Với Hong Seoung-kyun (28 tuổi), sở hữu một căn hộ ở Seoul (Hàn Quốc) luôn là ưu tiên hàng đầu khi bắt đầu sống tự lập, thậm chí xếp trước mong muốn kiếm việc làm ở thành phố này.
Vốn sinh ra và lớn lên ở thủ đô, anh từng nghĩ mình hoàn toàn có thể mua nhà sau vài năm tích cóp. Song, anh sớm nhận ra ước mơ này khó thành hiện thực.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hong tiết kiệm được khoảng 15 triệu won (gần 13.370 USD) nhờ công việc bán thời gian tại tiệm cà phê.
Khoản tiền này chỉ có thể giúp anh kiếm được căn hộ dạng studio 12 mét vuông, với giá 500.000 won/tháng và mức cọc 5 triệu won.
"Trên phim ảnh, những người ở độ tuổi của tôi thường làm công việc lương cao, sống trong căn nhà rộng lớn. Ở đời thực, tôi phải chui rúc ở căn phòng bé xíu, vừa ăn mì gói vừa mơ về cuộc sống như vậy", Hong chia sẻ với Korea Herald.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc "vỡ mộng" sở hữu nhà ở thủ đô Seoul. Ảnh: BBC. |
Mơ ước xa vời
Kết quả khảo sát tháng 8 do công ty điều hành dịch vụ nhà ở Honjok King thực hiện cho thấy 78,6% người Hàn ở độ tuổi 26-30 đang sống trong các căn hộ studio. Tỷ lệ này đạt 61,8% với thanh niên 20-25 tuổi và 45,1% với người 31-35 tuổi.
Ở Seoul, các căn hộ dạng này thường có diện tích dưới 20 mét vuông, giá thuê dao động từ 500.000 won/tháng trở lên. Mức chi này nằm ngoài tầm với của nhiều người trẻ khi họ đang chật vật để có nguồn thu nhập ổn định.
Giống như Hong, thanh niên xứ kim chi đang duy trì cuộc sống nhờ làm một hay nhiều công việc bán thời gian một lúc, với hy vọng sớm có nghề nghiệp ổn định. Thế nhưng, dịch Covid-19 lại khiến mơ ước ấy ngày càng ngoài tầm với.
Một bộ phận không nhỏ người trẻ xứ kim chi dựa vào công việc bán thời gian để có thu nhập hàng tháng, không đủ thuê hay mua nhà riêng. Ảnh: Maika Elan. |
Dữ liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc chỉ ra số người thất nghiệp ở tuổi 20-30 vào tháng 3/2021 là 627.000 dân, tăng 63.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, có khoảng 648.000 thanh niên cũng phải tạm dừng công việc trong thời gian này.
Cha Dong-min (29 tuổi), từng tốt nghiệp một trường đại học ở Seoul, trả lời Korea Herald anh phải giấu chuyện bản thân thất nghiệp với gia đình.
Kể từ năm ngoái, anh trở về Daejeon sống cùng cha mẹ vì không tìm được việc làm ở Seoul.
"Tôi sợ phải thú nhận với cha mẹ rằng mình đã trượt phỏng vấn xin việc. Nếu không có việc làm, tôi không thể trả tiền thuê nhà. Dù thế, tôi quyết tìm cơ hội ở Seoul vì tin nơi đây có mọi thứ mình cần", Cha nói.
Hy vọng nhỏ nhoi
Theo Korea Herald, nhiều đại lý bất động sản nhận định người trẻ ngày càng ít cơ hội sở hữu nhà đất ở thủ đô.
Lee Bok-ae, nhân viên đại lý bất động sản có trụ sở tại Noryangjin, nói rằng không ít sinh viên nhờ cô tư vấn tìm căn hộ với giá 300.000 won/tháng.
"Họ đến với hy vọng mong manh, song thực sự khoản tiền đó là không đủ thuê nhà. Ngược lại, không hiếm người trẻ mới ra trường, đã có khả năng thuê ôtô theo tháng hay thuê nhà theo thời vụ với khoản cọc lớn", Lee kể.
Cô cho rằng thanh niên xứ kim chi sẽ có khởi đầu thuận lợi hơn khi bước ra đời nếu được cha mẹ hậu thuẫn tài chính. Nhờ vậy, họ không cần lo lắng về khoản thuê nhà, chi phí sinh hoạt hay tiền cọc hàng tháng.
Còn với những thanh niên phải tự bươn chải, họ vẫn khó có thể sở hữu một căn hộ ở Seoul dù có công việc ổn định hay không.
Nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ gia đình, người trẻ Hàn Quốc ít cơ hội tự mình mua nhà ở thủ đô. Ảnh: Straits Times. |
Theo ngân hàng KB Kookmin, giá trung bình cho một căn hộ ở thủ đô là 964,8 triệu won vào tháng 2/2021. Trong khi đó, dữ liệu thống kê năm 2020 cho thấy một công dân Hàn Quốc có thu nhập khoảng 37,4 triệu won/năm.
Mỗi công dân phải tiết kiệm trong khoảng 26 năm để sở hữu một căn hộ tầm trung. Song, giá nhà vẫn sẽ tiếp tục gia tăng theo thời gian.
Trước tình hình này, chính quyền thành phố Seoul và các cơ quan chức năng đang lên kế hoạch xây dựng khu nhà giá rẻ gần ga tàu điện ngầm dành cho các chủ hộ trẻ tuổi.
Đối tượng thuộc chính sách này gồm những người trẻ độc thân hay các cặp vợ chồng dưới 40 tuổi. Mức phí thuê, mua các căn hộ này rẻ hơn khoảng 40% so với các lựa chọn nhà ở thông thường, với điều kiện cho vay tương đối ưu đãi.
Tuy nhiên, một số cư dân trẻ ở Seoul vẫn tỏ ra nghi ngờ vì "chính phủ chưa bao giờ thực sự quan tâm, chú ý tới thế hệ trẻ".
Jeong Sang-jun, nhân viên kế toán 31 tuổi sống ở quận Mapo (Seoul), không quá hy vọng vào sự thay đổi này.
"Mọi thứ rồi vẫn vậy thôi. Chúng tôi cần thời gian để xem liệu họ có thể hiện thực hóa kế hoạch này không", anh nói.