TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Trưởng bộ môn Tâm lý học Ứng dụng, Đại học Sư phạm TP HCM - cho biết: “Khi khảo sát nhanh trong các buổi tiếp xúc giới trẻ, khoảng ¾ học sinh ấp úng hoặc thú nhận không biết mình sống để làm gì”.
Chia sẻ vấn đề này, TS tâm lý Nguyễn Thị Minh đưa thông tin: Khi thực hiện bài giảng về ước mơ, lý tưởng, khảo sát 700-800 sinh viên trong trường cho thấy, nhiều em chưa xác định được mục đích sống. Số khác đặt mục tiêu ngắn hạn, nhưng không có kế hoạch cụ thể, không có phương tiện hỗ trợ thực hiện. Đặc biệt, số đông người trẻ có mục đích sống hướng về vật chất, hưởng thụ, thích có nhà lầu, xe hơi nhưng lại ngại khó, khổ.
Không có mục đích sống tích cực, nhiều bạn trẻ khó tìm thấy ánh sáng cuộc đời. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Mục đích hưởng thụ gây chán nản
Theo TS Minh, khi mục đích sống nặng về hưởng thụ, bạn trẻ dễ chán nản và bất mãn khi không thực hiện được.
TS Vũ Thu Hương – giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, mục đích sống của một bộ phận giới trẻ còn hạn hẹp và đơn sắc. Ví dụ, hầu hết bạn trẻ đều có suy nghĩ vào trường tốt, học xong có công việc ổn định, lập gia đình và sinh con.
Với mục tiêu mà hầu như ai cũng đạt được như vậy, người trẻ sẽ thấy cuộc sống nhàm chán. Mỗi khi gặp khó khăn, họ nghĩ mình vô dụng, hèn kém, dễ suy nghĩ tiêu cực.
Thực tế trên, theo TS Nguyễn Thị Minh, một phần do nhiều gia đình không giáo dục về mục đích sống (ước mơ, lý tưởng) cho con từ nhỏ. Vì vậy, không ít bạn trẻ mơ màng khi được hỏi về mục đích sống, không biết mình sẽ trở thành người như thế nào, đóng góp gì cho xã hội?
Bên cạnh đó, sống trong thế giới phẳng, nhiều luồng thông tin từ mạng xã hội, phương tiện truyền thông phản ánh những vấn đề tiêu cực. Không có khả năng "miễn nhiễm", bạn trẻ nhìn đâu cũng thấy người xấu, dần học theo cái xấu đó.
Đi tìm mục đích sống như thế nào?
TS tâm lý Nguyễn Thị Minh kể lại, mặc dù là người được sống trong môi trường giáo dục tốt của gia đình, nhưng chị từng có lúc băn khoăn không biết mình đến từ đâu và sống để làm gì? Đó là thời điểm trước tuổi 30.
Nhiều bạn trẻ đã tìm được mục đích sống ý nghĩa vì cộng đồng từ những hoạt động tình nguyện. Ảnh: Nguyễn Minh Phương. |
TS Minh tâm sự: “Tôi tìm được mục đích sống của mình khi đọc Tứ thư (bốn sách Ðại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử), đại ý trời sẽ giao cho mỗi người một sứ mệnh riêng. Để thực hiện, con người phải sống đạo đức. Tùy thuộc đạo đức, mỗi người sẽ được giao sứ mệnh lớn hay bé”.
Ngoài ra, nữ TS cũng chia sẻ, bố là người giúp trả lời câu hỏi của chị: "Mục đích sống lớn và cuối cùng của con là giúp đỡ và hy sinh cho nhiều người”.
Từ những trải nghiệm bản thân, nữ giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, mục đích sống được xác định càng sớm càng tốt. Trẻ em cần được xây dựng mô hình nhân cách sớm, lớn lên cần khẳng định bản thân và khi trưởng thành có đóng góp cho xã hội.
Theo TS Vũ Thu Hương, không phải lúc nào cha mẹ cũng giáo dục lý tưởng sống đúng đắn cho con. Ngay từ khi còn nhỏ, nhiều phụ huynh đã đánh giá con bằng điểm số. Đồng thời, cha mẹ cũng gắn kết quả học tập của con với sự thành công của mình trong việc giáo dục trẻ. Vì áp lực này, người lớn đã làm cho cuộc sống của con trở nên nghèo nàn, đơn điệu, dễ nhàm chán và mệt mỏi.
Thực tế đánh giá một con người thành công hay không sẽ không ở thành tích học tập, mà họ đã cống hiến cho xã hội thế nào.
TS Minh nhắn nhủ, vào những giai đoạn băn khoăn chưa có mục đích sống, giới trẻ cần đọc nhiều sách, tìm thầy giỏi để học. Thầy không chỉ là người trực tiếp dạy mình, mà cả những chất liệu từ thực tế đời sống. Mục đích sống thường có từng giai đoạn và phải được phân chia mục đích tổng thể và ngắn hạn.
Các bạn trẻ trên 18 tuổi cần tự nhận thức được bản thân để đi tìm mục đích sống, đồng thời cần sự định hướng, học hỏi từ thế giới rộng lớn xung quanh.