Chị Ngọc Nga (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho hay theo thông báo từ nhà trường, sau 7 ngày học online, học sinh sẽ trở lại học tập trung. Tuy nhiên, điều khiến chị lo lắng là không có gì đảm bảo việc đi học trực tiếp không xuất hiện F0.
“Mệt mỏi vì chuỗi ngày con học online - offline chưa có dấu hiệu đến hồi kết. Trong khi đó, tôi vẫn phải đi làm. Tôi thực sự rơi vào tình trạng stress. Cả năm qua, phụ huynh đã quá khổ, nhất là tâm lý các bà mẹ rất mệt mỏi. Bên cạnh đó, trẻ bắt đầu có biểu hiện không ổn về tâm lý”, người mẹ 2 con nói với Zing.
Không riêng chị Ngọc Nga, đối với nhiều bậc cha mẹ tại TP.HCM, 14/2 được coi là “ngày giải phóng phụ huynh” khi trẻ mầm non và học sinh tiểu học đi học trực tiếp sau gần 10 tháng học online tại nhà.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khi số giáo viên, nhân viên, học sinh mắc Covid-19 hoặc thuộc diện F1 ngày càng tăng, nhiều trường quyết định tạm cho học sinh dừng đến lớp nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Không ít phụ huynh không kịp xoay xở khi nhận được thông báo đột ngột.
Các cơ sở giáo dục ở nhiều địa phương khác cũng phải điều chỉnh phương án tổ chức dạy học vì dịch Covid-19.
Kiệt sức
Theo chị Ngọc Nga, con học online đồng nghĩa với việc mẹ phải lo cơm nước 3 bữa/ngày, chưa kể rửa dọn, đi chợ. Ngoài ra, chị phải sắp xếp công việc để trông chừng con, lo cho bản thân tâm thái ổn định nhằm đối mặt với những cảm xúc thất thường của con do ngồi trước máy tính nhiều.
Vừa vật lộn chăm sóc 2 con, vừa lo giải quyết công việc bộn bề, chị Ngọc Nga thừa nhận: “Tôi chính thức rơi vào kiệt sức”.
Chị nói thêm: “Dịch bệnh ai cũng khổ, nhưng thử nhìn vào phụ nữ và trẻ em, giữ nhau trong 4 bức tường của những căn hộ đô thị, kéo dài gần một năm nay và chưa có hồi kết. Nếu tiếp tục chuỗi ngày đóng - mở cửa trường như thế này, mọi người sẽ thấy hậu quả của Covid-19 gây nên kinh khủng thế nào”.
Hiện tại, chị Nga chưa tìm ra phương án hiệu quả để đối phó với tình cảnh khó khăn. Người mẹ chỉ biết trông chờ con được đi học ổn định lại để bản thân tập trung cho công việc, thoát khỏi cảnh nội trợ kéo dài triền miên.
Chuỗi ngày đóng - mở cửa trường vì dịch gây căng thẳng cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Ảnh minh họa: K.D. |
Tuần trước, chị H.L. (quận Bình Thạnh) thở phào khi trường tiểu học của con trai 8 tuổi thông báo cho học bán trú. Tuy nhiên, sang tuần này, quy định đột ngột thay đổi thành học sinh chỉ học trực tiếp nửa ngày trên trường.
Chỉ được thông báo trước một hôm, vợ chồng chị L. không kịp trở tay, thu xếp người trông nom con.
Trước mắt, chị thuê người đón con vào buổi trưa, rồi để bé tự ở nhà ăn cơm, sinh hoạt. Tới chiều, người mẹ chở con út về.
“Ngày trước, tôi có người thân xuống trông phụ buổi chiều nhưng giờ họ là F0, F1 nên đành để con ở nhà một mình. Thỉnh thoảng, tôi nhờ bảo vệ, hàng xóm ở chung cư qua ngó giúp, rồi cứ cách một tiếng lại gọi về hỏi han con. Xung quanh các hộ F0 nhiều nên cũng không gửi nhờ ai được. Nói chung, ngày nào tính ngày đó”, chị nói.
Trước đó, trong 10 tháng con học online tại nhà, chị L. xin cơ quan cho work from home. Ban ngày, chị dành thời gian chăm 2 con và tranh thủ sáng sớm hoặc tối muộn để giải quyết công việc. Người mẹ thừa nhận công việc linh động nhưng kéo dài như vậy cũng không ổn.
“Quen với nhịp này gần một năm nay nên tôi không có quá nhiều vấn đề. Tôi chỉ lo khi để con ở nhà một mình, bé dễ sa vào chơi iPad hoặc TV do chưa đủ kinh nghiệm quản lý thời gian. Nhà tôi không có TV nhưng hàng xóm có nên khó tránh khỏi. Ngoài băn khoăn này thì chồng và các con tôi san sẻ việc nhà nên cũng đỡ phần nào”, chị nói.
Giống như nhiều phụ huynh, chị L. mong con được đến trường đều đặn như xưa. Có như vậy, cha mẹ yên tâm công tác, con cái cũng có môi trường phù hợp.