“Bố tôi qua đời vì Covid-19. Giờ tôi rất căng thẳng khi phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm”.
“Tôi từng chứng kiến nhiều người chết khi còn điều trị ở phòng ICU. Tôi thức giấc trong đêm vì tiếng kêu của máy thở. Tôi không hiểu vì sao mình còn sống”.
“Tôi mất mẹ chồng do Covid-19. Ngẫm lại, trước đây tôi không nên tranh cãi với bà ấy mọi lúc. Giờ tôi cảm thấy tội lỗi đến mức khóc suốt, không thể ngủ được”.
Bệnh nhân bên trong khu điều trị Covid-19 tại một bệnh viện ở Bangalore (Ấn Độ). Ảnh: Xinhua. |
Đó chỉ là một vài trong vô vàn tiếng kêu than của những người lao động Ấn Độ khi đất nước tỷ dân trải qua đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới, theo Bloomberg.
Trong khi làn sóng dịch thứ hai đã lây nhiễm cho 29 triệu người và khiến hơn 350.000 bệnh nhân tử vong, ảnh hưởng của nó tới sức khỏe tâm thần của người dân còn lan rộng hơn.
Việc chứng kiến gia đình, bạn bè lần lượt mắc bệnh rồi qua đời khiến thảm kịch này trở nên trầm trọng hơn đối với người lao động, nhất là thế hệ trẻ.
Hiện các công ty công nghệ Ấn Độ - những doanh nghiệp hỗ trợ ngân hàng Phố Wall và gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon (Mỹ) - đang cố gắng tìm ra cách giải quyết tình trạng suy giảm sức khỏe tâm thần cho một thế hệ lao động trẻ.
Cảnh tượng chưa từng thấy
Vijay Laxmi (31 tuổi), nhà tâm lý học nội bộ tại công ty dịch vụ công nghệ khổng lồ HCL Technologies, chưa bao giờ chứng kiến bất cứ cảnh tượng nào tương tự lúc này, Bloomberg đưa tin.
Hiện cô nhận tư vấn tới 40 nhân viên/tuần, gấp 4 lần so với làn sóng Covid-19 đầu tiên hồi năm 2020. Laxmi buộc phải sắp xếp lịch trình cẩn thận và rút ngắn thời gian mỗi buổi trị liệu vì nhu cầu quá lớn.
Trong nhiều năm, công việc của Laxmi thường chỉ liên quan đến đào tạo nhân viên thông qua các cuộc đánh giá hàng năm, hoặc xoa dịu những ai bị thất tình trong ngày Lễ Tình nhân.
Còn giờ đây, cô gặp những nhân viên bị suy nhược đến mức họ phải vật lộn tinh thần để gắng vượt qua từng ngày.
Ấn Độ đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
“Nhân viên công ty bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi trước sự đột ngột và cường độ của làn sóng Covid-19 thứ hai. Việc thiếu giường bệnh trong phòng ICU, bình oxy và vật tư y tế lại càng làm tăng thêm nỗi lo lắng và hoảng sợ”, nhà tâm lý học Laxmi chia sẻ.
Bên cạnh đó, độ tuổi lao động trung bình ở HCL Technologies là 28. Những nhân viên mất đi người thân, bạn bè đều còn khá trẻ.
Apparao V.V., Giám đốc nhân sự tại HCL Technologies, cho biết: “Rất nhiều người trẻ bị tổn thương sau khi chứng kiến cái chết cận kề”.
Nhiều công ty công nghệ nhận ra tác động tâm lý kinh hoàng mà người lao động của họ phải gánh chịu còn cao hơn cả đỉnh dịch.
Ngay cả với những doanh nghiệp đề cao sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhân viên, trọng dụng các nhà tâm lý học như Laxmi trong nội bộ, họ vẫn không chắc có khả năng điều hướng sự hoang tàn mà Covid-19 để lại.
Một thế hệ lao động trẻ Ấn Độ đang chịu mất mát và chấn thương tâm lý lớn vì đại dịch. Ảnh: S. Perez/Reuters. |
Một số báo cáo cho thấy hàng chục nghìn nhân viên, những người vẫn làm việc tích cực sau làn sóng dịch đầu tiên, hiện rơi vào chứng đột ngột hoảng loạn, ám ảnh sợ hãi, thay đổi tâm trạng cực độ và mất khả năng lao động.
Công việc của công ty cũng vì thế mà gặp khó khăn hơn. Trong khi nhân viên Ấn Độ đang vật lộn với sức khỏe tâm thần, các khách hàng từ những nơi như New York hay San Francisco đã bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường.
“Trong những tuần mà làn sóng Covid-19 lên đỉnh điểm, năng suất của nhiều công ty giảm từ 50-60%”, Ashutosh Sharma, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu tại Forrester Research, chuyên nghiên cứu về năng suất của nhân viên, nói với Bloomberg.
Mở lòng với sức khỏe tâm thần
Trong bối cảnh lo ngại những vấn đề này có thể gây thiệt hại lớn tới ngành dịch vụ công nghệ trị giá 194 tỷ USD của Ấn Độ, các công ty đang thử mọi biện pháp, từ trị liệu tâm lý đến tập yoga và chánh niệm.
Họ thậm chí đào tạo các nhà quản lý để cư xử nhẹ nhàng nhân viên hơn, ít nhất là thời điểm hiện tại.
Một phương pháp điều trị đang được chú ý là tư vấn qua ứng dụng điện thoại, bao gồm cung cấp trị liệu thông qua chatbot hoặc trò chuyện trực tiếp 1-1 với các nhà trị liệu.
Nhiều công ty Ấn Độ đang dốc sức hỗ trợ sức khỏe tinh thần của nhân viên. Ảnh: Deposit Photos. |
“Ít nhất 50% lao động ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đang phải đối mặt với nỗi đau buồn. Không một công ty nào có thể làm ngơ sau một thảm kịch hàng loạt như vậy”, Jo Aggarwal, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp cung cấp hỗ trợ tâm lý qua bot chat (robot trò chuyện) Wysa, nói.
Tata Consultancy Services, công ty gia công phần mềm lớn nhất châu Á, cũng đang thử nghiệm một số biện pháp để hỗ trợ nhân viên, bao gồm tiến hành các buổi yoga, thiền, đồng thời gửi tới màn hình máy tính của họ những thông điệp lan tỏa hạnh phúc.
Ngoài ra, công ty Tata cũng đào tạo lại các quản lý để trở nên nhạy cảm hơn, đồng thời thể hiện sự đồng cảm với những đồng nghiệp đang đau buồn.
Mặt khác, bà Aggarwal cho biết chấn thương tâm lý tập thể mà Ấn Độ đang phải trải qua giúp thay đổi văn hóa của đất nước. Nỗi lo lắng, buồn đau lan rộng đến mức có nhiều sự cởi mở hơn đối với các phương pháp điều trị bệnh tâm thần ở quốc gia này.
“Covid-19 đã mở ra cánh cửa cho các cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”, bà nói.