Nghiên cứu cho thấy Covid-19 cùng vấn đề khí hậu đã tác động tiêu cực đến tinh thần của người trẻ, khiến họ khó hoàn thành tốt công việc.
Theo một cuộc khảo sát mới đây do YouGov phối hợp cùng Liên minh Sức khỏe Tâm thần Đô thị Anh (CMHA) và Bupa thực hiện trên 1000 nhân viên trẻ tuổi, 2/3 người được hỏi cho rằng tâm lý bất ổn đã khiến họ không thể làm tốt công việc.
Ngoài ra, những người này cũng mong muốn được cấp trên hỗ trợ tốt hơn về vấn đề sức khỏe tâm thần, theo Independent.
Người trẻ bất ổn do đại dịch và ô nhiễm
Cụ thể, trong số những người làm khảo sát, 20% cho biết sự tác động của vấn đề tâm lý đối với công việc là "luôn luôn” hoặc "thường xuyên" xảy ra; trong khi đó 41% cho rằng mức độ này là "thỉnh thoảng" trong năm 2020.
Đồng thời, 28% nhân viên trẻ tuổi đã phải xin nghỉ làm (tính cả nghỉ phép) bởi phải vật lộn với tâm lý tồi tệ của mình.
Những người được hỏi cũng cho biết đại dịch Covid-19, sự kiệt sức vì công việc và nỗi lo lắng xung quanh các vấn đề môi trường là những yếu tố khiến sức khỏe tâm thần của họ trở nên yếu kém.
Đầu năm 2021, các nhà khoa học từ Đại học Imperial College London đã công bố một báo cáo cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang có “tác động đáng kể và nhiều mặt” đối với tâm lý con người. Đặc biệt ở những người trẻ tuổi, họ thật sự sợ hãi khi xã hội không có biện pháp xử lý vấn đề môi trường cấp bách.
Covid-19 cũng đã gây tác động chưa từng có đối với sức khỏe tâm thần cộng đồng. Theo số liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, 17% người trưởng thành đã trải qua một số dạng trầm cảm vào quý II năm 2021.
Mặc dù con số này đã giảm so với số liệu ghi nhận hồi quý I (21%), tuy nhiên vẫn gần gấp đôi con số của thời điểm trước đại dịch (10%).
Cấp trên cần hỗ trợ
Nghiên cứu của CMHA cho thấy những người trẻ tuổi khi bắt đầu sự nghiệp đều mong muốn được cấp trên hỗ trợ về sức khỏe tâm thần. 60% người được khảo sát nói rằng điều này sẽ giúp họ làm việc hiệu quả hơn. Ngoài ra, 66% cho biết điều đó sẽ làm họ hài lòng hơn với công việc, gia tăng sự gắn bó với công ty.
47% cho biết sẽ đánh giá cao và tìm kiếm một nhà tuyển dụng tiềm năng có ưu tiên tinh thần, phúc lợi của nhân viên.
Farimah Darbyshire, người đứng đầu các chương trình của CMHA cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các nhân viên trẻ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp cần có trách nhiệm và biện pháp để nâng cao tinh thần tích cực của nhân viên”.
Ali Aswad (23 tuổi), một nhân viên ngân hàng trẻ tại Anh, cho biết sự hỗ trợ tinh thần từ cấp trên đóng vai trò rất quan trọng. Anh từng trải qua cảm giác bất an và không tự tin về khả năng làm việc của mình. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi anh phải làm việc tại nhà do đại dịch.
“Để chứng tỏ bản thân, tôi không dám từ chối lời đề nghị công việc nào từ cấp trên hoặc đồng nghiệp. Tôi nhận ra đây là áp lực tự mình đặt ra. Khối lượng công việc của tôi không cố định, điều này khiến tôi lo lắng và chỉ ngủ được 4-5 tiếng mỗi đêm”, anh kể lại trên Independent.
Sau khi nói chuyện với cấp trên về vấn đề của mình, Aswad mới có thể xác định lý do của sự lo lắng.
“Giờ đây tôi cảm thấy tốt hơn khi biết cách vạch ra ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân, đồng thời ưu tiên sức khỏe tinh thần của mình”.
Nếu Aswad có được trải nghiệm tích cực tại nơi làm việc, hầu hết người trả lời cuộc khảo sát của CHMA lại cho biết cấp trên của họ vẫn không nhìn nhận được tầm quan trọng trong vấn đề sức khỏe tâm thần của nhân viên.
Chỉ 27% cho biết cảm thấy thoải mái khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc. Ngoài ra, chỉ 29% nói rằng cấp trên của mình đã có biện pháp hỗ trợ tinh thần cho nhân viên trong một năm đại dịch vừa qua.
CHMA đang kêu gọi các doanh nghiệp nâng cao sự hỗ trợ tinh thần cho nhân viên trẻ bằng cách cải thiện 3 vấn đề: nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc; thực hiện các phương pháp làm việc lành mạnh giúp bảo vệ nhân viên khỏi tình trạng kiệt sức; cung cấp và chỉ dẫn biện pháp hỗ trợ an sinh.
Darbyshire từ CHMA nói: “Nếu một doanh nghiệp muốn tạo dựng môi trường làm việc tốt hơn, họ buộc phải chú ý đến sức khỏe của nhân viên, nên phát triển sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần thay vì đối phó. Nếu không làm được điều này, doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại phía sau, các nhân viên của họ sẽ có lý do để rời đi”.