Làm việc tại bộ phận nhân sự của một công ty mỹ phẩm, Ngọc Anh (23 tuổi, ở TP Biên Hoà) phải sử dụng máy tính trong nhiều giờ liền. Sau 8 tiếng làm việc tại văn phòng, cô thường nhận dạy thêm ở nhà khoảng 2 giờ/ngày.
“Tôi không có nhiều thời gian để đi lại, vận động vì đa phần công việc đều giải quyết trên máy tính. Tối đến, tôi nhận dạy thêm online nên phải ngồi thêm 2 giờ nữa. Dần dần, tôi bị đau lưng và mỏi cổ”, Ngọc Anh chia sẻ.
Không đi khám dù bệnh không đỡ
Chỉ sau 3 tháng đi làm, Ngọc Anh bắt đầu xuất hiện hiện tượng đau và mỏi cổ.
“Khi mới đi làm, tôi thấy các anh chị trong văn phòng đều có một chiếc gối/đệm nhỏ để lót phía sau lưng. Lúc đó, tôi không quan tâm lắm. Đến khi bị nhức lưng, tôi mới biết vai trò của chiếc gối này”, Ngọc Anh cho hay.
Thời gian nghỉ trưa khá ngắn và văn phòng không có chỗ ngủ nên Ngọc Anh thường chỉ ngồi trên ghế thư giãn, chờ đến lúc vào ca chiều. Vì vậy, ngoài thời gian ăn trưa hay đi vệ sinh, cô đều ngồi làm việc và nghỉ ngơi tại chỗ ngồi.
Nhiều nhân viên văn phòng phải lót đệm khi làm để tránh bị đau lưng. Ảnh: Quốc Toàn. |
Nhận thấy tình trạng đau lưng không quá nghiêm trọng và hầu như có thể chịu được nên cô không uống thuốc hay thăm khám. Những lúc bị đau, cô dùng tay đấm lưng hoặc xoa bóp với tinh dầu để dễ chịu hơn.
“Đây là tình trạng phổ biến, đồng nghiệp xung quanh tôi cũng mắc. Tôi thấy đau nhức lưng cũng như bệnh cảm thông thường, nghỉ ngơi nhiều sẽ đỡ và không cần phải đi khám”, Ngọc Anh cho biết.
Tuy nhiên, có những hôm, khi bị đau quá mức, cô không tập trung làm và phải đứng dậy đi loanh quanh văn phòng đến khi đỡ hẳn mới quay lại.
Không giống Ngọc Anh, tình trạng đau lưng và vai gáy của Thùy Trang - nhân viên văn phòng tại TP.HCM - có phần nặng hơn.
“Có những hôm mãi tập trung làm báo cáo gấp, suốt 4-5 giờ liền tôi không đứng lên. Đến khi làm xong, lưng và tôi tê cứng. Thậm chí, tôi không thể xoay đầu được. Lúc đó, tôi phải xoa bóp vùng cổ khoảng 10-15 phút mới đỡ đau”, Trang tâm sự. Cô không muốn đi khám vì cho rằng căn bệnh này bắt nguồn từ lối sống, khó có thuốc nào điều trị được.
Trước đây, cô từng thử dùng miếng dán giảm đau, nhưng chỉ vài lần thì bỏ hẳn vì không hiệu quả. Trang thừa nhận nguyên nhân khiến tình trạng đau nhức của cô ngày nặng thêm là ít tập thể dục, ngủ không kê gối và hay gù lưng.
Gần đây, khi thấy trên mạng quảng cáo gối cao su non giúp chống mỏi cổ, đau vai gáy, Trang chi gần 600.000 đồng để mua chiếc gối này. Tuy nhiên, vốn không quen kê gối khi ngủ, cô chỉ dùng vài lần rồi đem cho bạn bè.
Căn bệnh của dân văn phòng
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, bác sĩ Trịnh Quang Anh, Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, cho biết trung trình mỗi tháng đơn vị này ghi nhận khoảng 25-30 ca đến khám do gặp các vấn đề liên quan đau cổ, vai gáy và thoát vị đĩa đệm. Trong đó, bệnh nhân trẻ, làm việc tại văn phòng chiếm đa số.
Theo bác sĩ Quang Anh, đau cổ, vai gáy là tình trạng cơ tại những vùng này co cứng, căng mỏi gây đau, kèm theo hạn chế vận động các khớp cột sống cổ hoặc vai. Nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng này như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ, thiểu năng vành, u đỉnh phổi...
Nhìn chung, nguyên nhân phổ biến nhất là mất cân bằng cơ vùng thân trên, còn được gọi là hội chứng chéo trên do tư thế ngồi nhiều và sử dụng máy tính hay điện thoại thường xuyên. Bác sĩ Quang Anh đánh giá đây được xem là bệnh đặc trưng của dân văn phòng nhưng những ai có thói quen sinh hoạt tương tự cũng có nguy cơ mắc bệnh này.
Đau mỏi vai gáy là căn bệnh đặc trưng của dân văn phòng do ngồi nhiều và sử dụng máy tính, điện thoại thường xuyên. Ảnh: Freepik. |
Bệnh có liên quan chặt chẽ hệ thống cơ xương khớp, thần kinh và mạch máu vùng cổ, vai gáy. Bên cạnh triệu chứng đau nhức, bệnh có thể khiến đầu nhô về trước khỏi trục cơ thể, cổ nghiêng về trước mất đường cong sinh lý cột sống cổ, vai tròn xệ, bờ vai cong ra trước, ngực lõm vào hay lưng gù.
Sự thay đổi hình thể này là do các nhóm cơ co kéo để điều chỉnh cơ thể phù hợp với thói quen, tư thế làm việc và sinh hoạt hàng ngày, làm mất cân bằng giữa các nhóm cơ vùng thân trên và đầu cổ, gây lệch vẹo, gù, căng mỏi đau. Việc tăng hay co quá mức của nhóm cơ trước ngực cũng có thể làm khoang lồng ngực bị bó hẹp, dẫn đến dễ mệt mỏi, cảm giác thiếu khí, khó thở.
Bác sĩ Quang Anh cho biết trường hợp mất cân bằng cơ nặng hơn có thể khiến bệnh nhân không thể giơ cao tay. Đối với phụ nữ, các động tác thường ngày như chải tóc hay kéo dây áo phía sau cũng gặp khó khăn. Nếu không đi khám và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị biến chứng đứt gân cơ trên gai, đau dọc theo cánh tay hoặc tê bì ở các ngón tay.
Ngoài ra, các cơn đau, kèm căng mỏi cơ vùng cổ, vai gáy đôi có thể gây khó chịu cho người bệnh, khiến họ kém tập trung, mất năng lượng và uể oải.
Để phòng ngừa tình trạng đau mỏi cổ, vai gáy, vị chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên duy trì chế độ sinh hoạt, làm việc hợp lý, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Khi ngồi làm việc trong văn phòng, cứ một đến 2 giờ, bạn nên đứng lên vận động, đi lại nhẹ nhàng, tránh làm việc liên tục trong nhiều giờ.
Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa II Lương Đình Hạ, Trưởng khoa Nội Cơ - Xương - Khớp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng), chia sẻ thêm khi gặp những dấu hiệu nghi ngờ là bệnh đau vai gáy, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị theo phác đồ phù hợp, giúp giảm các biến chứng của bệnh về sau.
Bác sĩ Hạ nhấn mạnh việc tự ý chữa bệnh đau vai gáy bằng các bài thuốc truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng hoặc tự ý dùng thuốc giảm đau khi chưa có chỉ định của bác sĩ có thể khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí để lại biến chứng nguy hiểm.
Bạn có thường xuyên quên để điện thoại ở đâu? Không nhớ ra mình đã khóa cửa nhà chưa? hay quên cuộc hẹn quan trọng với đối tác? Bạn băn khoăn và lo lắng liệu có phải mình bị suy giảm trí nhớ hay không?
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả bác sĩ Trần Quốc Khánh chia sẻ các giải pháp giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả. Ngoài ra, cuốn sách cũng tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.