Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Người trẻ đi trữ đông trứng ngày càng nhiều

Nhiều người quyết định trữ đông trứng sớm để dành thời gian phát triển sự nghiệp, một số khác vì mắc bệnh lý phải điều trị.

Trứng được trữ đông bằng nito lỏng, chất lượng không thay đổi sau thời gian dài lưu trữ. Ảnh: NBC News.

"Chiếc nút tạm dừng" là cách nói ẩn ý cho việc trữ đông trứng của nhiều phụ nữ trẻ. Khi độ tuổi ngày một lớn dần, đông lạnh trứng có thể là lựa chọn đáng suy nghĩ cho những người muốn chủ động trong việc lập gia đình, không áp lực tuổi tác.

Theo quan sát của nhiều bác sĩ và một số bệnh viện phụ sản, trữ đông trứng đang là xu hướng. Điều này liên quan đến tình trạng bệnh lý và sự phát triển của xã hội.

Người trẻ đi trữ đông trứng

Theo PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), trào lưu trữ trứng xuất phát khoảng 5-7 trước ở nước ngoài.

Tại Việt Nam, trữ trứng không còn quá “cao siêu” nữa, tỷ lệ thành công đã đến 90%. Xu hướng người dân làm dịch vụ này trong những năm gần đây gia tăng, có người chủ động tìm gặp bác sĩ để hỏi có thể trữ trứng được hay không.

“Phụ nữ hiện nay không chỉ còn ở nhà nữa mà tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn. Cũng có khi đến một lúc nào đó, họ giật mình nhận ra vẫn chưa thực hiện thiên chức làm mẹ thì dự trữ buồng trứng đã suy giảm. Đó là lý do mà họ lo trước, lo xa khi trứng còn nhiều, chất lượng còn tốt thì đem đi trữ. Đến khi sẵn sàng, họ muốn mẹ thì đã có sẵn trứng ở độ tuổi son trẻ”, PGS Tuyết nói.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, bác sĩ Châu Hoàng Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, thời gian gần đây, số lượng phụ nữ quyết định đi trữ trứng có tăng lên.

“Có tới 50% số ca đến điều trị có áp dụng kỹ thuật trữ noãn. Độ tuổi đa số là 30-40 tuổi”, bác sĩ Thảo cho biết.

Số ca trữ noãn xã hội (người trẻ chưa lập gia đình, hoặc chưa có sinh con) tăng 30% so với năm 2022, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi 28-35 tuổi. Thời gian cao điểm có 10-15 trường hợp/một tuần.

Đơn vị này cũng cho biết, tại cơ sở ở Hà Nội, trong 6 tháng gần đây, số ca trữ trứng có xu hướng tăng nhanh, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái, độ tuổi 20-50. Đáng chú ý, phụ nữ độc thân chiếm khoảng 90%.

Xã hội hiện đại, phụ nữ có nhiều quyền lợi, tự do, chủ động hơn. Nhiều người quyết định đi trữ trứng vì muốn phấn đấu cho sự nghiệp khi tuổi còn trẻ, đến khi kết hôn sinh con vẫn có thể có trứng tốt để mang thai.

“Những phụ nữ này hầu như tuổi còn khá trẻ, chưa lập gia đình hoặc sinh con. Chủ yếu họ muốn trữ trứng để bảo tồn khả năng sinh sản. Chúng tôi gọi đó là trữ trứng xã hội”, bác sĩ Thảo cho biết.

Cũng theo số liệu từ bệnh viện, khoảng 50% trường hợp phụ nữ dưới 40 tuổi có dự trữ buồng trứng thấp cần được hỗ trợ sinh sản bằng nhiều phương pháp để có con chính chủ, trong đó có kỹ thuật trữ trứng, gom phôi…

Một số khác đi trữ trứng vì mắc các bệnh cần điều trị bằng phương pháp xạ trị, hóa trị hoặc các bệnh suy buồng trứng sớm, lạc nội mạc tử cung.

Trong năm 2023, IVF Tâm Anh đã tiếp nhận trữ trứng bảo tồn chức năng sinh sản cho nhiều phụ nữ mắc ung thư có tuổi đời 20-35. Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng chưa có con nhưng vợ hoặc chồng phát hiện mắc ung thư cũng được trữ phôi thành công.

Theo TS.BS Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), thời gian gần đây, số lượng phụ nữ quyết định đi trữ trứng có tăng lên.

“Xã hội hiện đại, phụ nữ có nhiều quyền lợi, tự do, chủ động hơn. Nhiều người quyết định đi trữ trứng vì muốn phấn đấu cho sự nghiệp khi tuổi còn trẻ, đến khi kết hôn sinh con vẫn có thể có trứng tốt để mang thai”, ông chia sẻ với Tri thức - Znews.

phu nu tru trung anh 1

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Chí Thương từng khám bệnh cho nhiều phụ nữ đi trữ trứng. Ảnh: L.T.

Những phụ nữ này hầu như tuổi còn khá trẻ, chưa lập gia đình hoặc sinh con. Một số khác đi trữ trứng vì mắc các bệnh cần điều trị bằng phương pháp xạ trị, hóa trị hoặc các bệnh suy buồng trứng sớm, lạc nội mạc tử cung.

“Những người này có thể đã lập gia đình hoặc chưa. Chủ yếu họ muốn trữ trứng để bảo tồn khả năng sinh sản”, chuyên gia cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Thuỳ Linh Trang, Trung tâm hỗ trợ sinh sản Olea Fertility, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, năm nay, lượng bệnh nhân đến trữ trứng tăng gấp 2-3 lần, cụ thể năm 2022 là 53 ca và đã tăng lên 163 ca cho năm 2023.

Năm trước, độ tuổi trữ trứng rơi vào gần 40 tuổi, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay độ tuổi đã trẻ hoá, khoảng 30 tuổi, xu hướng trữ sớm hơn. Thậm chí có người mới 26 tuổi. Đa phần là Việt kiều hoặc làm việc ở công ty nước ngoài.

Ai nên trữ đông trứng?

Theo TS.BS Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), mặc dù là phương pháp hỗ trợ sinh sản tối ưu và cho hiệu quả khả quan, không phải ai cũng nên đi đông trứng, đặc biệt với những người trẻ tuổi, sức khỏe không gặp vấn đề bất thường.

“Thứ nhất, chi phí trữ đông trứng không cao nhưng rất tốn kém các chi phí đi kèm như phí lưu trữ, phí làm hỗ trợ sinh sản… Ngoài ra, công tác làm trữ đông trứng cũng rất phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức. Bên cạnh đó, việc mang thai tự nhiên dù thế nào vẫn là tốt hơn”, tiến sĩ phân tích.

Do đó, ông cho rằng phụ nữ nếu thuộc 2 trường hợp sau mới nên nghĩ đến chuyện đi trữ đông trứng:

  • Thứ nhất là không có kế hoạch sinh con trong tương lai gần hoặc định hướng làm mẹ đơn thân.
  • Thứ hai là mắc các bệnh ung thư cần phải điều trị hóa chất hoặc các bệnh làm suy giảm dự trữ trứng như suy buồng trứng, lạc nội mạc tử cung.

Ngoài hai nhóm trên, bác sĩ Châu Hoàng Phương Thảo, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) cho biết thêm, chỉ định trữ trứng còn dành cho phụ nữ thụ tinh trong ống nghiệm nhưng trong ngày điều trị, người chồng không lấy được mẫu tinh trùng, trứng cũng sẽ được trữ lại; hoặc cộng đồng LGBT trước khi sử dụng hormone hoặc phẫu thuật chuyển giới có bảo tồn tử cung.

Trước khi tiến hành trữ đông trứng, phụ nữ sẽ được thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán với mục đích:

● Đánh giá chỉ số dự trữ buồng trứng.

● Tầm soát các bệnh lý truyền nhiễm như HIV, viêm gan siêu vi B, C, lao, giang mai.

● Kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi thực hiện các bước kích trứng, chọc hút noãn.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn tăng liên tục, từ 27,5 tuổi năm 2019 lên 29,8 tuổi năm 2022. Trong khi đó, tuổi mang thai và sinh nở tốt nhất của phụ nữ là 20 - 30.

Sau 35 tuổi ở nữ và 40 tuổi ở nam, khả năng sinh sản giảm nhanh, việc có con khó và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sinh con mang các dị tật bẩm sinh.

“Do đó, nếu muốn đảm bảo chất lượng trứng tốt hơn và tỷ lệ sinh sống cao hơn, tốt nhất nên đông lạnh trước 36 tuổi”, bác sĩ Thảo nói thêm.

Hiện nay, trữ trứng và rã đông bằng công nghệ thủy tinh hóa có tỷ lệ thành công lên tới 87%. Tỷ lệ thụ thai từ kỹ thuật này đạt tỷ lệ 68,5%, gần gấp ba so với phương pháp cũ là đông lạnh chậm.

Trứng khi được trữ đông, đồng hồ sinh học sẽ dừng lại ở thời điểm trữ. Trứng được bảo quản ở môi trường nitơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C.

Thời gian bảo quản có thể không giới hạn thời gian tùy theo nhu cầu của người trữ. Khi người phụ nữ có kế hoạch sinh con, trứng sẽ được rã đông, thụ tinh trong ống nghiệm tạo thành phôi, chuyển vào tử cung. Những em bé được sinh ra từ trứng trữ đông vẫn phát triển khỏe mạnh như những em bé bình thường khác.

Bạn có hiểu đúng về thảo dược

Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.

Bộ Y tế khuyến cáo không tắm sau 22 giờ, hạn chế ra đường sáng sớm

Vào mùa lạnh, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe như cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi.

Linh Thùy - Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm