Đơn vị này đã thực hiện cuộc thăm dò ý kiến từ ngày 9 đến 22/9 với 1.007 người tham dự để thấy được tâm lý và hành vi của khách du lịch. Kết quả cho thấy Lâm Đồng là điểm đến hàng đầu với người dân TP.HCM. Các điểm đến như Hà Nội, Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa lần lượt xếp ở những vị trí tiếp theo.
Đại diện TAB cho biết Hà Giang ở vị trí thứ 6 đã cho thấy phần nào cách khách du lịch TP.HCM du lịch sau dịch. Họ có vẻ đang dành sự ưu tiên cho những địa điểm vắng vẻ.
Trong khi đó, người dân thủ đô lại thích đi du lịch ở Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Giang, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Điều này chứng tỏ người Hà Nội có xu hướng chọn điểm đến biển.
Lâm Đồng là điểm du lịch được nhiều khách TP.HCM ưa thích. Ảnh: Đồng Ngô. |
Thông qua khảo sát này, TAB cũng nhận thấy vấn đề trong cách phân loại khách. Với điểm đến như Hà Giang, đa số khách lựa chọn đi theo nhóm bạn. Trong khi đó, Khánh Hòa lại là lựa chọn yêu thích của nhóm khách gia đình.
Điều này đặt ra vấn đề cho các công ty lữ hành phải chọn cách xây dựng sản phẩm hợp lý. Nếu khai thác du lịch ở Hà Giang, họ cần tập trung những tour trải nghiệm, dành cho nhóm bạn. Ngược lại, các sản phẩm du lịch Khánh Hòa cần phù hợp hơn cho trải nghiệm của gia đình.
Trong quá trình khảo sát, đơn vị này cũng thấy được sự e ngại của khách du lịch. 58,2% khách được hỏi thừa nhận họ ngại đến các điểm du lịch từng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, xu hướng mua bảo hiểm khi du lịch cũng tăng lên. Điều này xuất phát từ những rủi ro khi du lịch trong thời điểm dịch chưa hoàn toàn được kiểm soát.
Khi du lịch, du khách ở cả Hà Nội lẫn TP.HCM đều có xu hướng đặt trực tiếp hoặc trực tuyến. Con số này lần lượt là 39,9% và 36,2% so với 12,4% tỷ lệ đặt qua công ty du lịch lớn.
Cuộc khảo sát này cũng tái khẳng định du lịch nhóm nhỏ và ngắn ngày là ưu tiên sau dịch. Ngoài ra, khách hàng cũng ưu tiên các điểm đến an toàn dịch bệnh và điểm đến an ninh. Tỷ lệ hai ưu tiên này lần lượt là 31,2% và 26%. Ưu tiên hàng đầu của khách là khả năng tài chính (32,7%).
Theo TAB, du khách đang gặp nhiều khó khăn về tài chính sau dịch. Bên cạnh đó, họ cũng dành sự ưu tiên cho những điểm đến an toàn.
Dựa trên cuộc khảo sát, đơn vị này đưa ra một số giải pháp cho các doanh nghiệp lữ hành.
Đầu tiên, họ phải chuyển đổi hình thức tiếp thị, tư vấn bán hàng và chăm sóc khách hàng thông qua nền tảng trực tuyến. Với 87% khách muốn nhận ưu đãi trực tiếp vào giá tour, đơn vị khảo sát gợi ý các doanh nghiệp du lịch và hàng không kết nối để tạo combo du lịch giá rẻ hơn.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần làm việc cùng ngành bảo hiểm nhằm tạo ra các gói du lịch mới. Khi khách mua tour, đơn vị lữ hành cần khuyến khích họ đặt thêm bảo hiểm để tạo sự yên tâm.