Vài năm trước, khi thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981-1996) và gen Z chuyển đến các thành phố lớn để học tập và làm việc, họ ưu ái lựa chọn phương tiện công cộng và dịch vụ gọi xe công nghệ hơn là sở hữu ôtô riêng.
Tuy nhiên, từ khi đại dịch bùng phát, những xáo trộn trong đời sống và công việc đã thay đổi quan điểm của nhiều người. Một cuộc khảo sát của EY với 3.300 cư dân ở 9 quốc gia cho thấy 32% người không có xe nói rằng họ sẽ mua ôtô trong 6 tháng tới. Khoảng một nửa trong số này thuộc nhóm Millennials, theo Bloomberg.
Giá ôtô đã qua sử dụng, các yêu cầu trực tuyến về bản đồ lái xe đang có dấu hiệu tăng vọt trong khi số lượng tìm kiếm tuyến đường công cộng đã giảm xuống.
Bên cạnh đó, lo ngại về tác động xấu đến môi trường cũng là lý do khiến những người trẻ tuổi không muốn mua xe hơi. Ảnh: NBC News. |
Đổ xô mua xe
Georgios Basdanis (London), bác sĩ, đã mua một chiếc xe cũ với giá 11.250 bảng Anh và trả trong vòng 2 năm.
“Nếu không phải vì Covid-19, tôi sẽ không nghĩ đến việc sắm ôtô. Tôi từng nghĩ nó là một rắc rối”, Basdanis nói.
Chung cư nơi Basdanis sống có chính sách cấm xe hơi. Nếu có xe, anh sẽ phải đậu trên đường phố và trả một mức phí đắt đỏ.
Ngoài ra, do London thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông nên anh hay chọn tàu điện ngầm vì di chuyển nhanh hơn. Song khi Covid-19 hoành hành ở Anh, Basdanis bắt đầu suy nghĩ lại vì sợ vô tình nhiễm virus khi dùng phương tiện công cộng.
“Tự mình lái xe sẽ an toàn hơn nhiều”, người đàn ông 32 tuổi nói thêm.
Anh thích một chiếc ôtô điện, nhưng giá mua lẫn chi phí bảo hiểm của nó rất cao. Không giống như ở Trung Quốc, nơi ai cũng có thể mua một chiếc xe điện mới với giá khoảng 4.500 USD.
Basdanis chọn một chiếc xe cũ với khoản tiền tiết kiệm. Ảnh: Bloomberg. |
Khi chiến dịch tiêm chủng thành công và tình trạng tắc đường quay trở lại, Basdanis cho biết có khả năng anh phải tiếp tục dùng tàu điện ngầm để đi làm hàng ngày và ôtô mới mua sẽ được dùng cho việc khác.
“Tôi nghĩ sẽ thật hữu ích nếu lái xe đến phòng tập thể dục vào ngoài giờ làm việc hoặc thực hiện một chuyến đi xa khi rảnh rỗi”, Basdanis bày tỏ.
Sự thuận tiện và cảm giác tự do là những nội dung phổ biến trên hàng nghìn quảng cáo xe hơi. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức trực tiếp đối với chính sách công trước đại dịch.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà chức trách trên khắp thế giới đã nỗ lực hạn chế người dân dùng xe riêng và thay vào đó là phương tiện công cộng.
Những lời kêu gọi này nhằm giải quyết tình trạng bùng nổ dân số trong thành phố, giảm ô nhiễm không khí và cải thiện vấn đề sức khỏe ở các nước phát triển.
Eric Zayer, một đối tác của Bain & Co tại Munich, nhận định các chính phủ sẽ sớm đưa ra những chính sách nhằm giảm số lượng ôtô.
“Họ đã đầu tư rất lớn vào giao thông công cộng và chúng cần được tận dụng triệt để. Họ sẽ không từ bỏ hệ thống của mình”, Zayer cho hay.
Lấy bằng lái sớm hơn dự kiến
Không chỉ ở phương Tây, Nhật Bản, nơi mỗi ngày có hơn 10 triệu người chen chúc nhau trên các tuyến tàu điện ngầm của Tokyo, cũng quan tâm đến việc sở hữu ôtô.
Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, số lượng giấy phép lái xe được cấp đã tăng vọt vào năm 2020. Phần lớn trong số đó đến từ nhóm thanh niên ở độ tuổi 20-30. Thời gian chờ để làm bài kiểm tra lái xe cũng tăng gấp đôi.
Giới trẻ ở xứ sở chuột túi cũng có xu hướng tương tự. Gypsy Byrne (19 tuổi, Melbourne, Australia) suy nghĩ lại về việc dùng xe buýt gần nhà vì nơi đó đã trở thành điểm nóng lây nhiễm.
Nhiều người trẻ đẩy nhanh tiến độ học lái xe. Ảnh: Pinterest. |
Byrne sống cách trung tâm thành phố 20 km về phía Tây. Việc tạm ngưng sử dụng phương tiện công cộng khiến cô thấy lo lắng vì hạn chế đi lại.
Byrne đã nhờ người hướng dẫn kéo dài giờ học 5 tiếng để đẩy nhanh tiến độ lấy bằng lái và biển số xe.
Cuối tháng 7/2021, Byrne sẽ làm bài kiểm tra lái xe. Nếu vượt qua, phần thưởng dành cho cô là một chiếc Toyota Aurion của ông bà mình. Cô sẽ sử dụng ôtô để đi làm khi đủ điều kiện đậu vào vị trí chăm sóc người khuyết tật.
Những doanh nghiệp sản xuất xe hơi cũng đang đối phó với việc lây nhiễm virus, sự suy thoái kinh tế và các tác động đến môi trường.
Một số hãng đã đẩy mạnh các quảng cáo về trải nghiệm sản phẩm như một không gian thư giãn bên cạnh việc lái xe.
Ngoài ôtô, người trẻ còn quan tâm đến việc mua nhà. Từ trước đại dịch, họ đã săn tìm một số chỗ ở giá cả phải chăng, xa trung tâm thành phố lớn và những nơi có hệ thống giao thông công cộng dày đặc.
Xu hướng đó đã tăng nhanh sau sự bùng phát của Covid-19. Khi nhiều công ty chuyển sang hình thức làm việc từ xa, một số người mong muốn được sống ở những thành phố nhỏ hơn, vùng ngoại ô và tự do mua xe hơi mà không sợ tắc đường.