nên thường được vào phòng khám ngay khi mở cửa. Tuy vậy, chị Măng luôn có mặt từ sớm. Tái khám xong lúc 10h, hai mẹ con sẽ bắt xe buýt đến Bến xe miền Tây để mua vé xe về quê. Cả hai luôn về đến nhà khi trời đã sẩm tối.
Dù được ưu tiên, tôi vẫn cố đi sớm do nhà rất xa. Sau khi đi xe khách sẽ phải di chuyển bằng xe máy một quãng dài. Bao giờ cũng về đến nhà khi trời đã sẩm tối, người phụ nữ chia sẻ.
5h30, đèn điện tại khu vực khoa Khám bệnh đã bật sáng. Các hàng ghế dần đầy ắp người. Sau khi đã lấy số, bệnh nhân sẽ di chuyển đến đây, tiếp tục chờ đến lượt vào phòng khám.
Ông Út thở phào khi nhận được số thứ 13. Ảnh: Kỳ Duyên. |
Ông Lê Văn Út (68 tuổi, quê Kiên Giang) ngồi ở hàng ghế trên cùng, kéo cao cổ áo để che chắn những cơn gió lạnh buổi sớm. Mắt ông đăm đăm nhìn về màn hình đặt trước phòng khám số 31, chờ đến lượt tên mình được hiện lên.
Mắc bệnh thoái hóa khớp, cơ thể vốn đã rã rời của ông càng thêm mỏi mệt sau nhiều giờ chờ đợi.
“Mỗi quầy có khoảng hơn 10 người, kéo dài đến quầy số 15. Vậy phải có hơn 100 người đến trước tôi dù lúc đó chưa đến 3h sáng”, ông Út nhẩm tính.
Lần khám bệnh trước, ông Út và người thân đến bệnh viện khá muộn và rời khỏi bệnh viện khi trời đã xế chiều. Rút kinh nghiệm, lần này, ông bắt chuyến xe 20h đi từ Kiên Giang đến TP.HCM.
Đồng hồ chưa điểm 3h, ông đã có mặt tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Dù vậy, trước ông đã có đến vài trăm người. Cầm trên tay số thứ tự 13, người đàn ông thở phào vì có thể ra về sớm.
“Mỗi lần đi khám bệnh là một lần mỏi mệt nhưng vẫn phải cố để mình có thể khỏe hơn chút nào hay chút đó”, ông Út trầm ngâm.
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thường xuyên hướng dẫn bệnh nhân cách đăng ký khám trực tuyến để tiết kiệm thời gian chờ đợi, chủ động khi khám bệnh. Ảnh: BVCC. |
Bệnh viện xoay trở nhiều cách
Theo bác sĩ chuyên khoa II Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 8.000 lượt khám bệnh ngoại trú, 150-180 lượt cấp cứu. Ở cơ sở 1, bệnh viện có 80 phòng khám, hoạt động từ sáng đến chiều.
Để giải quyết vấn đề chờ đợi của người dân, bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin triệt để vào khâu tổ chức, quản lý công tác khám, chữa bệnh.
Đặc biệt, việc triển khai đăng ký trước ngày khám, chiếm 40% số lượng khám mỗi ngày, giúp người bệnh ngoại trú rút ngắn thời gian từ lúc họ có mặt tại bệnh viện, đến khi rời khỏi bệnh viện. Người bệnh được sắp xếp thời gian theo khung, tránh tập trung đông vào một buổi, đặc biệt là sáng sớm.
Ngoài ra, thời gian khám của các khoa cũng sắp xếp linh động hơn, chuyên khoa nào đông có thể khám sớm, khám thông tầm buổi trưa hoặc buổi chiều tối.
Thời gian khám trung bình cho một ca bệnh ngoại trú là 5 phút, trong khi khám, bác sĩ sẽ không cần ghi chép hoặc nhập hồ sơ bệnh án. Bệnh viện đã bố trí thêm một điều dưỡng hoặc thư ký y khoa để nhập hồ sơ bệnh án, kê toa, đánh máy… giúp bác sĩ.
Như vậy, bác sĩ sẽ dành toàn bộ thời gian khám cho bệnh nhân. Thêm nữa, bệnh viện đang xin chủ trương để thời gian tới mở rộng thêm cơ sở khám chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải.
"Chúng tôi rất mong người bệnh chủ động tìm hiểu (hoặc nhờ người thân) đăng ký trực tuyến trước, sẽ có giờ hẹn khám, không cần chờ đợi. Nếu tải và sử dụng app UMC care sẽ còn tiện lợi và rút ngắn được thời gian chờ lấy kết quả, bớt rất nhiều vất vả", bác sĩ Tùng chia sẻ.
Khi bước vào một căn phòng toàn những người xa lạ, chúng ta có thể cảm nhận được ai gây ấn tượng với mình chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhờ vào “sự hấp dẫn giới tính", bao gồm những dấu hiệu về tuổi tác, giới tính, tình trạng sinh sản và phẩm chất của mỗi cá nhân, cùng với đó là các đáp ứng kích thích được lập trình đối với những đặc tính tình dục và cả những đặc điểm khác nữa.