Sau Tết Nguyên đán, vừa đi làm trở lại tại văn phòng một tuần, Ngô Lan (sinh năm 1996) nhận thông báo tiếp tục ở nhà làm online. Đây là chính sách làm việc mới của công ty do số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh chóng mặt.
Nghĩ đến cảnh ôm máy tính nằm trên giường hoặc lê la ở quán cà phê, Lan tỏ ra thích thú. Suốt nhiều tháng làm online khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, cô dường như đã quen và trở nên hài lòng với cách làm việc này.
"Ở nhà, tôi làm lúc nào cũng được, nếu mệt thì nằm nghỉ. Tôi cũng được ăn những bữa cơm mẹ nấu, thích là có thể ra quán cà phê làm việc, gặp gỡ bạn bè", Lan chia sẻ cùng Zing.
Cũng theo Lan, tâm lý lo sợ dịch bệnh cũng là một yếu tố khiến cô muốn được làm việc ở nhà, nhưng không phải nguyên nhân lớn nhất. Cả gia đình cô đều đã tiêm đủ 3 mũi vaccine, trong đó hầu hết thành viên đều là F0 khỏi bệnh.
"Tôi chủ yếu là không muốn đến văn phòng mà thôi. Tôi ngại cảnh dậy sớm, tắc đường và việc phải ngồi 8 tiếng nguyên một vị trí", cô nói thêm.
Làm việc từ xa giúp người lao động linh hoạt sắp xếp, cân bằng cuộc sống. Ảnh: Phạm Thắng. |
Ưu tiên mới trong công việc
Theo nghiên cứu mới từ nền tảng nhân sự Grove HR và Công ty dữ liệu YouGov Việt Nam, hàng triệu người lao động trong nước đang đánh giá lại các ưu tiên trong công việc và sự nghiệp của mình sau 6 tháng buộc phải làm việc tại nhà vì dịch bệnh.
Số liệu thu thập được cho thấy 73% nhân sự Việt Nam mong muốn có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống như điều kiện làm việc linh hoạt hơn, có thể tắt máy ngay sau giờ làm.
Đồng thời, khái niệm về nơi làm việc lý tưởng cũng biến đổi trong thời kỳ đại dịch. Theo đó, 40% người lao động Việt Nam hy vọng có thể kết hợp làm việc tại văn phòng và từ xa (mô hình hybrid) vào năm 2022, chỉ 21% muốn quay lại văn phòng toàn thời gian và 16% muốn tiếp tục làm việc tại nhà.
Sau dịch, nhiều nhân viên trẻ có thể đi mọi nơi nhưng họ vẫn không muốn đến văn phòng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Câu hỏi được đặt ra là điều gì khiến người lao động không còn mặn mà với việc đi làm trực tiếp toàn thời gian như trước đây?
Theo Wall Street Journal, rất nhiều nhân viên chỉ đơn giản là không còn cảm thấy thích công sở. Họ ăn uống tại nhà hàng, đi xem phim và du lịch, nhưng không có văn phòng trong lịch trình của mình.
Chắc chắn nhiều nhân viên thích bữa trưa miễn phí, phòng nghỉ ngơi thoáng đãng và những hoạt động giải trí tại công ty. Nhưng những điều này là chưa đủ để họ sẵn sàng quay trở lại làm việc trực tiếp với tần suất 5-5,5 ngày/tuần.
Bình thường mới không có văn phòng
Giữa tháng 3, Lan có một chuyến du lịch đi Phú Quốc. Trước đó, cô tham dự nhiều tiệc đám cưới của bạn bè, đi cà phê, ăn nhà hàng, ngồi quán bar mỗi cuối tuần. Có thể nói cuộc sống của Lan đã gần như quay trở lại như giai đoạn trước dịch, trừ việc cô vẫn ngại đến văn phòng.
"Công ty tôi là môi trường khá trẻ trung, cởi mở. Sếp tôi là người tâm lý, Tết lì xì cho chúng tôi đến tiền triệu, lại còn gửi gà hầm cho nhân viên mắc Covid-19. Tôi không phàn nàn gì về tổ chức, nhưng tôi vẫn muốn ở nhà, một tuần chỉ lên văn phòng 2-3 ngày là đủ", Lan nói.
Ngọc Ánh thích làm cho việc từ xa, cho rằng vẫn có thể hoàn thành công việc hiệu quả. Ảnh: NVCC. |
Tương tự Ngô Lan, Nguyễn Ngọc Ánh (24 tuổi, quê Nghệ An) cũng không thích quay trở lại văn phòng.
Đã gần một tháng kể từ ngày làm việc trực tiếp đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Ánh vẫn xin phép sếp để làm việc tại nhà. Lo ngại dịch bệnh, đảm bảo vẫn có thể hoàn thành tốt công việc dù ở xa là những lý do Ánh đưa ra để thuyết phục cấp trên của mình tại Hà Nội.
"Công ty tôi hiện chỉ có khoảng 1/2 nhân sự đi làm do nửa còn lại là F0 hoặc F1. Nhiều tháng trước Tết, tôi đã về quê do công ty cho làm việc online. Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn căng thẳng, tôi ra Hà Nội có khi lại ở phòng trọ làm việc nên tốt nhất tôi xin ở lại quê cùng cha mẹ", Ánh chia sẻ.
Theo Ánh, cô làm tại công ty hơn 2 năm, đã thạo việc nên có thể xử lý toàn bộ nhiệm vụ thông qua Internet. Không chỉ ở quê, cô cũng có một chuyến đi vào TP.HCM thăm họ hàng trong 2 tuần lễ. Ánh cho biết dù ở đâu cô cũng có thể làm việc.
"Ở nhà giúp tôi tiết kiệm được chi phí khá lớn cho việc sinh hoạt tại Hà Nội. Hiện tại, tôi cảm thấy ổn khi làm việc ở quê thế này. Nhưng có lẽ thời gian tới khi số ca nhiễm giảm dần, sếp tôi sẽ yêu cầu tất cả quay trở lại văn phòng", cô nói.
Mô hình hybrid
Ngô Lan, Ngọc Ánh không phải những nhân viên duy nhất bày tỏ mong muốn được làm việc từ xa hoặc luân phiên giữa văn phòng và nhà ở.
Theo ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã thay đổi văn hóa làm việc trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Góc làm việc tại nhà của Ngọc Ánh. Ảnh: NVCC. |
"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy người lao động hiện nay muốn duy trì sự cân bằng tốt nhất giữa công việc và cuộc sống. Do vậy, các công ty cần đưa ra những phúc lợi hấp dẫn, đồng thời tạo điều kiện cho phương pháp làm việc linh hoạt, giúp nhân viên có thể tùy chọn phân chia thời gian của họ giữa nhà ở và văn phòng", ông nói.
Vào tháng 5/2021, một nghiên cứu của Công ty quản lý tài sản Mỹ Mercer cho biết 70% công ty có kế hoạch áp dụng mô hình hybrid (kết hợp làm việc tại nhà và văn phòng).
Một số công ty đã thực hiện mô hình này bao gồm những cái tên nổi bật như Adobe, Salesforce, Spotify và Twitter.
Báo cáo Chỉ số Xu hướng công việc của Microsoft (công bố vào tháng 3/2021) cho thấy 66% nhà tuyển dụng trên khắp thế giới đang phải thiết kế lại nơi làm việc của mình để phù hợp với xu hướng làm việc mới sau đại dịch.
Đặc biệt, các công ty nhận ra rằng làm việc toàn thời gian tại văn phòng là không cần thiết để tạo ra hiệu quả tốt nhất với gần 60% người lao động cho biết năng suất làm việc của mình tăng cao hơn trong suốt đại dịch (7%).