Theo kết quả nghiên cứu của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, số học sinh có ý định tự tử tăng cao (17%). Thực tế cho thấy, nhiều câu chuyện học sinh tự tử gây chấn động dư luận. Thậm chí, có những nhóm học sinh muốn “chết tập thể”.
Tuổi trẻ thường hưng phấn và dễ bị kích động, một cú sốc đầu đời hoặc những chuyện không vừa ý tích tụ lâu ngày sẽ làm nảy sinh ý định tự tử để giải thoát.
Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ trước khi hành động tiêu cực, hay rủ nhiều người chết chung. Đây là tâm lý muốn tìm người cùng cảnh ngộ, vừa có đồng minh chia sẻ ý tưởng, vừa tiếp thêm dũng khí cho nhau. Không ít bạn rủ càng đông người càng tốt với mục đích nếu không chết được thì cũng tạo "phong trào gây sốc".
Tại sao nhiều người trẻ dễ bị tổn thương?
Đó là do họ thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc. Nếu không biết tự giải tỏa và vượt qua áp lực, một khi để sự buồn bực chi phối, nó lấn át lý trí và ý chí con người, làm họ yếu mềm, dẫn tới gục ngã.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Trưởng bộ môn Tâm lý học Ứng dụng, Đại học Sư phạm TP HCM. |
Không có ước mơ làm động lực sống cũng khiến con người dễ chán nản. Bởi khi sống hoài bão, có đam mê, cuộc đời trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Có ước mơ, những cám dỗ vặt vãnh, thất bại nhỏ nhoi sẽ là động lực kích thích thêm sự phấn đấu. Tuy nhiên, với câu hỏi “Bạn sống để làm gì?”, 75% bạn trẻ trả lời ấp úng hoặc thú nhận không biết mình sống để làm gì.
Cách học không khoa học, mục tiêu thi cử quá cao cũng làm học sinh dễ bị khủng hoảng tinh thần. Cuộc chạy đua trong xã hội ngày càng khốc liệt, trong khi mối liên kết ở nhiều gia đình ngày càng lỏng lẻo, nhà trường ít quan tâm đến tâm lý học sinh, làm gia tăng nguy cơ hụt hẫng trong tầng lớp thanh thiếu niên.
Điều quan trọng nhất, nhiều người trẻ tự tử do thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề. Họ dễ bế tắc và chìm vào sự căng thẳng, trong khi còn nhiều cách để giải quyết.
Tự tử tuổi thanh xuân là bất hiếu
Nếu một mình không giải quyết được bế tắc, các bạn trẻ hãy tìm đến sự trợ giúp từ người khác. Khi gặp sự cố hay thất bại, các em nên nhớ không có gì quý hơn mạng sống, cha mẹ thương em nhiều hơn điểm số đạt được.
Hãy hiểu thất bại không có nghĩa bạn quá tồi tệ, mà là chưa giỏi mà thôi. Gặp sự cố không phải bạn sẽ cùng đường, mà là cần phải tìm một con đường khác.
Trong lúc bạn trẻ thiếu sức đề kháng, hãy nhớ cuộc đời đâu đó có rất nhiều tấm gương từng khủng hoảng hơn nhiều cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng họ đã vượt lên, sống tốt hơn cho chính bản thân và thậm chí còn đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Tự tử lúc còn tuổi xuân là bất hiếu. Đi tìm cái chết vì những lý do không đâu là biểu hiện của sự hèn nhát, trốn tránh.
Cha mẹ hãy giúp con vượt qua căng thẳng
"Một trong những sai lầm lớn nhất là cha mẹ tự tách mình khỏi con cái khi chúng đang lớn. Nếu biết quan tâm những gì trẻ làm, bạn có thể làm dịu cơn giận của con. Hầu hết trẻ hay tức giận hoặc cư xử không phù hợp thường ít được bố mẹ chú ý.
Cha mẹ cần thiết lập giới hạn khi còn nhỏ. Nếu quá nuông chiều trong những năm đầu đời, sau này, bé sẽ đòi được đáp ứng nhu cầu cao hơn. Nếu phụ huynh từ chối, bé sẽ nổi giận, nhưng bạn cần phải nói không với con trong những trường hợp nhất định, để bé biết rõ ràng về các giới hạn.
Dạy cho trẻ cách giao tiếp hiệu quả sẽ có tác dụng rất lớn trong việc đối phó cơn giận của chúng sau này. Cố gắng dạy con cách thể hiện tình cảm thái độ bằng lời nói thay vì chửi bậy. Trẻ em cần được biết rằng, để chứng minh một điều gì đó không nhất thiết phải sử dụng những lời lẽ thô tục, có thể giúp bé hiểu bằng trường hợp cụ thể.
Cha mẹ không nên áp dụng hình phạt thể chất. Một hình phạt tốt sẽ giúp cho sự phát triển của trẻ, bạn có thể sử dụng những cách khác nhau thay vì đánh, mắng trẻ. Hãy nhớ rằng, cách bạn cư xử với con khi đang tức giận sẽ đặt nền móng cho sự tức giận của bé sau này".
TS Vũ Thu Hương
Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội