Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ chi 500.000 đồng cho một buổi học nghề thủ công

Nhiều người không ngại chi đến 500.000 đồng cho một buổi làm thủ công để nhận lại kỹ năng và sự thoải mái.

Một năm nay, cứ mỗi cuối tuần, có thời gian rảnh rỗi, Quốc Trung (24 tuổi, nhân viên tài chính tại TP.HCM) lại tích cực tìm và tham gia vào các workshop thủ công. Ngày này trở thành trải nghiệm tuyệt vời đối với Trung khi tay chân, mặt mũi lấm lem, tinh thần tuyệt đối tập trung và đặt toàn bộ tâm huyết vào các sản phẩm.

Quốc Trung không phải là người duy nhất chọn bỏ thời gian, công sức, tiền bạc vào các buổi workshop thủ công. Với những người trẻ như Trung, đây không đơn thuần là một buổi giải khuây cuối tuần mà nó còn mang theo nhiều kỷ niệm, thúc đẩy cảm xúc và những mối quan hệ.

Nguoi tre chi 500.000 dong cho mot buoi hoc nghe anh 1

Quốc Trung tham gia workshop làm giá treo chìa khóa.

Tìm lối thoát bằng workshop thủ công

Với mong muốn giảm bớt căng thẳng và mở rộng vốn sống, Quốc Trung miệt mài tham gia các buổi workshop thủ công vào cuối tuần do công ty tổ chức trong hơn 2 tháng nay.

Vừa ra trường với rất nhiều đổi thay về môi trường sống và làm việc, Quốc Trung bắt đầu suy nghĩ thêm về bản thân, hành trình trước mắt. Hai đợt dịch trôi qua, việc tự nhốt mình ở nhà càng khiến tân cử nhân dồn nén nhiều cảm xúc.

“Trở lại thành phố làm việc sau dịch, mình cố gắng thể hiện sự tự tin và trở thành phiên bản tốt nhất, nhưng thực sự trong lòng vẫn lo lắng và hoang mang rất nhiều. Gần một năm trời, mình chỉ ở nhà giao tiếp với màn hình máy tính cùng 4 bức tường ngột ngạt. Ngay khi trở lại công việc, mình cũng vào tâm thế vội vàng, luôn tự gây áp lực cho bản thân”, Trung chia sẻ.

Anh cho rằng việc tham gia vào các buổi workshop thủ công là một trong những cách để bản thân sống chậm lại, có cơ hội chăm chút cho đời sống tinh thần.

Giống với Quốc Trung, Thu Hà (26 tuổi, nhân viên xét nghiệm tại TP.HCM) cũng gánh trên vai thật nhiều áp lực suốt những tháng ngày tự trang trải, tự chịu trách nhiệm cho bản thân và gia đình mình.

Mặc dù tốt nghiệp khá sớm và có được công việc đúng với chuyên ngành, Thu Hà nhận ra rằng bản thân có lẽ đã chọn sai ngành nghề. Mỗi ngày, cô trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, phần lớn là không vui.

Từng được đề xuất lên vị trí cao hơn, mang theo kỳ vọng từ cấp trên, gia đình và chính bản thân, không ít lần, Thu Hà bị cuốn vào cảm xúc tiêu cực, khó để chia sẻ cùng bạn bè, người thân. Cô cho rằng người khác không thể hiểu cho những quyết định của mình.

Nhưng dần dần, Thu Hà nhận ra khái niệm thành công trong công việc có nhiều mức độ. Trong số đó, có lẽ, quan trọng nhất là bản thân có thật sự vui vẻ, yêu thích công việc đang làm không. Từ đó, cô mới có thể gắn bó lâu dài và nỗ lực cho nó.

"Lời người khác nói, mình từng không tin cho đến khi tự trải nghiệm rồi nhận thấy đi học và đi làm có quá nhiều điều khác nhau”, Hà trải lòng cùng Zing.

Nguoi tre chi 500.000 dong cho mot buoi hoc nghe anh 2

Bích Tuyền cho rằng bản thân nên phát triển mỗi ngày, đa dạng hóa các trải nghiệm.

Còn đối với Bích Tuyền (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM), hai chữ “ổn định” luôn khiến cô trăn trở. Nhìn các bạn bè cùng ngành lần lượt chuyển đổi công ty, một vài người “yên bề gia thất”, lại có người rời bỏ công việc vì không phù hợp và mong muốn phát triển bản thân mạnh mẽ mỗi ngày, tất cả đều trở thành áp lực cho cô gái vốn tràn đầy nhiệt huyết.

Sau giờ làm tại công ty, Bích Tuyền chọn cách ra ngoài dạo chơi, khám phá các điểm đến được dân mạng giới thiệu ở TP.HCM, cà phê cùng bạn bè để giải tỏa căng thẳng và làm cho hình ảnh cá nhân thêm đa dạng.

Đây cũng là cách mà đa số người trẻ như Tuyền, như Hà, Trung thực hiện. Nhưng họ đều nhận ra rằng đây cũng chỉ là giải pháp tạm bợ, và đôi khi, kết quả của những chuyến đi ngược lại còn đem về thất vọng, khó chịu.

Và thay vì cứ rong ruổi với những chuyến tham quan vô định, không kế hoạch, không nhận được giá trị hay bài học nào, những người trẻ chọn các workshop thủ công làm lối thoát cho cảm xúc nặng nề mang giữ trong lòng.

Có đáng để chi tiền?

Thu Hà cho hay sau chuỗi ngày rong ruổi trên các trang mạng xã hội để tìm hiểu điều thú vị về hành trình tuổi trẻ của rất nhiều người khác, cô bị thu hút bởi những buổi workshop làm đồ thủ công.

Cô nhanh chóng quyết định cùng một người bạn thân đến tham dự buổi workshop làm nước hoa. Sau một tuần làm việc căng thẳng, cũng đã rất lâu rồi, Hà mới tìm được một nơi bản thân có thể say mê, đặt nhiều tâm huyết vào thành phẩm được tạo ra như vậy.

Khóa học cũng hấp dẫn hơn khi nó không ở trên giảng đường hay trung tâm giáo dục. Nó cho phép học viên học ở nơi họ yêu thích, tập tành làm những điều nhỏ, học cách làm quen, trò chuyện cùng những người đồng điệu mới quen, Đây cũng là cơ hội để họ bước ra khỏi vũng lầy áp lực.

“Mình chi khoảng 500.000 đồng để tham gia vào buổi làm nước hoa này. Mình nghĩ rằng với những nguyên liệu mà chương trình chuẩn bị và uy tín của người hướng dẫn, đây là số tiền phù hợp. Mình đã có trải nghiệm khá thích thú khi tự mình lựa chọn và tạo nên mùi hương mang đậm dấu ấn cá nhân”, Thu Hà nói.

Từ đây, Hà nhận ra bản thân rất yêu thích sản phẩm thủ công. Cô yêu cái đẹp, những trải nghiệm đơn thuần, mộc mạc. Công việc chính đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tính logic, đối diện với những con số và các quy tắc. Ngược lại, những buổi “tự tay làm tất” như thế này giúp cô được thoải mái thử nghiệm và phạm sai lầm.

Cô cho rằng đây cũng giống như điều khác biệt giúp chữa lành trái tim mình trước áp lực công việc. Bên cạnh đó, Hà còn có cơ hội tìm thấy những người cùng đam mê, tiếng nói. Từ những buổi workshop, cô có thêm bạn mới đầy thú vị. Cô còn dự định tham gia thêm các buổi hướng dẫn làm gốm, vẽ tranh, thêu tay...

Nguoi tre chi 500.000 dong cho mot buoi hoc nghe anh 3

Thành quả lót ly jesmonite của Tuyền cùng bạn bè.

Cũng bỏ ra số tiền tương đương, Bích Tuyền cho hay mỗi buổi workshop cô tham gia có chi phí 300.000-500.000 đồng. Cô từng trải nghiệm làm lót ly với chất liệu jesmonite - vật liệu thường được dùng trong mỹ thuật và xây dựng với thành phần chủ yếu là thạch cao.

Theo Tuyền, ban đầu, sản phẩm có chút “méo mó” nhưng cuối cùng, cô cũng làm ra những vật dụng nhỏ ưng ý bởi nó mang đậm dấu ấn cá nhân, đi kèm với kỷ niệm nhỏ khi trải nghiệm.

Với người đặc biệt quan tâm đến vấn đề thiên nhiên, những chiếc lót ly làm từ jesmonite vừa dễ tạo hình, nhanh khô lại rất thân thiện với môi trường là món quà Tuyền rất tâm đắc khi dành tặng bạn bè, người thân hay chính mình.

Mỗi lần trải nghiệm, Bích Tuyền biết thêm nhiều thông tin mới mẻ, bổ ích. Như lần này, cô lần đầu tiên biết đến sự hay ho của sản phẩm từ jesmonite.

"Mình cũng có thể thỏa sức thể hiện kỹ năng chụp ảnh học được từ workshop nhiếp ảnh mình tham gia trước đó để lưu giữ lại thật nhiều hình ảnh đẹp, đăng lên trang cá nhân của mình. Hơn nữa, mình còn cải thiện tình trạng ngại giao tiếp vì những người mình gặp tại các workshop thủ công đều trẻ, tinh tế”, Tuyền chia sẻ.

Đối với Quốc Trung, vì công ty anh đang làm việc luôn tổ chức các buổi workshop như thế này vào mỗi cuối tuần, anh có nhiều cơ hội được trải nghiệm tự tay làm tất cả với chi phí không quá cao.

Từ lúc tham gia các khóa học này, cuối tuần, Trung không còn bó gối ngồi ở nhà hay la cà đến những nơi mà mình đã quá chán như hàng quán, rạp chiếu phim.

Thay vào đó, anh ưu tiên tận hưởng các buổi workshop thủ công. Anh không kỳ vọng quá nhiều vào buổi học đó, đơn giản đi vì muốn có thêm trải nghiệm, kiến thức.

"Mình có thể đem sản phẩm về trang trí nhà cửa. Có thành phẩm rồi, dù nó không hoàn hảo như đồ người ta bán ngoài tiệm, tinh thần mình lại vui vẻ và trân quý nó”, Trung hào hứng kể về trải nghiệm cá nhân.

Chi hàng chục triệu đồng đi học làm MC

Nhiều người trẻ chi hàng chục triệu đồng cho các khóa học về nghề dẫn chương trình (MC) để cải thiện khả năng giao tiếp, có thêm cơ hội việc làm và các mối quan hệ xã hội.

Thiên Lý

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm